10 giải pháp giữ sức khỏe trong những ngày cuối năm bằng Y học cổ truyền
Dưới góc nhìn Y học cổ truyền, những tháng cuối năm thường là thời điểm mà sức khỏe con người dễ bị tổn thương do áp lực công việc, chế độ sinh hoạt không điều độ và thời tiết thay đổi thất thường. Việc phải hoàn thành các chỉ tiêu công việc cuối năm, tham gia các buổi họp mặt, tổng kết và vui chơi, cùng với những thay đổi của thời tiết khiến nhịp sinh hoạt của nhiều người bị xáo trộn. Tình trạng ăn uống thất thường, nghỉ ngơi không đầy đủ có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe từ nhẹ như mệt mỏi, căng thẳng đến nghiêm trọng như suy giảm miễn dịch, bệnh đường tiêu hóa hoặc các bệnh về hô hấp.
Dưới đây là 10 giải pháp được chuyên gia Y học cổ truyền khuyến nghị nhằm bảo vệ sức khỏe trong những tháng cuối năm, vừa dễ hiểu, nhẹ nhàng, vừa cụ thể và dễ áp dụng cho công chúng.
1. Bổ chính khí để tăng cường sức đề kháng
Trong Y học cổ truyền, chính khí là nền tảng sức khỏe, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Cuối năm, khi thời tiết trở lạnh và công việc bận rộn, chính khí dễ suy yếu, làm cho cơ thể dễ mắc bệnh. Để bổ chính khí, người ta có thể dùng một số thảo dược như Hoàng kỳ, Nhân sâm, Đẳng sâm, các loại này đều có tác dụng bổ khí, kiện toàn sức đề kháng tự nhiên. Ngoài ra, có thể sử dụng các bài trà thảo dược như trà nhân sâm hoặc trà linh chi giúp cải thiện chính khí, giúp cơ thể chống lại bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.
Việc sử dụng các loại trà từ thảo dược này tuy đơn giản nhưng vẫn cần sự tư vấn của các chuyên gia Y học cổ truyền, hãy tham khảo ý kiến trước khi sử dụng cho bạn hoặc người thân đặc biệt ở người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em và người mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường,…
2. Duy trì chế độ ăn uống điều độ
Cuối năm thường là thời điểm tổ chức nhiều bữa tiệc, ăn uống thất thường, sử dụng đồ ăn nhanh và thực phẩm chứa nhiều đạm, chất béo, đường. Điều này gây tổn hại cho Tỳ Vị, là nơi chủ yếu đảm nhận chức năng tiêu hóa. Tỳ Vị yếu dễ dẫn đến các bệnh về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, chướng hơi.
Để duy trì Tỳ Vị khỏe mạnh, cần ăn uống đúng giờ, tránh ăn quá no hoặc bỏ bữa. Ngoài ra, cần hạn chế thức ăn dầu mỡ, cay nóng, bởi chúng dễ gây tổn thương cho Tỳ Vị. Thêm gừng tươi vào bữa ăn giúp kiện Tỳ, ôn Vị, giảm tình trạng tiêu hóa kém, đầy bụng, giữ ấm cơ thể trong những ngày lạnh.
3. Giữ ấm cơ thể, bảo vệ Phế khí
Phế chủ khí, là chức năng rất quan trọng của tạng Phế, đặc biệt trong mùa lạnh khi Phế khí dễ bị tổn thương. Việc giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực, mũi và miệng là biện pháp quan trọng để bảo vệ Phế khí, phòng ngừa các bệnh liên quan đến hô hấp. Khi ra ngoài, cần quàng khăn, mặc ấm, tránh gió lùa. Sử dụng thêm các loại thảo dược như bạch chỉ hoặc tía tô để làm trà uống hàng ngày cũng giúp bảo vệ Phế khí, tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa các bệnh như cảm lạnh, ho, viêm phổi.
4. Đảm bảo ngủ đủ giấc, đúng giờ
Y học cổ truyền cho rằng, ngủ là giai đoạn cơ thể được bồi bổ âm tinh theo với hoạt động âm dương trong một ngày đêm. Ban đêm khi ngủ âm tinh được bồi bổ đầy đủ thì có sức sinh dương, để đến sáng dậy dương khí đủ tinh thần sảng khoái, người khỏe khoắn và ban ngày làm việc tốt (đó là giấc ngủ có chất lượng tốt). Nếu âm tinh, không được bồi bổ đầy đủ hoặc dương bị tiêu hao quá mức (do lạnh) khi tỉnh dậy dễ cảm thấy uể oải, mệt mỏi, tinh thần không sảng khoái (đó là giấc ngủ có chất lượng không tốt).
Cuối năm thường có nhiều hoạt động kéo dài, khiến người ta dễ mất ngủ. Việc duy trì giờ ngủ cố định, ngủ đủ giấc giúp tinh khí trong Thận được bổ sung đầy đủ, giúp cơ thể hồi phục và giảm căng thẳng. Tránh dùng điện thoại hoặc xem các nội dung gây kích thích trước giờ ngủ, bởi chúng dễ gây mất ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
5. Duy trì vận động nhẹ nhàng
Việc duy trì tập luyện là rất quan trọng trong thời điểm cuối năm. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, dưỡng sinh, khí công giúp lưu thông khí huyết, tăng cường chính khí, giữ ấm cơ thể và giúp cơ thể điều hòa, thích nghi với sự thay đổi thời tiết. Ngoài ra, tập luyện nhẹ nhàng còn giúp giải tỏa căng thẳng, giảm áp lực công việc, giúp tinh thần sảng khoái và tăng cường sức khỏe. Nên chọn các hoạt động phù hợp với thể trạng và thực hiện thường xuyên để đạt hiệu quả tốt nhất.
6. Hỗ trợ tiêu hóa bằng thảo dược
Với những người có hệ tiêu hóa yếu, hoặc gặp tình trạng đầy bụng, chướng hơi sau các bữa tiệc lớn, việc sử dụng thảo dược như Trần bì, Bạch truật và Sa nhân rất hữu ích. Trần bì giúp kiện Tỳ, ôn Vị, giảm đầy bụng; Bạch truật tăng cường chức năng tiêu hóa và Sa nhân giúp giảm đau bụng, ngừa tiêu chảy. Có thể pha các thảo dược này làm trà để hỗ trợ tiêu hóa sau khi ăn uống nhiều đồ ăn đạm và dầu mỡ.
7. Uống trà thanh nhiệt, giải độc
Thực phẩm cuối năm thường nhiều đạm, dầu mỡ và gia vị, khiến cơ thể dễ bị “nóng trong người”. Các loại trà thanh nhiệt như trà diếp cá, trà bồ công anh, trà hoa cúc là giải pháp hữu hiệu giúp giải độc, thanh nhiệt và hỗ trợ chức năng gan. Trà thanh nhiệt có thể uống hằng ngày để làm mát cơ thể, giúp cơ thể thanh lọc và giảm nguy cơ mắc các vấn đề như mụn nhọt, nóng trong người.
8. Giữ tinh thần thư thái, giảm căng thẳng
Trong Y học cổ truyền, tinh thần và sức khỏe có mối quan hệ mật thiết. Áp lực công việc cuối năm dễ khiến người ta mệt mỏi, căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện. Để duy trì sức khỏe tinh thần, có thể thực hành các phương pháp thư giãn như ngồi thiền, hít thở sâu, tập yoga. Các phương pháp này giúp giảm căng thẳng, tạo cảm giác yên tĩnh, giúp giấc ngủ ngon hơn và tinh thần thoải mái hơn.
9. Châm cứu và bấm huyệt để hỗ trợ sức khỏe
Châm cứu và bấm huyệt là những phương pháp hữu hiệu trong Y học cổ truyền để điều hòa khí huyết, cải thiện sức khỏe toàn diện. Một số huyệt như Túc tam lý giúp kiện Tỳ, bổ khí, cải thiện tiêu hóa; Hợp cốc giúp giảm đau đầu, thư giãn cơ bắp; và Nội quan giúp an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
10. Xông hơi, tắm nước ấm với thảo dược
Thời tiết lạnh khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh, đau nhức. Xông hơi hoặc tắm nước ấm với các loại thảo dược như gừng, quế giúp giữ ấm, thúc đẩy lưu thông khí huyết và phòng ngừa các bệnh do lạnh. Gừng có tác dụng ôn trung, khu hàn; quế có tác dụng làm ấm, kích thích lưu thông máu, rất thích hợp dùng để xông hơi, tắm trong mùa lạnh. Đây là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả, giúp cơ thể thư giãn, giảm đau nhức và bảo vệ sức khỏe.
Trong những ngày cuối năm bận rộn và thời tiết lạnh, việc giữ gìn sức khỏe là điều rất quan trọng. Bằng cách áp dụng các nguyên tắc của Y học cổ truyền như bổ chính khí, bảo vệ Tỳ Vị, duy trì nhịp sống điều độ, và bảo vệ các tạng phủ, từ đó giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Những giải pháp trên không chỉ giúp bảo vệ thể chất mà còn giúp ổn định tinh thần, tạo điều kiện cho một năm mới khỏe mạnh và bình an.
Tác giả: TS BS. Bùi Phạm Minh Mẫn
BS. Lê Nhất Duy
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3
Theo Tạp chỉ Thuốc và Sức khỏe