Bài tập cho người bệnh Cong vẹo cột sống tại nhà
Cơ xương khớp -
26/09/2024
Cong vẹo cột sống là tình trạng cong của cột sống sang một bên của trục cơ thể và vẹo (xoay) của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang, giống như hình chữ C hoặc chữ S.
Ảnh hưởng của bệnh cong vẹo cột sống đến sức khoẻ ở trẻ em?
Tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ nhỏ nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nghiêm trọng trong giai đoạn trưởng thành. Một số vấn đề nguy hiểm có thể kể đến ngoài tư thế xấu như: Lệch hông, giảm chiều cao, nó có thể dẫn đến đau đầu và đau lưng, mất khả năng vận động bình thường, các vấn đề về tiêu hóa, ảnh hưởng đến hô hấp và cuối cùng gây ra bệnh viêm khớp sớm do áp lực bất thường lên một số khớp, v.v.
Bệnh vẹo cột sống có cải thiện nhờ tập thể dục không?
Đối với bệnh vẹo cột sống vô căn ở thanh thiếu niên trong quá trình phát triển, quan sát, các bài tập vật lý trị liệu đặc hiệu cho bệnh vẹo cột sống và nẹp là các phương pháp điều trị được Hiệp hội quốc tế về điều trị chỉnh hình và phục hồi chức năng vẹo cột sống (SOSORT) chấp nhận vào năm 2011. Các phương pháp này góp phần làm giảm đường cong cột sống, ngăn ngừa sự tiến triển của đường cong, giảm mất cân bằng cơ và giảm đau.
Các bài tập về bệnh vẹo cột sống có thể thực hiện tại nhà
Ngoài các bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng được thực hiện với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ, một số bài tập được khuyến nghị tại nhà nhằm cải thiện cảm giác, sức mạnh, khả năng vận động và độ ổn định của cột sống, đồng thời giảm đau lưng.
Thực hiện các bài tập 3 lần/ngày.
Bài tập 1 : Động tác kéo giãn mèo- lạc đà
– Bước 1: Quỳ xuống, cổ tay thẳng hàng với vai, đầu gối thẳng hàng với hông.
– Bước 2: Cong lưng cho đến khi cảm thấy căng ở lưng dưới, giữ tư thế này trong 5 giây. Đây là tư thế “mèo”.
– Bước 3: Nâng ngực, xương cụt và ngẩng đầu, hạ thấp lưng, tạo tư thế “lạc đà”.
Lặp lại động tác 10 lần/buổi tập, thực hiện chậm rãi.
Bài tập 2 : Tư thế cây cầu
– Bước 1: Nằm ngửa, chống hai gối và tay xuôi theo thân.
– Bước 2: Nâng thân lên, dồn trọng lượng lên chân và vai, thở ra từ từ khi nâng lưng dưới. Giữ tư thế trong 5 giây rồi thư giãn.
Lặp lại 10 lần/buổi tập.
Bài tập 3 : Kéo giãn cùng bên
– Duỗi thẳng cánh tay phải về phía trước và chân phải về phía sau càng xa càng tốt.
– Giữ nguyên tư thế này trong 5 đến 10 giây.
– Lặp lại động tác tương tự với tay và chân còn lại. Thực hiện 10 lần/buổi tập
Bài tập 4 : Kéo giãn chéo
– Bước 1: Quỳ xuống, đảm bảo cổ tay và hông thẳng hàng.
– Bước 2: Nâng tay trái thẳng về phía trước, đồng thời nâng chân phải thẳng về phía sau.
– Bước 3: Giữ tư thế trong 5-10 giây.
Lặp lại 10 lần cho mỗi bên/buổi tập.
Bài tập 5: Plank
– Bước 1: Nằm sấp, chống khuỷu tay vuông góc với vai.
– Bước 2: Duỗi thẳng chân ra sau, tạo một đường thẳng từ vai đến chân.
– Bước 3: Giữ tư thế từ 30-60 giây.
Chú ý tập vừa sức, nên mang giày thể thao khi tập luyện.
Bài tập 6: Thăng bằng 1 chân (nên thực hiện trước gương để giúp hình dung cột sống thẳng)
– Bước 1: Đứng thẳng, mở mắt, gập một đầu gối lên và giữ thăng bằng trên một chân. Giữ 10-20 giây
– Bước 2: Tăng độ khó để giữ thăng bằng bằng cách nhắm mắt.
– Bước 3: Đổi bên
Thực hiện 5 lần mỗi bên trong 1 buổi tập. Thực hiện một buổi mỗi ngày.
Lưu ý:
– Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu các bài tập điều trị chứng vẹo cột sống tại nhà để được tư vấn lựa chọn các bài tập phù hợp với dạng cong vẹo cột sống cụ thể đem lại hiệu quả cao hơn từ việc tập luyện.
– Nếu bài tập gây đau, hãy dừng lại và báo cho bác sĩ.
– Người bệnh cong vẹo cột sống vẫn có thể tham gia các môn thể thao như: yoga, Pilates, bơi lội hoặc đi bộ để tăng cường và kéo căng các cơ cốt lõi.
Tác giả: BS CKII. Nguyễn Thị Diễm Hương
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3