Bài tập cho người bệnh Parkinson
Tập thể dục là một hoạt động quan trọng trong cuộc sống đối với sức khỏe của mọi người. Đặc biệt ở những người mắc bệnh Parkinson, tập thể dục không chỉ lành mạnh mà còn thiết yếu để duy trì sự cân bằng, khả năng vận động và các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.
Nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục, hoạt động thể chất không chỉ có thể duy trì và cải thiện khả năng vận động, sự linh hoạt và cân bằng mà còn làm giảm các triệu chứng không liên quan đến vận động của bệnh Parkinson như trầm cảm hoặc táo bón.
💠DÁNG BỘ PHỔ BIẾN CỦA NGƯỜI BỆNH PARKINSON
Một số thay đổi đáng chú ý đầu tiên với người bệnh Parkinson: hai vai rũ xuống, cằm nhô ra, khuỷu tay và đầu gối hơi cong. Điều này làm khó khăn cho các hoạt động:
– Hít thở sâu
– Nuốt
– Nói rõ ràng và to
– Di chuyển, giữ thăng bằng và đi bộ
Việc tập luyện và hoạt động một cách thường xuyên có thể giúp bạn khắc phục những vấn đề trnê cũng như ngăn ngừa tiến triển nặng hơn của bệnh.
💠Nhóm bài tập điều chỉnh tư thế
🔹Bài tập 1: Điều chỉnh tư thế đứng
– Đứng dựa sát lưng vào tường, đảm bảo thắt lưng và vai chạm vào tường.
– Điều chỉnh phần sau đầu sao cho thẳng hàng với lưng và vai, tránh ngửa cổ.
– Giữ tư thế trong 5 giây, sau đó thư giãn.
– Lặp lại động tác 5 – 10 lần.
🔹Bài tập 2: Điều chỉnh tư thế ngồi
– Ngồi trên ghế có lưng tựa để tăng độ ổn định.
– Đảm bảo phần bờ dưới của xương bả vai chạm vào lưng ghế.
– Giữ tư thế ngồi thẳng trong vài phút.
🔹Bài tập 3: Thả lỏng và cuộn thân trên
– Ngồi thả lỏng trên ghế, cúi toàn bộ thân trên về phía trước.
– Cánh tay và đầu hướng xuống sàn, giữ trong vài giây.
– Từ từ cuộn thân lên, bắt đầu từ thắt lưng, vai, và cuối cùng là đầu.
– Ngồi thẳng tư thế trong vài phút.
– Chú ý: Người có tiền sử huyết áp thấp nên tránh bài tập này.
🔹Bài tập 4: Điều chỉnh cằm
– Dù đang ngồi hay đứng, kéo cằm thẳng vào trong và duỗi thẳng cổ.
– Tránh ngửa cổ ra sau.
– Giữ tư thế trong 5 giây, sau đó thư giãn.
– Lặp lại nhiều lần và cố gắng không để cằm nhô ra phía trước khi thư giãn.
💠Nhóm bài tập tăng cường sức mạnh
🔹Bài tập 5: Xoay thân trên
– Ngồi thẳng trên mép ghế.
– Xoay nửa thân trên sang phải, đặt tay phải ra sau hông trái.
– Giữ vị trí trong ít nhất 10 giây, sau đó đổi bên.
🔹Bài tập 6: Duỗi bên hông
– Ngồi thẳng trên ghế.
– Đưa tay phải qua đầu, từ từ kéo về phía bên trái.
– Giữ nguyên thân người thẳng, chỉ nghiêng phần tay và thân trên.
– Khi cảm thấy căng ở bên phải, giữ trong 10 giây. Lặp lại với tay trái.
🔹Bài tập 7: Kiễng chân
– Đứng sau một chiếc ghế, tay vịn vào lưng ghế để hỗ trợ.
– Kiễng gót chân lên, giữ trong vài giây, sau đó hạ xuống.
– Lặp lại 10 lần.
🔹Bài tập 8: Khuỵu gối
– Đứng thẳng, hai chân dang rộng ngang vai.
– Tay có thể đặt lên lưng ghế để hỗ trợ.
– Khuỵu nhẹ hai đầu gối xuống, giữ trong 5 giây.
– Lặp lại 10 lần.
🔹Bài tập 9: Trượt chân ra sau
– Đứng thẳng, tay vịn vào lưng ghế để hỗ trợ nếu cần.
– Giữ chân trái thẳng, trượt chân phải về phía sau xa nhất có thể.
– Trở lại tư thế ban đầu và đổi bên.
🔹Bài tập 10: Kéo căng bắp chân
– Đứng quay mặt vào tường, tay đặt lên tường để giữ thăng bằng.
– Bước chân trái ra sau một khoảng thoải mái, giữ chân trái thẳng.
– Gập nhẹ đầu gối chân phải, dồn trọng lượng vào chân trước.
– Giữ tư thế kéo căng gót chân và bắp chân trái trong 10 giây. Lặp lại với chân phải.
⚠Lưu ý quan trọng khi tập luyện
– Tập luyện đều đặn: Tập mỗi ngày hoặc ít nhất 4-5 lần/tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
– Tập trung vào an toàn: Luôn giữ tư thế thăng bằng, sử dụng ghế hoặc tường để hỗ trợ khi cần.
– Điều chỉnh theo sức khỏe: Nếu cảm thấy chóng mặt, đau hoặc khó chịu, nên dừng bài tập ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.
– Hít thở đúng cách: Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng để tăng cường hiệu quả tập luyện.
Các bài tập trên được thiết kế để cải thiện tư thế, tăng cường sức mạnh cơ bắp và duy trì khả năng vận động cho người bệnh Parkinson. Tập luyện đều đặn không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy thực hiện từng bài tập theo hướng dẫn và tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất.
Tác giả: Bác sĩ Chuyên khoa II – Nguyễn Thị Diễm Hương
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3