Bài tập hỗ trợ điều trị Viêm quanh khớp vai

Cơ xương khớp - 14/02/2025

Viêm quanh khớp vai gây đau và hạn chế vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Các bài tập đơn giản như con lắc cánh tay, kéo giãn, bò tường… giúp giảm đau, tăng cường vận động và hỗ trợ điều trị. Tập luyện đúng cách sẽ giúp cải thiện chức năng khớp vai, ngăn ngừa biến chứng!

Viêm quanh khớp vai là bệnh lý viêm các cấu trúc mềm quanh khớp vai như dây chằng, gân, cơ, bao khớp, và bao thanh dịch (không bao gồm tổn thương xương, sụn, hoặc màng hoạt dịch). Thể đơn thuần chiếm 90% các trường hợp, biểu hiện bằng đau và hạn chế vận động khớp vai, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống. Phát hiện và điều trị sớm là cần thiết để tránh di chứng.

Việc thực hiện các bài tập điều trị là một phương pháp quan trọng trong quản lý tình trạng viêm quanh khớp vai, giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, tăng cường vận động và phục hồi chức năng khớp. Việc tập luyện đúng cách không chỉ cải thiện chất lượng sống mà còn ngăn ngừa biến chứng, hạn chế tái phát, hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Các bài tập hỗ trợ điều trị viêm quanh khớp vai:

1. Bài tập con lắc/ dao động cánh tay:

Đặt một tay lên bề mặt cố định để hỗ trợ. Tay bên đau thả lỏng vận động tự do ở bên thân mình. Người hơi cúi xuống, lưng thẳng. Từ từ dao động vai đau nhẹ nhàng theo hướng trước sau, ngang và chuyển động vòng tròn. Chuyển động lặp lại 8-10 vòng/ lần tập.

2. Bài tập kéo giãn cánh tay chéo:

Đứng thẳng, thả lỏng vai đau, tay còn lại kéo cánh tay đau qua phía vai đối diện hết khả năng có thể và giữ ở khuỷu tay. Kéo, giữ khoảng 15 giây, nghỉ, rồi lặp lại động tác tiếp theo. Ngày tập 2 lần, mỗi lần 10 – 15 động tác.

3. Bài tập nâng vai với gậy:

Cầm gậy với hai tay rộng bằng vai. Từ từ giơ tay lên trước mặt. Thư giãn vai bị đau và tay bên lành hỗ trợ giúp vai đau nâng gậy. Giữ trong 3-5 giây, sau đó từ từ hạ xuống. Lặp lại động tác 10 lần.

 

4. Bài tập xoay trong thụ động với gậy:

Giữ gậy với hai tay rộng bằng vai ở phía sau lưng. Từ từ dùng tay không đau kéo gậy để di chuyển cánh tay bị đau sang phía bên đối diện nhiều nhất có thể. Giữ 30 giây, nghỉ và thực hiện động tác tiếp theo. Ngày tập 2 lần, mỗi lần thực hiện 10 – 15 động tác.

 

5. Bài tập xoay ngoài thụ động với gậy:

Cầm gậy bằng hai tay ở phía trước với hai khuỷu tay vuông góc. Di chuyển gậy sang bên vai đau tối đa nhất có thể. Giữ khoảng 30 giây và chuyển lại vị trí ban đầu rồi làm động tác tiếp theo. Ngày tập 2 lần, mỗi lần 10 – 15 động tác.

 

6. Bài tập bò tường khi đứng đối diện tường:

Người tập đứng đối diện với bờ tường, mũi chân cách tường khoảng 20 cm. Sau đó, đưa tay đau đặt lên bờ tường và bò từ từ lên cao nhất có thể. Giữ ở vị trí này 10 – 15 giây. Có thể gia tăng cử động gập của khớp vai bằng cách áp sát người về phía tường tối đa có thể. Sau đó, từ từ bò tay trở về vị trí ban đầu. Động tác có thể lặp lại từ 10 – 15 lần.

 

7. Bài tập bò tường khi đứng vai vuông góc với tường:

Người tập xoay người đứng vuông góc với bờ tường, khoảng cách từ bờ ngoài chân tới tường là 20 cm. Người tập đưa tay đau đặt lên bờ tường và bò từ từ lên cao nhất có thể. Giữ ở vị trí này 10 – 15 giây. Cử động có thể được gia tăng khi người tập đưa sát khớp vai về phía bờ tường. Sau đó người tập từ từ dùng ngón tay bò về vị trí ban đầu. Động tác có thể lặp lại từ 10 – 15 lần.

Nếu bạn đang điều trị viêm quanh khớp vai, việc tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ và thực hiện các bài tập điều trị là rất quan trọng để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Tập luyện các bài tập khớp vai đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và sự linh hoạt của vùng vai, đặc biệt đối với những người làm công việc yêu cầu hoạt động lặp đi lặp lại hoặc ngồi lâu ở một tư thế. Việc thực hiện các bài tập này giúp giảm căng thẳng và tăng cường sức mạnh cho cơ vai, làm giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề như đau vai, căng cơ.

Ngoài ra, các bài tập khớp vai còn hỗ trợ cải thiện phạm vi chuyển động và giảm nguy cơ chấn thương trong các hoạt động hàng ngày.

Nếu bạn cảm thấy đau hoặc khó chịu ở vai, việc tập luyện các bài tập khớp vai đúng cách có thể giúp bạn giảm bớt tình trạng này, đồng thời tăng cường sự linh hoạt và khả năng phục hồi của cơ thể. Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau vai không giảm hoặc ngày càng trầm trọng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Chuyên khoa I – Lâm Nguyễn Thùy An

Lịch khám Sáng thứ 7 hàng tuần

————————-

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3

221B Hoàng Văn Thụ – Phường 8 – Quận Phú Nhuận – TPHCM

Thời gian hoạt động:

– Thứ 2 đến Thứ 6 sáng từ 7h00 – 11h30, chiều từ 13h00 – 16h30.

– Thứ 7 từ 7h00 – 11h30, chiều Thứ 7 và ngày Chủ Nhật nghỉ.

Điện thoại: 02838.444.771 – 02838.420.070