Bài tập ngăn ngừa và hỗ trợ đào thải sỏi thận

Dưỡng sinh - 21/06/2024

Việc điều trị sỏi thận rất quan trọng để tránh biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên đối với các sỏi có kích thước nhỏ, không gây ra triệu chứng rầm rộ, người bệnh có thể điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc, tập luyện dưỡng sinh, xoa bóp…

1. Tác dụng của việc tập luyện với người bệnh sỏi thận

Người ta ước tính rằng cứ 10 người thì có một người sẽ bị sỏi thận vào một thời điểm nào đó trong đời và có tới một nửa trong số người từng bị sỏi thận sẽ tái phát trong vòng 5 năm sau đó.

Tập luyện dưỡng sinh là một phương pháp luyện tập về tâm thần và thể chất nhằm rèn luyện ba phương diện tinh khí thần. Từ đó cải thiện được quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng toàn thân, tăng cường các quá trình hồi phục, nâng cao hiệu suất hoạt động của các tổ chức, tế bào.

Đối với người bị sỏi thận, tập luyện giúp người bệnh có cuộc sống khỏe mạnh hơn, giúp họ linh hoạt và dẻo dai hơn trong các hoạt động hàng ngày. Bên cạnh đó, tập luyện cũng giúp người mắc sỏi thận duy trì huyết áp tối ưu, ngủ ngon hơn và ngăn ngừa, đào thải sỏi nhỏ.

2. Bài tập tốt cho người mắc sỏi thận

2.1 Động tác thở 4 thời có kê mông và giơ chân

Tư thế nằm ngửa, kê 1 gối ở mông khoảng từ 5-8cm. Tay trái để lên bụng theo dõi bụng phình lên xẹp xuống, tay phải để lên ngực theo dõi ngực nở lên xẹp xuống.

– Thời 1- Hít ngực bụng nở. Hít vào bằng mũi đều, sâu, tối đa, ngực nở và bụng phình căng cứng. Thời gian 4-6 giây.

– Thời 2- Giữ hơi hít thêm: Giữ hơi mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ 1 chân qua lại, cuối thời hạ xuống. Thời gian 4-6 giây.

– Thời 3- Thở không kiềm không thúc: Thở ra bằng mũi tự nhiên, không kiềm, không thúc. Thời gian 4-6 giây.

– Thời 4- Nghỉ nặng ấm thân: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4-6 giây. Sau đó tiếp túc trở lại thời 1. Mỗi lần tập ít nhất 10 hơi thở.

Với động tác trên giúp tăng cường khí lực khí huyết lưu thông toàn thân. Động tác dơ 1 chân giao động qua lại trong động tác trên có tác dụng luyện tập cơ bụng và tăng cường xoa bóp vùng nội tạng giúp thúc đẩy đào thải sỏi thận ra ngoài theo đường tiểu.

2.2 Động tác tam giác

– Tư thế: Nằm ngửa, 2 bàn tay úp xuống đặt kề bên nhau và để dưới mông, 2 chân chống lên, co gối, gót chân gần đụng mông.

– Động tác: Hít vào tối đa, giữ hơi. Trong lúc đó dao động ngả 2 chân qua bên trái rồi qua bên phải, đầu gối đụng giường (bên trái, bên phải theo hướng di chuyển của hai chân).

Đầu cổ quay về bên đối diện với đầu gối, đồng thời cố gắng hít thêm để mở thanh quản, làm từ 2-6 cái, rồi thở ra bằng cách co đùi vào bụng, thở ra triệt để, hạ chân xuống nghỉ, làm 1- 3 lần.

– Tác dụng: Vận động tất cả tạng phủ trong bụng, khí huyết được đẩy đi khắp các tạng phủ, vận động vùng thận và thắt lưng giúp ngăn ngừa hình thành sỏi và đào thải sỏi tốt hơn.

2.3 Động tác vặn cột sống

– Tư thế: Nằm nghiêng bên trái, co đùi và chân phải. Bàn chân phải để trước đầu gối chân trái, tay trái đè đầu gối chân phải chạm giường. Gập gối chân trái ra phía sau, bàn tay phải nắm bàn chân trái đè xuống chạm giường càng tốt, đầu vai ngả ra sau.

– Động tác: Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giao động đầu qua lại từ 2-6 lần, sau đó thở ra triệt để ép bụng, trở lại tư thế ban đầu, làm từ 1 đến 3 lần. Sau đó trở lại tư thế chuẩn bị rồi đổi bên.

– Tác dụng: Xoa bóp nội tạng, khí huyết lưu thông mạnh vùng thắt lưng nơi có kinh bàng quang có tác dụng tốt trong việc điều trị bệnh sỏi thận.

3. Các động tác xoa bóp bấm huyệt đối với người bệnh sỏi thận

Theo Y học cổ truyền: Xoa bóp, bấm huyệt thông qua tác động vào huyệt, kinh lạc có tác dụng điều hòa được dinh vệ, thúc đẩy khí huyết lưu thông và điều hòa được chức năng tạng phủ. Trong bệnh lý sỏi thận người bệnh nên xoa bóp vùng sau:

3.1 Xoa trung tiêu và thượng tiêu

Tư thế chuẩn bị: Ngồi buông thõng 2 chân.

– Xoa trung tiêu: Bàn tay phải nắm lại úp trên bụng, tay kia đè chụp lên. Xoa từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ 10-20 lần.

– Xoa hạ tiêu: Bàn tay đặt tương tự như động tác trên xoa vùng bụng dưới rốn từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ từ 10 đến 20 lần. Sau đó trở lại tư thế chuẩn bị. Luân phiên đổi bên.

3.2 Kết hợp xoa và bấm huyệt

– Huyệt khí hải: Huyệt này nằm ở vùng bụng dưới, đo từ rốn xuống khoảng bằng bề rộng 2 ngón tay.

– Huyệt quan nguyên: Huyệt này nằm ở vùng bụng dưới, đo từ rốn xuống khoảng bằng bề rộng của 3 ngón tay.

Để kích thích hai huyệt này người bệnh nên nằm ngửa và đặt ngón tay cái vào đúng vị trí huyệt, ấn, day theo chuyển động tròn bằng lực vừa phải trong vòng 2-3 phút sau đó nghỉ. Nên thực hiện từ 10-15 lần mỗi ngày có tác dụng thúc đẩy dòng khí chảy qua hệ tiết niệu giúp làm tan sỏi thận và giảm đau.

– Huyệt thận du: Huyệt này nằm ở phía sau lưng, ngang mức thắt lưng (khoảng đốt sống L2) từ cột sống đo ra khoảng 1,5 khoát ngón tay. Để kích thích huyệt này người bệnh nên nằm sấp và thực hiện thao tác như 2 huyệt trên.

– Huyệt tam âm giao: Huyệt này này nằm ở mặt trong mắt cá chân, cách xương mắt cá chân đo lên khoảng độ rộng của 4 ngón tay.

– Huyệt thái khê: Huyệt này nằm ngay sau mắt cá chân trong tại vùng lõm gần với gân gót.

Để kích thích huyệt tam âm giao và thái khê người bệnh nên chọn tư thế ngồi và ấn, day tương tự như các huyệt trên.

Việc thực hiện bấm các huyệt trên đều có tác dụng kích thích khí huyết lưu thông tới thận, thúc đẩy quá trình bào mòn sỏi thận và giảm đau lưng, bụng do bệnh lý sỏi thận gây ra.

4. Một số lưu ý trong quá trình tập luyện

– Người bệnh sỏi thận nên tìm đến chuyên gia hoặc bác sĩ được hướng dẫn cụ thể trước khi tự thực hiện tại nhà.

– Không tập luyện quá sức, không lạm dụng quá mức việc tập luyện và bấm huyệt.

– Không nên luyện tập hoặc day bấm huyệt khi trong tình trạng quá no hoặc quá đói. Khi ăn no tập luyện sẽ dẫn đến việc đau bụng, nôn, buồn nôn… Khi quá đói tập luyện có thể dẫn đến ngất xỉu vì hạ đường huyết khiến việc tập luyện không có hiệu quả mà còn gây hại cho bản thân.

– Các bài tập và phương pháp day bấm các huyệt trên chỉ nên dành cho các người bệnh có sỏi thận nhỏ, không trong giai đoạn cấp hoặc tập luyện để phòng ngừa, ngăn ngừa bệnh tái phát.

Nên tập luyện vào thời điểm nào là tốt nhất?

Thật khó để xác định được việc tập luyện vào thời gian nào trong ngày là tốt nhất. Tùy thuộc vào khung giờ sinh học, công việc và nếp sống của mỗi người để chọn một khung thời gian tập luyện thích hợp. Tuy nhiên có 2 khung giờ nên được chọn để tập luyện mang lại nhiều lợi ích nhất là:

– Tập luyện vào buổi sáng sau khi thức dậy sẽ mang lại sự tỉnh táo, thức đẩy quá trình trao đổi chất làm giảm cảm giác thèm ăn trong ngày hạn chế sự tăng cân, ngăn ngừa béo phì, một trong các nguyên nhân gây sỏi thận.

– Tập luyện vào buổi chiều sau giờ làm việc sẽ giúp người bệnh thoải mái về phần thời gian tập luyện từ đó đạt hiệu suất tập luyện tối đa. Tuy nhiên khi tập vào khung giờ quá muộn sẽ có thể làm tăng hưng phấn gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Đối với người bệnh sỏi thận ngoài việc tập luyện và xoa bóp bấm huyệt chế độ ăn uống cũng rất quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa sỏi thận quay trở lại.

Nên:

  • Uống nước ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, uống rải đều lượng nước trong ngày.
  • Tránh đồ uống có ga.
  • Không ăn quá nhiều muối.
  • Và tùy vào từng loại sỏi người bệnh mắc phải mà có chế độ ăn cắt giảm một số loại thực phẩm nhất định.

Tác giả: ThS BSCKII. Kiều Xuân Thy, BS. Chu Thị Dung