Bệnh mùa nóng và thời tiết chuyển mùa ở Người cao tuổi
Miền Nam đang vào những ngày nắng nóng, không khí oi bức cũng như sự thay đổi đột ngột lúc mưa lúc nắng làm cơ thể chúng ta bị suy giảm sức đề kháng và đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều loại vi khuẩn gây bệnh bùng phát, tất cả đều ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là người cao tuổi.
Bệnh mùa nóng ở người cao tuổi là gì?
Đối với người cao tuổi, bản thân hệ miễn dịch và nhiều chức năng cơ bản của cơ thể đã suy giảm, nhiệt độ cao thời tiết oi bức lúc này dễ làm cho người lớn tuổi bệnh hoặc có thể làm nặng thêm tình trang bệnh mãn tính hiện có như các bệnh tim mạch, hô hấp, rối loạn điện giải, đau nhức xương khớp…
Trong Đông Y, thời tiết nóng hanh khô như thế này được phân là hai trong lục dâm tà khí: Thử tà, Táo tà là nguyên nhân gây bệnh. Theo quan niệm này, các thứ khí do tự nhiên cũng gây nguy hại cho sức khỏe của con người, đặc biệt là người cao tuổi, cơ thể hư nhược, khí huyết suy hao.
Nguyên nhân và triệu chứng là gì?
Nhóm bệnh về tim và mạch máu:
- Do thời tiết duy trì ở nhiệt độ cao, ngột ngạt, nóng bức khiến người cao tuổi bị mất nước và đổ mồ hôi.
- Với những người mắc bệnh về tim mạch hay bệnh mạch vành, nắng nóng sẽ làm cho các mạch máu giãn ra, tim phải co bóp nhiều và làm việc quá sức dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
- Bên cạnh đó, ở người cao tuổi, dù một số người có sức khỏe khá tốt nhưng do cơ chế tự điều chỉnh cơ thể khó khăn khi bị mất nước là nguyên nhân chính khiến họ rơi vào trạng thái mệt mỏi, chân tay run rẩy, dễ cáu gắt và nặng là dẫn đến trụy tim…
Nhóm bệnh cơ xương khớp:
- Do nắng nóng, mưa đầu mùa thường kèm sau nắng nóng càng khiến không khí oi bức ban ngày và cả vào ban đêm làm cho người lớn tuổi bị mất ngủ, khó ngủ, trằn trọc gây mệt mỏi.
- Việc thường xuyên uống nước đá để giải khát, dùng máy điều hòa, dùng quạt để làm mát có thể khiến bệnh đau xương khớp ở người cao tuổi càng tái phát nhiều hơn, thường xuất hiện ở các khớp gối, cột sống thắt lưng, khớp bàn tay, bàn chân…
Bệnh về tiêu hóa:
- Nhiệt độ duy trì ở mức cao dễ khiến đồ ăn nhanh hỏng do vi khuẩn phát triển nhanh.
- Điều này dễ khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh như: rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, mất nước… với các biểu hiện chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, người bứt rứt, toàn thân nóng bứt, tiểu ít đậm màu,…
Bệnh ngoài da:
- Thời tiết hanh khô, khiến cơ thể mất nước, da vẻ từ đó cũng kém tươi nhuận, việc chảy mồ hôi nhiều có thể gây ngứa ngáy khó chịu, gãi nhiều có thể gây trầy xước, viêm nhiễm gây lở loét.
Một số cách phòng tránh và lưu ý:
- Để phòng bệnh tim mạch trong thời tiết nắng nóng cho người cao tuổi, nên đội nón rộng vành khi ra ngoài, nên tắm sớm có thể tắm bằng nước mát đừng quá lạnh, đặc biệt trong những trường hợp cơ thể đang nóng và ra mồ hôi nhiều để tránh trường hợp thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Thường xuyên vận động tập thể dục phù hợp, lựa chọn các bài tập vừa sức và xoa bóp cơ bắp thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh, xương khớp dẻo dai.
- Cần đảm bảo cho người cao tuổi một chế độ ăn hợp lý, thực hiện ăn chín, uống sôi không nên ăn thức ăn lạnh vì sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa. Đồ ăn phải được bảo quản kỹ và kiểm tra trước khi ăn để tránh tình trạng ăn phải thực phẩm ôi thiu, nấm mốc hoặc hư hỏng.
- Chú ý bổ sung đủ nước cho cơ thể, đảm bảo chế độ ăn uống nhiều rau xanh, nước hoa quả và các loại ngũ cốc.
- Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý cũng là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
- Trong kho tàng Nam dược, có rất nhiều vị thuốc hay bài thuốc có tính chất thanh lương nhiệt độc, ích khí sinh tân, không chỉ chữa bệnh mà còn có thể ứng dụng giúp làm mát giải độc cơ thể, phòng ngừa bệnh, có thể dùng như trà pha uống hằng ngày.
Một số ví dụ như:
- Lá sen tươi 8g (1 lá to hoặc 2 lá vừa), Tây qua (vỏ ngoài quả dưa hấu) 10g, Bạch biển đậu (đậu ván trắng) 10g, Trúc diệp (lá tre tươi) tươi 8g, nấu nước ngập dược liệu, đun với lửa lớn trong 10 phút sau đó đun với lửa nhỏ thêm 10 phút nữa, chắt nước bỏ cái, có thể uống thay trà trong ngày nắng nóng.
- Mía lau 20g, Rong biển 20g, La hán quả 20g, Cúc hoa 20g, có thể thêm Sinh địa 20g: tất cả nấu nước đun sôi chắt bỏ cái, dân gian có nơi gọi là nước sâm (hay bán ở góc đường), giúp thanh nhiệt, mát gan, hạ hỏa, dùng uống mỗi ngày.
Việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại nhà như theo dõi huyết áp, đường huyết mao mạch, … đối với người bệnh có các bệnh mãn tính rất quan trọng. Nếu có các biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, bức rứt nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và theo dõi.
Tác giả: BS CKI. Nguyễn Trần Như Thuỷ
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3