Bệnh Suy nhược thần kinh và những điều cần biết

Thần kinh - 30/07/2024

Bệnh suy nhược thần kinh được nhận định là sự rối loạn hoạt động thần kinh do quá trình quá căng thẳng về thần kinh ở con người. Tâm căn suy nhược phát sinh do tác động của các kích thích từ bên ngoài, có thể là hậu quả của sự quá mệt mỏi về cơ thể hoặc quá căng thẳng về tâm thần.

Suy nhược thần kinh là một bệnh riêng biệt và có tiêu chuẩn chẩn đoán xác định. Bệnh được xếp vào mã số F48.0 trong bảng phân loại quốc tế các bệnh tật lần thứ X năm 1992.

Các yếu tố nguy cơ

Bệnh suy nhược thần kinh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng sang chấn tâm lý là nguyên nhân hàng đầu. Người mắc bệnh thường ở tuổi thanh niên và trung niên, độ tuổi lao động khoảng từ 20 đến 50 tuổi. Bệnh gặp nhiều ở thành phố lớn hơn là ở nông thôn.

Bệnh thường liên quan đến các vấn đề về kinh tế, xã hội, sức khoẻ, nhà ở, những biến đổi đáng kể về văn hoá, điều kiện sống, tình trạng bạo lực gia đình hoặc học đường, thường gặp ở những thành phố lớn với nhịp độ sống vội vã và áp lực công việc cao. Có thể nói đây là căn bệnh hậu quả gắn liền với các xã hội hiện đại và theo một số nhà tâm thần học bệnh là một sản phẩm không thể tránh khỏi của nền văn minh và là căn bệnh của thế kỷ.

Biểu hiện của bệnh suy nhược thần kinh

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh suy nhược thần kinh được biểu hiện rất phong phú, nhưng bản chất của bệnh là do sự suy yếu của các quá trình ức chế trong hoặc do sự suy yếu quá trình hưng phấn. Điển hình có bộ ba triệu chứng cơ bản: hội chứng kích thích suy nhược, đau đầu, mất ngủ…

Suy nhược thần kinh có nguy hiểm hay không?

Cuộc sống xã hội hiện đại có nhiều căng thẳng stress dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh rất phổ biến phổ biến trong xã hội nhưng độ nhận diện trong cộng đồng vẫn chưa cao và chưa có nhiều sự quan tâm đúng mức.

Suy nhược thần kinh là khái niệm thuộc về bệnh tâm thần. Đây là bệnh tâm thần loại nhẹ, không phải là bệnh tâm thần loại nặng, không gây rối loạn hành vi theo kiểu dị kỳ xa lạ.

Suy nhược thần kinh diễn biến kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm, thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng làm giảm khả năng lao động, giảm hiệu suất công tác, đặc biệt làm giảm chất lượng cuộc sống

Quan điểm Y học cổ truyền về bệnh suy nhược thần kinh

Trong y học cổ truyền không có bệnh danh suy nhược thần kinh. Những biểu hiện lâm sàng của suy nhược thần kinh thường được miêu tả trong phạm vi nhiều chứng như kinh quý (hay hồi hộp, đánh trống ngực), kiện vong (hay quên), đầu thống (nhức đầu), thất miên (mất ngủ).

Về nguyên nhân gây bệnh, y học cổ truyền cho rằng do rối loạn thất tình bởi lo nghĩ, căng thẳng quá độ, kéo dài, tiên thiên bất túc dẫn tới công năng tinh, khí, thần của các tạng phủ là tâm, can, tỳ, thận bị rối loạn

Điều trị suy nhược thần kinh như thế nào?

Do thể hiện bệnh thầm lặng, âm ỉ kéo dài, triệu chứng phong phú và thường không dễ phát hiện nên người bệnh khó nhận biết mình đang bị suy nhược thần kinh dẫn đến việc đi khám trễ, đồng thời việc chẩn đoán cũng nhiều khó khăn.

Hiện nay suy nhược thần kinh được xác định cần điều kết hợp nhiều phương pháp, dùng thuốc lẫn không dùng thuốc như liệu pháp tâm lý, dưỡng sinh, thư giãn, thôi miên, thể dục liệu pháp, bấm huyệt, châm cứu.

Mỗi phương pháp điều trị này đều có những ưu và hạn chế nhất định, cần được chẩn đoán, chỉ định và theo dõi bởi chuyên gia

Phòng ngừa

Để phòng bệnh suy nhược thần kinh, chúng ta cần phải bảo vệ bản thân tránh khỏi những căng thẳng lo âu quá mức và kéo dài trong cuộc sống, đồng thời bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết để có một bộ não thật khỏe mạnh. Tuy nhiên, quan trọng là khi người bệnh có dấu hiệu của suy nhược thần kinh cần nhận biết được và tự thân điều chỉnh những điểm sau:

  • Thay đổi lối sống là quan trọng nhất
  • Đảm bảo giấc ngủ tốt, tránh thức khuya kéo dài.
  • Khắc phục các tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
  • Phối hợp hài hòa giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa làm việc và nghỉ ngơi giải trí
  • Nếu cần nên tránh những khu vực nhiều tiếng ồn trong khi làm việc và sinh hoạt
  • Tự tạo tâm lý thoải mái, luôn tin tưởng lạc quan
  • Tự tạo cho mình những năng lượng tích cực trong công việc và cuộc sống
  • Rèn luyện thân thể thường xuyên, phát hiện điều trị và điều trị kịp thời các bệnh lý thực thể…

Tác giả: BS CKI. Nguyễn Trần Như Thủy