Bí tiểu sau sinh – Y học cổ truyền điều trị như thế nào?

phụ khoa - 26/08/2024

Người mẹ sau sinh hoặc sau khi rút sonde tiểu đã 6 giờ không thể tự đi tiểu hoặc tiểu rất ít, thể tích nước tiểu tồn lưu ở bàng quang  >150mL mà vẫn chưa đi tiểu được thì được gọi là bí tiểu sau sinh.

Thường phổ biến nếu sanh con đầu lòng (con so), chuyển dạ kéo dài, tổn thương tầng sinh môn độ 3,4; con quá to, sử dụng thuốc giảm đau khi sanh (gây tê)… Người mẹ không đi tiểu được sau khi sinh thường kèm đau vùng bụng dưới, có thể có cầu bàng quang và cần thông tiểu để giảm triệu chứng. Bí tiểu sau sanh không chỉ gây đau trướng bụng dưới mà còn có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, ảnh hưởng đến sự phục hồi tử cung sau khi sinh, dẫn đến mất máu nhiều sau sinh.

Theo Y học cổ truyền đa phần sau khoảng thời gian gắng sức trong khi sinh, người mẹ rơi vào tình trạng hao thương khí huyết. Khí hư toàn thân khiến công năng khí hóa, truyền tống của bàng quang suy giảm, phế khí bất túc không thông điều thủy đạo khiến tiểu tiện không thông lợi. Kết hợp, thận dương hư suy không thể ôn ấm bàng quang cũng làm cho rối loạn chức năng khí hóa, làm đi tiểu khó, không thông lợi.

Hoặc trong quá trình sinh nở, chuyển dạ kéo dài, khi sinh có tổn thương tại bàng quang gây khí trệ, huyết ứ, nhiệt tà uất lại làm “ngưng trệ, tắc nghẽn” sự lưu chuyển của thủy đạo nên đi tiểu không thông lợi.

Để cải thiện tình trạng tiểu tiện, khi điều trị cần tập trung “thông lợi thủy đạo” và tăng cường chức năng khí hóa bàng quang. Nếu khí hư, thận dương hư thì phép trị chính cần bổ khí, ôn thận dương, hóa khí hành thủy. Nếu khí trệ huyết ứ thì cần hoạt huyết hóa ứ, hành khí lợi thủy; nếu kèm theo nhiệt tà ẩn nấp cần phải thanh nhiệt giải độc, sơ Can.

Sau khi biện chứng dựa vào các triệu chứng biểu hiện, tùy theo thể bệnh mà tiến hành điều trị.

Dùng thuốc: Linh hoạt vận dụng các bài thuốc để đạt mục tiêu “thông lợi thủy đạo” và “tăng cường khí hóa bàng quang” phù hợp theo thể bệnh chẩn đoán và phép trị đưa ra. Các bài thuốc hay áp dụng như: Bổ trung ích khí gia vị quế chi, thông thảo, phục linh; Tứ quân tử gia vị nhục quế, sinh khương, xa tiền tử, mạch môn; Tế sinh thận khí hoàn; Tứ vật thang gia vị; Tiểu kế ẩm tử;….

Châm cứu:

  • Tùy thuộc nguyên nhân, thể lâm sàng mà chọn châm các huyệt: Tam âm giao, Thận du, Khí hải, Quan nguyên, Thủy đạo, Thái khê, Hoang du, Âm cốc, Âm lăng tuyền, Hợp cốc, Khúc cốt, Trung cực, Thận du, Bàng quang du…
  • Có thể kết hợp thêm nhĩ hoàn các huyệt Thận, Bàng quang, Tam tiêu, Thần môn, Nội tiết, Giao cảm, Dưới vỏ, Niệu quản. Kết hợp châm và nhĩ hoàn giúp tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị. Kích thích các huyệt đạo vành tai không chỉ có thể điều chỉnh vỏ não để đi tiểu thông qua điều biến thần kinh mà còn có thể tác động trực tiếp lên bàng quang và thận thông qua các kết nối thần kinh, do đó cải thiện chức năng phối hợp của bàng quang, niệu đạo và thận và điều chỉnh chức năng đi tiểu.
  • Chườm ấm vùng bụng và dưới rốn: ở vị trí này có huyệt Quan Nguyên, Khí hải, Trung cực giúp bổ khí, đồng thời chườm ngải còn làm lưu thông tuần hoàn khí huyết tại chỗ.
  • Cứu ngải hoặc cứu muối hành: Khi kết hợp cứu ngải hoặc cứu muối hành và day bấm huyệt tại huyệt Thủy đạo (ST28) trên những bà mẹ bí tiểu sau sinh sau 5 tiếng điều trị ghi nhận hiệu quả giảm cảm giác trướng bụng dưới, giảm lượng nước tiểu tồn dư, rút ngắn thời gian đi tiểu lần đầu và tăng lượng nước tiểu đầu tiên đi sau sinh.

Xoa bóp bấm huyệt: Day bấm huyệt vùng bụng dưới như Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Thủy đạo,….giúp hỗ trợ quá trình khí hóa của bàng quang và thúc đẩy quá trình tiểu tiện

Một nghiên cứu năm 2019, quan sát 200 sản phụ sanh con bằng ngả âm đạo, cho thấy khi day bấm huyệt Thủy đạo (ST28) nhanh và mạnh giúp giảm cảm giác khó chịu khi đi tiểu lần đầu, rút ​​ngắn thời gian đi tiểu lần đầu tính từ sau sinh, tăng đáng kể lượng nước tiểu và ngăn ngừa hiệu quả tình trạng bí tiểu sau sinh.

Bí tiểu sau sinh gây nhiều khó chịu cho người mẹ cả về vận động lẫn cảm giác. Y học cổ truyền có thể can thiệp điều trị hiệu quả bí tiểu sau sinh hoặc hỗ trợ sớm giúp cải thiện tối ưu, vì vậy lựa chọn điều trị bằng y học cổ truyền càng sớm càng tốt.

Tác giả: BSCKI. Bùi Thị Yến Nhi