Cách chăm sóc Tắc tia sữa sau sinh bằng Y học cổ truyền

Phụ khoa - 18/09/2024
Tắc tia sữa còn gọi là tắc tuyến sữa hay tắc ống dẫn sữa, là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực mà không được đẩy ra ngoài, khiến việc cho con bú gặp nhiều khó khăn cũng như gây đau đớn cho người mẹ. Tình trạng này thường xảy ra ở sản phụ sau sinh khoảng 6-8 tuần hoặc bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.
💠Triệu chứng thường gặp khi bị tắc tia sữa sau sinh
– Bầu ngực căng tức, khó chịu, đôi khi cảm giác nóng ran và nổi cục lợn cợn trong bầu ngực do sữa tắc bị dồn lại.
– Khi trẻ bú hay sử dụng máy vắt sữa, sữa ra rất ít hoặc không ra mặc dù bầu ngực đang căng đầy.
– Tình trạng tắc tia sữa nếu để lâu ngày có thể kéo theo các triệu chứng khác như sốt, đau ngực, buồn nôn.
💠Nguyên nhân tắc tia sữa
– Mới sinh: Sau sinh vài ngày, sữa mẹ bắt đầu được sản xuất nhiều, trong khí đó nhu cầu bú của em bé lại ít hay chưa ngậm bú đúng cách nên không thể bú hết được lượng sữa trong bầu ngực của mẹ. Từ đó dẫn tới tình trạng thừa sữa và gây tắc tia sữa. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bỉm nên dùng máy hút sữa để hút hết lượng sữa dư thừa có trong bầu vú sau mỗi lần trẻ bú.
– Mẹ quá nhiều sữa: Nhiều trường hợp mẹ bầu có quá nhiều sữa, điều này vô tình gây nên tình trạng tắc tia sữa do em bé không thể bú hết được lượng sữa của mẹ. Trong những trường hợp này, mẹ nên hút hay vắt hết lượng sữa còn thừa để tránh tình trạng tắc tia sữa.
– Mẹ không cho bé bú thường xuyên: Sữa mẹ luôn được sản xuất liên tục. Chính vì vậy, mẹ cần cho bé bú thường xuyên để bú hết lượng sữa mà mẹ sản xuất ra. Nếu sữa để lâu trong bầu vú không được trẻ bú hay dùng máy vắt ra, sau thời gian khoảng trên 5 giờ mà sữa không được đưa ra ngoài sẽ gây nên tình trạng tắc tia sữa.
– Bé ngậm bú chưa đúng cách: Có những trẻ vẫn được mẹ cho bú thường xuyên nhưng tình trạng tắc tia sữa vẫn xảy ra ngay cả khi mẹ không có nhiều sữa. Trong trường hợp này, nguyên nhân nghĩ tới nhiều nhất là trẻ không ngậm bú đúng cách. Khi trẻ bú không đúng cách, không thể tạo được lực hút đủ mạnh để hút sữa khiến trẻ bú được rất ít, thậm chí không bú được. Khi gặp phải tình huống này, mẹ bỉm nên tìm tư thế bú thuận lợi nhất cho trẻ.
– Ngực chịu áp lực: Khi mẹ bỉm mặc áo quá chật có thể gây áp lực lớn cho ngực. Bên cạnh đó, hiện tượng nằm sấp trong thời gian dài hay thường xuyên địu bé trước ngực cũng gây áp lực lên các tia sữa khiến sữa khó chảy ra và có thể gây tắc tia sữa.
– Mẹ bị căng thẳng, stress: Sau sinh, mẹ bỉm phải đối diện với nhiều vấn đề khác nhau như chăm sóc bé, ít sữa, trẻ quấy khóc… Tất cả những tình trạng này ảnh hưởng tới tâm lý, mẹ bỉm bị stress gây ức chế sản xuất oxytocin, một loại hormone đóng vai trò trong sản xuất sữa mẹ. Chính vì vậy, sữa mẹ không được giải phóng thuận lợi nhất và gây nên tình trạng tắc tia sữa.
💠Chăm sóc tại nhà như thế nào?
Mục tiêu trong điều trị tắc tia sữa chính là làm tan các cục sữa bị ứ đọng, vón cục để khơi thông tia sữa. Mẹ có thể áp dụng những cách đơn giản dưới đây để thông tia sữa tại nhà, gồm:
– Trước khi cho bé bú, mẹ nên dùng khăn ấm để chườm ấm bầu ngực. Đồng thời, massage nhẹ nhàng bầu ngực từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong để lưu thông sữa tốt hơn.
– Nên xoa bóp đầu ti nhẹ nhàng theo vòng tròn nhằm kích thích và khơi thông tia sữa.
– Cho bé bú ở bên ngực bị tắc trước, sau đó mới chuyển sang bên ngực còn lại.
– Sau khi bé bú xong, mẹ nên hút hết sữa còn lại ra ngoài bằng tay hoặc máy hút sữa chuyên dụng để đảm bảo sữa không còn dư trong bầu ngực gây ứ đọng.
– Mẹ nên mặc áo ngực thoải mái hoặc hạn chế mặc áo ngực để bầu ngực được thông thoáng hơn, là cách giúp sữa được lưu thông dễ dàng hơn.
💠Các phương pháp điều trị tắc tia sữa tại Phòng khám Phụ khoa YHCT:
– Xoa bóp bầu ngực, kết hợp chườm ấm để gia tăng hiệu quả thông tia sữa. Trước khi thực hiện xoa bóp bầu ngực, bạn sẽ được chườm túi thảo dược lên ngực trong khoảng 15 phút. Điều này sẽ giúp các mạch máu được giãn nỡ, các cục sữa vón nhanh chóng mềm và dễ tan hơn.
– Xoa bóp kết hợp bấm huyệt giúp giảm bớt cảm giác căng tức và khó chịu. Ngoài ra, bạn sẽ được các nhân viên y tế hướng dẫn xoa bóp bầu ngực tại nhà và thực hiện 2 – 3 lần/ngày, kết hợp cho con bú lập tức có thể giúp mẹ tiết nhiều sữa hơn và bé được bú nhiều hơn.
– Ngâm chân thảo dược giúp mẹ bỉm thư giãn, giảm lo âu, ngủ ngon và sâu giấc. Giảm phù nề, tê chân tay do ngồi tư thế lâu để cho bé bú. Lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn, hỗ trợ thải độc.
– Cứu ấm vùng bầu ngực, kháng viêm giúp giảm đau tại chỗ, lưu thông khí huyết, làm ấm kinh mạch trong cơ thể, sức nóng và hơi thuốc của ngải cứu thấm sâu vào da, tác động lên huyệt đạo tạo cảm giác thoải mái cho các mẹ.
– Ngay khi phát hiện những biểu hiện tắc tia sữa, mẹ nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, can thiệp sớm và hiệu quả, tránh những trường hợp phát triển thành viêm tuyến vú hoặc áp xe vú ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Nếu còn bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, mẹ có thể liên hệ đến Phòng khám Phụ khoa Y học cổ truyền.
Tác giả: CNĐD. Tăng Nguyễn Quỳnh Lan