Cách phòng tránh trầm cảm sau sinh

phụ khoa - 15/06/2024

Trầm cảm sau sinh là tình trạng tâm lý mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau khi sinh.

Phụ nữ mắc bệnh này thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu. Bệnh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, và có thể thoáng qua hoặc kéo dài. May mắn là trầm cảm sau sinh có thể điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng. Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết đang trải qua tình trạng này, hãy khuyến khích họ tìm kiếm sự hỗ trợ và chăm sóc tâm lý từ các chuyên gia y tế.

Những nguyên nhân chính gây trầm cảm sau sinh?

Trong giai đoạn sau sinh, có một số yếu tố góp phần tạo nên tình trạng trầm cảm:

  • Thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, sự giảm đột ngột của estrogen và progestogen có thể gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
  • Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa: Những biến đổi này có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi và thay đổi cảm xúc.
  • Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự hỗ trợ từ người thân: Những tình huống này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và góp phần tạo nên trầm cảm sau sinh.
  • Khó khăn trong việc chăm sóc bé: Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ và lo lắng về khả năng chăm sóc bé, dẫn đến mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.
  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha), nguy cơ mắc bệnh này sau sinh sẽ cao hơn.

Những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh:

  • Tiền sử bị trầm cảm sau sinh: Nguy cơ tái phát là 50%.
  • Tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ: Nguy cơ trầm cảm sau sinh là 25%.
  • Ngưng dùng thuốc chống trầm cảm lúc mang thai: 68% rơi vào trạng thái trầm cảm, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% bị trầm cảm.
  • Tuổi dưới 18.
  • Những sự kiện căng thẳng trước đó: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp.
  • Thiếu sự hỗ trợ và đồng cảm từ người thân, đặc biệt là người chồng.
  • Mâu thuẫn vợ chồng hoặc mâu thuẫn với mẹ chồng.
  • Thai kỳ không mong muốn.
  • Biến chứng thai kỳ như thai lưu hoặc sẩy thai cũng có thể góp phần tạo nên tình trạng trầm cảm sau sinh.

Làm thế nào để nhận biết sớm trầm cảm sau sinh?

Biểu hiện cảm xúc sau sinh ở mỗi người mỗi khác nhau. Có người bị thay đổi cảm xúc, nhưng sau khi những cảm xúc này ổn định họ sẽ trở lại bình thường. Có người bị trầm cảm nhẹ, việc uống thuốc và điều trị sẽ giúp họ nhanh chóng trở lại cuộc sống. Nhưng có trường hợp trầm cảm nặng hơn, nếu không được phát hiện có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cà người mẹ, em bé và người thân.

Một vài triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường gặp là:

  • Tâm trạng buồn bã
  • Giảm hứng thú hoạt động
  • Cảm thấy vô dụng hay tội lỗi
  • Khó tập trung hoặc không quyết đoán
  • Thường nghĩ đến cái c.h.ế.t và t.ự t.ử
  • Thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm
  • Mệt mỏi, thiếu sinh lực

Làm thế nào để phòng ngừa trầm cảm sau sinh?

  • Sự động viên từ gia đình: Nếu bạn không bị trầm cảm thì sự chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ tâm lý từ người thân là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, để các chị em phụ nữ có sự an tâm và tin tưởng hơn trong công việc mới của mình thì sự hỗ trợ của người chồng quan trọng hơn cả. Quan trọng là bạn phải cố gắng cởi mở và nói chuyện nhiều hơn với chồng, người thân hoặc ai đó biết rõ về những vấn đề tâm lý mình đang có.
  • Chăm sóc bản thân: Có nhiều phụ nữ sau khi sinh con đã bỏ bê không chăm sóc vẻ bề ngoài của mình. Điều này qua thời gian có thể khiến họ trở nên nhàm chán. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc cơ thể thì việc làm đẹp cho bản thân cũng vô cùng cần thiết giúp gia tăng sự tự tin và yêu đời.
  • Suy nghĩ lạc quan: Bạn sẽ hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh khi có cách nhìn nhận tích cực về bản thân, về cuộc sống tương lai, về thiên chức làm mẹ và những đứa con của mình.
  • Có sự chuẩn bị đầy đủ: Hãy trang bị cho mình đầy đủ kiến thức cần thiết khi mang thai và sinh con. Điều này sẽ giúp bạn giảm lo âu, sợ hãi và có kỹ năng xử lý một số vấn đề gặp phải trong thời kỳ mang thai và chăm sóc con. Ngoài ra, tham gia một số khoá đào tạo cho phụ nữ mang thai hoặc khoá học chăm sóc con cũng mang lại lợi ích cho bạn.
  • Điều trị bằng thuốc: Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sanh thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt. Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho thầy thuốc chẩn đoán chính xác về bệnh hơn.
  • Một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng sẽ giúp bạn hồi phục nhanh chóng và có được một cơ thể khỏe mạnh. Các loại thực phẩm như hạnh nhân, cá, quả bơ, chuối, táo, dừa, cải bó xôi, đậu nành, lúa mì, bánh mì và socola đen có khả năng cải thiện tâm trạng của bạn.
  • Việc vận động: Hoạt động vận động mang lại hiệu quả rất tích cực để tăng cao tinh thần và cải thiện tâm trạng. Hãy dành ít thời gian hàng ngày để đi dạo, thực hành yoga, thiền hoặc làm các bài tập phù hợp.
  • Nghỉ ngơi thoải mái: Sự kiệt sức và việc không ngủ đủ giấc có thể gây ra căng thẳng và khó kiểm soát cảm xúc của bạn. Vì vậy việc ngủ đủ giấc là rất quan trọng để duy trì tâm trạng tích cực. Thường xuyên các bà mẹ tranh thủ khoảnh khắc khi con ngủ để hoàn thành công việc hoặc làm việc nhà. Tuy nhiên điều này không phải là lựa chọn tốt vì khi con bạn tỉnh giấc, bạn sẽ không thể nghỉ ngơi được. Người mẹ được khuyến khích tuân theo lịch trình của con mình và hãy cố gắng nghỉ ngơi khi con bé đã vào giấc.
  • Thư giãn: Hãy dành ít thời gian cho riêng bạn để làm những điều yêu thích của mình. Việc loại bỏ suy nghĩ và thả lỏng cơ thể sẽ giúp bạn giảm căng thẳng. Ngoài ra, hãy chơi với con cái để kết nối tinh thần với bé yêu của bạn được cao hơn.

Mối liên quan của Y học cổ truyền về trầm cảm sau sinh

Trong Y học cổ truyền cũng có một chứng bệnh do trạng thái tâm lý quá căng thẳng, áp lực kéo dài làm tinh thần bồn chồn không yên, dễ tức giận, hay hờn khóc, bụng có cảm giác đầy, đau, trong cổ như có vật gì ngăn nghẹn, chóng mặt, mất ngủ… được gọi là chứng uất.

Nguyên nhân chủ yếu do lo nghĩ quá độ, mong muốn không đạt, uất giận không tháo gỡ được, Can khí uất kết, Mộc không sơ Thổ, Tỳ khí không thăng, đàm thấp chất chứa ở trong, đàm khí uất kết gây các triệu chứng tinh thần uất ức hoặc nói lảm nhảm một mình, nói năng lẫn lộn hoặc cười khóc bất thường, lúc vui, lúc buồn, hoặc như ngơ ngẩn, không thiết ăn uống. Hoặc do giận dữ làm hại Can, Mộc uất hóa hỏa, Can hỏa thịnh ảnh hưởng đến Tâm Phế, khiến cho Tâm hỏa nội động, Phế mất chức năng tuyên giáng. Hoặc Can hỏa thịnh thì Thận âm bị suy tổn, tinh huyết khô, cân mạch mất sự nuôi dưỡng, gây nên chứng nội phong.

Tùy vào từng thể bệnh cụ thể mà Bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc và gia giảm hợp lý. Trong đó, các bài thuốc thường được sử dụng như: Sài hồ sơ can tán, Bán hạ hậu phác thang, Quy tỳ thang, Cam mạch đại táo thang. Các bài thuốc trên có tác dụng: Sơ can, lý khí, giải uất, hóa đờm, kiện tỳ, dưỡng tâm, an thần, ích khí, bổ huyết.

Các phương pháp khác gồm: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh.

Tác giả: Bác sĩ Chuyên khoa I Lâm Nguyễn Thùy An