Cấy chỉ điều trị Viêm mũi dị ứng

Tai Mũi Họng - Mắt - 19/12/2024

Cấy chỉ (còn gọi là chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ,…) là phương pháp tác động vào huyệt vị và hệ kinh lạc, tuân theo các nguyên tắc chọn huyệt như kim châm cứu.

💠Cơ chế tác dụng

Cơ chế thần kinh sinh học, cấy chỉ có tác dụng điều trị dựa trên các phản ứng sau:

– Phản ứng giảm đau tại chỗ thông qua giải phóng encephalin và endorphin cục bộ, dưỡng bào (mast cell) trong mô liên kết tại chỗ châm đóng vai trò quan trọng trong cơ chế giảm đau. Cơ chế để chọn A thị huyệt.

– Phản xạ thân thể – tự chủ ở tiết đoạn tủy sống: khi cấy chỉ sẽ kích thích các cơ tại chỗ, các sợi hướng tâm dẫn truyền đến sừng sau của tủy sống và cả sợi giao cảm đi đến nội tạng đích trong cùng một khoanh tủy sống. Cơ chế để chọn Du – Mộ huyệt, huyệt đặc hiệu.

– Phản xạ thân thể – tự chủ ở mức não bộ: xung động thần kinh từ nơi cấy chỉ được dẫn truyền lên vùng não tương ứng gây những phản ứng toàn thân nhằm điều chỉnh rối loạn chức năng ở tổ chức bệnh.

– Phản ứng toàn thân: cấy chỉ còn có tác dụng theo cơ chế thần kinh – thể dịch, để điều tiết các chức năng của cơ thể.

Ngoài ra cấy chỉ còn có tác dụng chuyển hóa mạnh mẽ bởi vì chỉ cấy vào đóng vai trò là một protein tự tiêu. Trong quá trình tự tiêu sẽ tạo ra các phản ứng hóa sinh tại chỗ như sau:

– Tăng tái tạo protein và carbonhydrat, giảm dị hóa, tăng đồng hóa, protein, giảm acid lactic, tăng dinh dưỡng cho cơ.

– Tăng sinh lưỡi mao mạch, cải thiện tuần hoàn máu ở vùng cấy chỉ.
– Đồng thời có thể sản sinh thần kinh mới cho bó cơ.

💠Cấy chỉ trong điều trị Viêm mũi dị ứng

Cấy chỉ được xem là một phương pháp không dùng thuốc có hiệu quả giảm các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy dịch mũi, hắt hơi, đau đầu,…

Công thức huyệt chung chủ yếu là điều trị triệu chứng, lựa chọn các huyệt tại chỗ. Ngoài ra, tùy từng hội chứng bệnh mà được điều chỉnh và gia giảm.

Trên lâm sàng sẽ dựa vào thăm khám, mạch, lưỡi, biện luận chẩn đoán thể lâm sàng phù hợp mà lựa chọn công thức huyệt phù hợp.

💠Bằng chứng khoa học

Những năm gần đây, với sự phát triển của xã hội và bằng chứng hóa các phương pháp điều trị y học cổ truyển, các bác sĩ đã không ngừng nghiên cứu và chứng minh các phương pháp YHCT thật sự có hiệu quả trong điều trị.

Theo ZhongRenSun và cộng sự (2020) đã tổng hợp mạng lưới phân tích các phương pháp châm cứu (Hào châm, cứu ấm, cấy chỉ, nhĩ châm) trên 50 RCT với 4260 bệnh nhân có tác dụng vượt trội hơn trong giảm các triệu chứng nghẹt mũi, chảy dịch mũi, đau đầu so với dùng thuốc tây hay xoa bóp bấm huyệt (p<0.05), đồng thời ít tác dụng phụ hơn.

Theo YangZhiJuan và cộng sự (2018) đã quan sát hiệu quả lâu dài và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân Viêm mũi dị ứng được điều trị bằng liệu pháp nhúng chỉ catgut vào huyệt và châm cứu, trên 103 bệnh nhân được chia 2 nhóm: 1 nhóm chứng (nhúng chỉ catgut 2 tuần/ lần, 2 lần) và 1 nhóm đối chứng (hào châm cách ngày/ 28 ngày) với các huyệt Nghinh hương (LI20), Thượng nghinh hương (EX-HN 8), Ấn đường (GV29), Thượng tinh (GV23), Phế du (BL13), Thông thiên (BL7), Túc tam lý (ST36), kết hợp với cứu ấm các huyệt Túc tam lý (ST36), Phong môn (BL12), Pishu (BL20), Thận du (BL23), Trung quản (CV12). Hiệu quả điều trị nhóm chứng 91.26%, nhóm đối chứng 82.53%. Chất lượng cuộc sống dựa trên chỉ số SF-36 cho thấy sau 1 tháng, 3 tháng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nhưng sau 6 tháng đánh giá thì thấy chỉ số chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm mũi dị ứng ở nhóm chứng (75.62 ± 5.52) và nhóm đối chứng (59.62 ± 3.06). Liệu pháp catgut vào huyệt là liệu pháp an toàn, có hiệu quả điều trị và duy trì tác dụng điều trị lâu dài.

Tác giả: Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Ngô Minh Như
Phòng khám Ngũ Quan (Tai Mũi Họng – Mắt)
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3