Cây Mù U – Vị thuốc dân gian chữa nhọt mùa nóng

Cây thuốc - 15/05/2024

Mùa nắng nóng là khoảng thời gian mà số ca bị mụn nhọt, ghẻ ngứa, rôm sảy tăng cao. Bên cạnh các thuốc và kem bôi ngoài da rất đa dạng trên thị trường, có một vị thuốc dân gian quen thuộc và hiệu quả mà theo kinh nghiệm của ông bà xưa, vẫn dùng để trị mụn nhọt, ghẻ ngứa, đó là dầu mù u.

Cây mù u (Calophyllum inophyllum L.) có thân mập, gỗ và cao từ 1 đến 5 mét. Lá của nó rộng, hình trái xoan và có màu xanh lục. Cây này còn có hoa lớn, thường màu trắng hoặc tím, được sắp xếp thành các bông chùm. Quả của cây mù u có hình dạng giống quả bông, chứa nhiều hạt nhỏ.

Nhựa cây mù u được gọi là Hồ đồng luy, rạch từ vỏ cây cho mủ ra khô rồi đông khối lại, khi dùng theo kinh nghiệm dân gian là để trên miếng giấy hơ lửa, sau đó dán lên miệng khối mụn nhọt để phá miệng khối nhọt, tiêu viêm. Nhựa cây mù u, theo kinh nghiệm dân gian, còn dùng để bôi trong trường hợp sưng đau nướu răng. Phần lá và vỏ mù u, kết hợp với lá cây mần trầu, lá cây chổi đực, lá cây chùm ruột, sắc để xông trong trường hợp bị nổi mề đay ngứa.

Chiết xuất dầu mù u chứa các hợp chất chính  như calophyllolide (4.35%), calanolide A (1.29%), inophyllum D (0.36%), và inophyllum B (0.02%). Trong đó, hoạt động của Calophyllolide thể hiện hoạt tính kháng khuẩn liên quan đến mầm bệnh trên da và chống viêm thông qua việc giảm hoạt động của myeloperoxidase (MPO) và các cytokine gây viêm (IL-1β, IL-6 và TNF-α). Việc sử dụng dầu mù u và các bộ phận của cây như quả, hạt, vỏ, rễ, được ghi nhận rộng rãi trong nền y học cổ truyền các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Tahiti, Quần đảo Fiji, Polynésie thuộc Pháp. Công dụng chủ yếu điều trị các bệnh ngoài da như ghẻ ngứa, nhọt, chàm, bỏng, trĩ, loét da,… Chiết xuất từ quả mù u có tác dụng kháng các loại vi khuẩn như: Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, và Pseudomonas aeruginosa. Theo nghiên cứu của Sahena Ferdosh và cộng sự đang trên Scientia. Pharmaceutia đầu năm 2024, dầu hạt C. inophyllum cho thấy hiệu quả hấp thụ tia UVA (bước sóng 320–400 nm) và UVB (bước sóng 290–320 nm) cao nhất, khiến chúng trở thành nguồn tiềm năng của các tác nhân sàng lọc tự nhiên hiệu quả cao. Một dẫn xuất axit chromanone mới tên là inocalophylline C được xác định từ nhựa dầu hạt của cây mù u (C. inophyllum L.), phân bố rộng rãi ở Việt Nam [1].

Dầu Mù u là một phương thuốc dân gian gần gũi quen thuốc, có tác dụng dưỡng da tốt. Vào mùa khô nóng, trường hợp bị nứt nẻ gót chân, có thể dùng dầu mù u bôi lớp mỏng đều đặn mỗi ngày, sẽ có tác dụng dưỡng da, giảm nứt chân. Đối với trường hợp nứt – rò hậu môn, sau khi vệ sinh sát khuẩn sạch sẽ, dùng gòn sạch thấm dầu mù u bôi vào kẽ nứt cũng giúp hỗ trợ quá trình lành vết thương được nhanh hơn. Ngày nay, bên cạnh các loại thuốc và kem dưỡng da hóa mỹ phẩm, dầu từ quả mù u vẫn là vị thuốc dân gian hiệu quả, an toàn, và ít tốn kém.

Tài liệu tham khảo:

  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Thời Đại.
  • Ferdosh S. The Extraction of Bioactive Agents from Calophyllum inophyllum L., and Their Pharmacological Properties. Scientia Pharmaceutica. 2024; 92(1):6. https://doi.org/10.3390/scipharm92010006

Tác giá: Bác sĩ Phạm Ánh Ngân