Châm cứu có thực sự hiệu quả trong phục hồi ngôn ngữ sau tai biến?

Đột quỵ - 12/09/2024

Đột quỵ là bệnh lý thần kinh mạch máu phổ biến, với tỉ lệ mắc toàn cầu chiếm 101.5 triệu người (2021), trong đó đột quỵ nhồi máu não chiếm 76%. Thất ngôn (mất ngôn ngữ) sau đột quỵ (post stroke aphasia – PSA) là một trong những di chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh các điều trị cơ bản kết hợp với ngôn ngữ trị liệu, nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu trong y học cổ truyền có vai trò hỗ trợ điều trị phục hồi thất ngôn sau đột quỵ.  

Các thần kinh chi phối lưỡi bao gồm: thần kinh thiệt hầu (IX), thần kinh hạ thiệt (XII), thần kinh tam thoa (V) và thần kinh mặt (VII) có vai trò chi phối cảm giác ở lưỡi. Hệ thần kinh cao cấp phụ trách chức năng ngôn ngữ bao gồm thùy thái dương, thùy chẩm, thùy đảo, vùng vỏ não Broca, vùng vỏ não Wernick, và sự phối hợp linh hoạt vi tế giữa các vùng.

Theo y học cổ truyền, đột quỵ liên quan đến chứng trúng phong, nội phong ít nhiều có ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng não lạc và ảnh hưởng chức năng tâm chủ thần minh. Tạng tâm khai khiếu ra lưỡi. Sự quan sát những thay đổi của lưỡi trên người bệnh sau đột quỵ, hay còn gọi là phương pháp thiệt chẩn, giúp gợi ý cho người thầy thuốc về phương hướng điều trị, cũng như việc châm cứu ở lưỡi hoặc các vị trí huyệt gần khu vực lưỡi, cũng góp phần hỗ trợ điều trị bệnh.

Một nghiên cứu của tác giả Shengping Yang và cộng sự, năm 2022, phân tích gộp các nghiên cứu về châm cứu ở lưỡi trên người bệnh thất ngôn sau đột quỵ [1]. Trong 267 bài báo được tìm kiếm, có 20 nghiên cứu với thiết kế thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, với 1355 người bệnh tham gia. Nghiên cứu kết hợp châm cứu ở lưỡi với các phương pháp châm cứu khác và điều trị cơ bản, ngôn ngữ trị liệu. Kết quả phân tích gộp cho thấy châm cứu ở lưỡi kết hợp với các phương pháp điều trị khác so với điều trị cơ bản cho thấy hiệu quả (I2 = 96%, P < 0.00001). Cơ chế phục hồi theo y học hiện đại vẫn còn chưa rõ, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng làm giảm thoái hóa tế bào thần kinh ở vùng CA1 hồi hải mã [2]. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy châm cứu ở lưỡi hoặc các huyệt gần khu vực giúp tăng tuần hoàn lên não, hỗ trợ phục hồi sau đột quỵ [3].

Trong nghiên cứu của tác giả Chang – Yul Keum và cộng sự, năm 2023, đã báo cáo các nhóm huyệt thường dùng trong châm cứu điều trị thất ngôn sau đột quỵ [4]. Trong đó, các huyệt như Liêm tuyền (CV23), các huyệt ngoài kinh như Kim Tân (EX-HN 12) – Ngọc Dịch (EX-HN 13), Tạ Tuyền (EX-HN 10) thường được sử dụng. Theo tác giả, trên bề mặt lưỡi có khoảng 17 vị trí huyệt và dưới gốc lưỡi khoảng 14 vị trí huyệt, có thể luân phiên tác động châm để điều trị.

Tác giả: Bác sĩ Phạm Ánh Ngân

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Yang, Shengping et al. “Tongue Acupuncture for the Treatment of Poststroke Aphasia: A Systematic Review and Meta-Analysis.” Evidence-based Complementary and Alternative Medicine : eCAM
  • H. Bing, “Application of tongue acupuncture in dysphagiaafter stroke,” Inner Mongolian Traditional Chinese Medicine,vol. 36, no. 20, p. 117, 2017.
  • Nan, M. Haibo, and Z. H. Xianzhong, “Clinical observationof tongue acupuncture and swallowing disorder therapeuticapparatus in the treatment of post-stroke swallowing disor-ders,” Chinese Medicine Emergencies, vol. 23, no. 02,pp. 265–267, 2014.
  • Keum, Chang-yul et al. “Method and Indication of Tongue Acupuncture Treatment: A Narrative Review.” The Journal of Internal Korean Medicine, 2023.