Châm cứu điều trị khó nuốt sau đột quỵ

y học cổ truyền - 19/04/2024

Rối loạn nuốt là một cảm giác “mắc kẹt” hay làm tắc nghẽn đường đi của thức ăn qua miệng, họng hay thực quản.

Tỷ lệ rối loạn nuốt dao động từ 19% đến 65% trong giai đoạn sau đột quỵ. Rối loạn nuốt làm tăng tỷ lệ tử vong, thời gian nằm viện và tăng các biến chứng như hít sặc gây viêm phổi và suy dinh dưỡng. Vì vậy, việc chẩn đoán và can thiệp phục hồi chức năng rối loạn nuốt là rất quan trọng. 

Trước đây, người bệnh sau đột quỵ hầu hết được chỉ định cho ăn qua đường đặt sonde dạ dày khi bị mắc rối loạn nuốt vì chế độ phục hồi chức năng nuốt và chế độ ăn dành cho người bệnh mắc rối loạn nuốt chưa phát triển. 

Hiện nay, để khắc phục tình trạng rối loạn nuốt sau đột quỵ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác điều dưỡng, âm ngữ trị liệu, phục hồi chức năng và y học cổ truyền… để nâng cao hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian người bệnh phải đặt sonde dạ dày và giảm các biến chứng do tình trạng rối loạn nuốt gây ra.

Triệu chứng của rối loạn nuốt như thế nào?

– Ho và/ hoặc sặc khi ăn hoặc uống 
– Thức ăn dính lại ở miệng họng, thường xuyên phải hắng giọng để làm sạch họng
– Chảy nước dãi
– Ăn hay nghẹn, nuốt chậm 
– Thay đổi giọng nói sau ăn, uống (khàn, ông ổng, líu ríu…) 
– Không nhai được hoặc thở gấp khi ăn, uống
– Sút cân nếu rối loạn nuốt kéo dài.

Biến chứng của rối loạn nuốt?

– Nguy cơ hít sặc gây viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất của rối loạn nuốt
– Rối loạn nuốt có liên quan với khiếm khuyết cảm giác hầu họng, 100% bệnh nhân rối loạn nuốt có mất cảm giác hầu họng 1 hay 2 bên.
– Vệ sinh răng miệng kém, giảm sức đề kháng
– Người bệnh rối loạn nuốt dễ bị thiếu nước và suy dinh dưỡng
– Giảm chất lượng cuộc sống và cô lập với xã hội.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh rối loạn nuốt?

– Rối loạn phản xạ nuốt nặng: không ăn, uống đường miệng. Cho ăn qua sonde dạ dày, nội soi mở thông dạ dày qua da. Nuôi dưỡng tĩnh mạch. 
– Rối loạn phản xạ nuốt trung bình: ăn đồ đặc mịn, nước uống ngụm nhỏ, bổ sung thêm qua sonde dạ dày, dinh dưỡng tĩnh mạch. Chế độ tùy từng cá thể. 
– Không rối loạn phản xạ nuốt: ăn bình thường, tuy nhiên lần đầu vẫn cần được giám sát.

Điều trị rối loạn nuốt như thế nào ?

Chuyên viên âm ngữ trị liệu sẽ xác định khiếm khuyết trong quá trình nuốt, từ đó lựa chọn và phối hợp các biện pháp can thiệp nhằm phục hồi chức năng nuốt. 

Các biện pháp can thiệp gồm các kỹ thuật bù trừ (compensation), các bài tập nuốt (swallowing  exercises),  các biện pháp hỗ trợ PHCN, thủ thuật điều trị xâm nhập.

Tư thế thích hợp khi nuốt gồm : gập cằm và quay đầu về bên liệt. Gập cằm áp dụng khi chậm nuốt pha hầu và giảm bảo vệ đường thở, nhằm làm hẹp đường vào thanh quản, giảm khoảng cách giữa nắp thanh môn và vách hầu giúp nắp thanh môn đóng kín hơn. 

Tập nâng đầu: là bài tập nhằm cải thiện mở cơ thắt để làm giảm ứ đọng thức ăn khi nuốt. Người bệnh nằm trên giường, nâng đầu lên khỏi giường vài giây, lặp lại 20 lần. Nó làm tăng cường các khối cơ trên móng.

Kỹ thuật tăng nhận thức cảm giác bao gồm thay đổi nhiệt độ thức ăn, carbonate hóa thức uống, thức ăn chua nhằm cải thiện cảm giác miệng–hầu, tùy thuộc mức độ rối loạn nuốt mà có chế độ ăn thích hợp.  

– Mức độ 1:  chế độ ăn nhão (Dysphagia Pureed)
– Mức độ 2: chế độ ăn mềm không bao gồm thành phần rắn (Dysphagia Mechanically  Altered)
– Mức độ 3:  chế độ ăn mềm, bao gồm thành phần rắn (Dysphagia Advanced)
– Mức độ 4:  chế độ ăn bình thường (regular).

Một số kỹ thuật nín thở khi nuốt

Các biện pháp phối hợp hỗ trợ phục hồi chức năng (PHCN) nuốt gồm : Châm  cứu, thuốc (metoclopramide), kích thích điện thần kinh-cơ (NMES), kích thích điện    vùng hầu (pharyngeal electrical stimulation), kích  thích  điện  xuyên  sọ (tDCS), kích  thích  từ xuyên  sọ (transcranial  magnetic stimulation). 

Rối loạn nuốt theo quan điểm Y học cổ truyền ?

Theo quan điểm Y học cổ truyền (YHCT), rối loạn nuốt thuộc phạm vi chứng Ế cách, nguyên nhân thường do hung cách bị bế tắc, được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trên lâm sàng, việc điều trị YHHĐ kết hợp dùng phương pháp điện châm để cải thiện rối loạn nuốt đã được tiến hành từ lâu và hiện nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới và trong nước chứng minh hiệu quả vượt trội của châm cứu trong điều trị rối loạn nuốt.

Một nghiên cứu của Li L, Xu F, Yang S và cộng sự (2023) cho thấy (1): Châm cứu có thể cải thiện hiệu quả tình trạng rối loạn nuốt sau đột quỵ. Điện châm có thể làm tăng các kích thích cảm giác của các cơ kiểm soát thần kinh, và những kích thích lặp đi lặp lại có thể giúp kích hoạt hệ thống thần kinh trung ương liên quan đến nuốt và tăng cường kích thích thần kinh cơ. Các kích thích các huyệt đạo trên lưỡi có thể giúp lưu thông kinh mạch, khí và huyết, cải thiện chức năng vận động của lưỡi, cải thiện phản ứng thần kinh họng, thúc đẩy xây dựng cung phản xạ nuốt, khôi phục hoạt động của bó vỏ não, cải thiện chức năng nuốt và chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu của Jiang H, Zhang Q, Zhao Q và cộng sự (2022) cho thấy (2): So với nhóm phục hồi chức năng, nhóm châm cứu và châm cứu kết hợp với nhóm phục hồi chức năng có hiệu quả tốt hơn trong điều trị chứng khó nuốt sau đột quỵ. Châm cứu tại huyệt Phong trì (GB20) làm tăng biên độ của cơ dưới cằm và cơ dưới xương móng, cho thấy châm cứu làm tăng biên độ cơ trung bình và sức mạnh cơ. Châm cứu huyệt Liêm Tuyền (CV23) và Thượng Liêm Tuyền kích thích các cơ hầu họng, bao gồm cơ lưỡi, cơ xương móng, cơ thắt họng và cơ co thắt họng trên. Ba huyệt trên có liên quan đến dây thần kinh hạ thiệt, phế vị và thiệt hầu. Châm cứu trên ba huyệt này sẽ kích thích các sợi vận động thần kinh và tạo ra các xung thần kinh đến vỏ não hoặc trung tâm nuốt của hành não, phục hồi chức năng cung tủy bị tổn thương sau đột quỵ và cải thiện chức năng nuốt. Huyệt Ế phong (TE17), huyệt Hoàn cốt (GB12) và Liêm tuyền (CV23) có liên quan đến dây thần kinh phế vị, dây thần kinh thiệt hầu, dây thần kinh mặt và các đầu dây thần kinh khác.

Tóm lại, phát hiện sớm rối loạn nuốt trong đột quỵ não và điều trị kịp thời giúp bệnh nhân hạn chế các biến chứng, đồng thời giúp chức năng nuốt và việc ăn uống được sớm phục hồi.

Tài liệu tham khảo :
1. Li L, Xu F, Yang S, et al. Tongue acupuncture for the treatment of post-stroke dysphagia: a meta-analysis of randomized controlled trials. Front Neurosci. 2023;17:1124064. Published 2023 May 25. doi:10.3389/fnins.2023.1124064
2. Jiang H, Zhang Q, Zhao Q, et al. Manual Acupuncture or Combination of Rehabilitation Therapy to Treat Post Stroke Dysphagia: A Systematic Review and Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials. Evid Based Complement Alternat Med. 2022;2022:8803507. Published 2022 Oct 15. doi:10.1155/2022/8803507

 

Tác giả bài viết: BS.CKI. Lâm Nguyễn Thùy An