DANG KY KHAM BENH ZALO copy

GIẢM CĂNG THẲNG KHI VÔ TÌNH THÀNH F0, F1

Thứ tư - 11/08/2021 05:46
Trong tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, khi vô tình thành F0 hay F1 chắc chắn chúng ta sẽ không tránh khỏi tâm trạng hoang mang, lo lắng. Đứng trước tình cảnh đó, bản thân chúng ta phải tự trang bị “hành trang” kiến thức, vững vàng, yên tâm có đủ sức khoẻ để vượt qua bệnh và hồi phục.
GIẢM CĂNG THẲNG KHI VÔ TÌNH THÀNH F0, F1
Đầu tiên, chúng ta phải hết sức BÌNH TĨNH vì theo thống kê có đến 80% người nhiễm virus Sars-Cov-2 không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng giống cảm cúm thông thường và chỉ có khoảng 20% có thể chuyển biến nặng nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ như: người trẻ nhưng thừa cân béo phì, người có bệnh nền chưa điều trị ổn, người trên 65 tuổi. Nếu bạn không nằm trong nhóm có nguy cơ chuyển nặng, bạn hoàn toàn có thể tự tin mình sẽ chiến thắng virus, dựa vào HỆ MIỄN DỊCH. Có 2 loại: hệ miễn dịch bẩm sinh và hệ miễn dịch thu được. Phản ứng của hệ miễn dịch bẩm sinh là một yếu tố quan trọng đối với kết quả của bệnh. Căng thẳng, lo lắng sẽ tác động không tốt đến hệ miễn dịch 

Để giảm căng thẳng mùa dịch và duy trì sự thoải mái tinh thần này lâu dài, F0 hay F1 đều phải tuân thủ chế độ tăng cường sức khoẻ hệ miễn dịch như sau:

DINH DƯỠNG: phải ăn đủ bữa, uống đủ 1,5 – 2 lít nước /ngày, không hút thuốc lá, không uống rượu bia và hạn chế ngọt. Bổ sung vitamin D liều 2000 IU - 4000IU/ ngày ( có rất nhiều nghiên cứu cho thấy: Vitamin D giữ vai trò quan trọng của hệ miễn dịch bẩm sinh và thu được, thiếu vitamin D các tế bào phế nang dễ bị tổn thương và thiếu oxy, bổ sung vitamin D đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ chống lại nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính). Cố gắng ăn đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng, có thể chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo có đủ năng lượng cần thiết trong ngày. Ăn chín uống sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng khác kèm theo.

NGỦGiấc ngủ là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Phải ngủ sớm (trước 23h) và đủ giấc (7 - 8 tiếng). Nếu người bệnh có tiền sử ngủ kém, có thể áp dụng các bài dưỡng sinh thư giãn hoặc thiền trước khi ngủ.

TẬP THỂ DỤC: vận động vừa sức, khoảng 15 - 20 phút, đều đặn, có tác dụng huy động tăng cường giám sát miễn dịch.

TẬP THỞ ĐÚNG CÁCH (ví dụ: thở bụng): rất quan trọng, vừa giúp cân bằng cảm xúc, vừa tập luyện cho các cơ hô hấp, tăng cường oxy cho cơ thể. Có thể thực hiện 2 - 3 lần/ ngày, mỗi lần 20 - 30 nhịp hoặc bất cứ khi nào cảm thấy lo lắng hoặc cảm giác mệt, khó thở.

SUY NGHĨ TÍCH CỰC, LẠC QUAN: Sự lo lắng quá mức có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch làm tăng phản ứng viêm, khi phản ứng viêm quá nhiều nó huỷ bỏ chức năng miễn dịch. Do đó không nên “tưởng tượng” trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Nắm rõ đặc điểm sinh lý bệnh (đa số tự hồi phục, thường bệnh có thể diễn tiến nặng vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 8, bệnh có thể kiểm soát được sau 10 ngày) để tránh hoang mang, lo lắng kéo dài. Động viên, khích lệ tinh thần giữa các thành viên trong gia đình có nhiều người cùng nhiễm. Nhìn việc cách ly tại nhà theo hướng tích cực là để bảo vệ bản thân và tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Đối với bệnh nhân phải đi điều trị tại bệnh viện nên yên tâm rằng mình sẽ được theo dõi và chăm sóc y tế, được phân tầng điều trị theo phác đồ thích hợp. Nếu thuộc đối tượng có nguy cơ chuyển nặng sẽ được tiên lượng và xử trí kịp thời. Nhiệm vụ của bản thân người bệnh vẫn phải giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực tránh lo lắng, căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và tình trạng bệnh.

 

Tác giả bài viết: BS CKI. Nguyễn Thị Diễm Hương

Trích nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

daumau 01
KHOA KHAM BENH 01
KHAM SUC KHOE 01
mau banner quang cao 01
mau banner quang cao
DON VI CAN LAM SANG 01
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây