Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ tư - 23/08/2023 04:31
Bệnh cảnh của bệnh tay chân miệng thuộc phạm trù "Ôn bệnh" trong y học cổ truyền. Ở trẻ nhỏ tạng phủ non yếu, Tỳ Phế bất túc, tấu lý sơ hở, thần khí dễ khiếp nhược nên rất dễ thụ phải “nhiệt độc tà” mà dẫn tới bệnh, vị trí bệnh chủ yếu liên quan tới ba tạng Phế, Tỳ và Tâm.
Có câu “Bệnh từ miệng vào”, nguyên nhân ngoại tà (virus) rất dễ xâm nhập cơ thể trẻ từ miệng và mũi gây ra các triệu chứng sốt, đau đầu, ho, sổ mũi... Khi tà độc ảnh hưởng đến miệng lưỡi, mụn rộp sẽ phát triển trong khoang miệng, trẻ sẽ cảm thấy đau trong miệng và không muốn ăn, dễ chảy nước dãi. Nếu tà độc ảnh hưởng đến tay chân thì nổi mụn rộp ở tay chân, nếu mụn rộp bị "bùng phát" ở tất cả các bộ phận của cơ thể, điều này cho thấy bệnh đang tiến vào thời kỳ toàn phát. Nếu tà độc tiến thêm một bước đi tới phạm vào tạng Tâm, Phế thậm chí có thể gây khó thở, ho, ban điểm huyết ứ, nặng hơn là sốt cao không hạ, hôn mê, giật mình chới với,... Có thể xảy ra các biến chứng như viêm cơ tim, phù phổi, viêm não, viêm màng não... gây tử vong.
Trên lâm sàng nếu không xảy ra biến chứng, hầu hết trẻ em bị tay chân miệng có thể hồi phục trong vòng một đến hai tuần.
Dùng y học cổ truyền có một số lợi thế nhất định trong việc cải thiện các triệu chứng của bệnh và giảm sự xuất hiện các biến chứng.
Ở giai đoạn đầu khởi phát, khi độc tà mới tác động đến Tỳ, Phế, thì có thể dùng phép trị thanh nhiệt tuyên Phế, giải độc hóa thấp. Nếu thuộc thể Phế Tỳ thực nhiệt có thể dùng Ngân kiều tán hợp Lương cách tán gia giảm. Nếu thể Thấp nhiệt rõ có thể dùng Cam lộ tiêu độc đan gia giảm.
Ở giai đoạn bệnh toàn phát, phép trị chủ yếu là thanh nhiệt lương huyết, giải độc khứ thấp, thường dùng bài Thanh ôn bại độc ẩm gia giảm.
Đối với các trường hợp bệnh nhi sốt cao không giảm, khó thở, hôn mê, giật mình, chới với nên kết hợp điều trị tích cực các phương pháp của Tây y để kiểm soát bệnh tốt hơn.
Bệnh ở giai đoạn hồi phục thường xuất hiện chứng Khí âm lưỡng hư, có thể dùng Sa sâm mạch đông thang hoặc Thất vị Bạch truật tán gia giảm.
Đối với mụn rộp ngoài da có thể dùng nước thuốc (gồm Khổ sâm, Cúc hoa, Tang diệp, Địa phu tử) để ngâm tay, chân, mông trong 10-15 phút mỗi ngày.
Trường hợp miệng, nướu trẻ sưng đau nhiều có thể dùng nước sắc các dược liệu (Bản lam căn, Hoàng cầm, Bạch tiễn bì, Bạc hà, Trúc diệp) để súc miệng nhằm giảm viêm, sát khuẩn tại chỗ.
Lưu ý: Sự chuyển biến bệnh tay chân miệng xảy ra nhanh, khó lường, rất dễ chuyển nặng, bệnh được chia thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng. Trong giai đoạn toàn phát bệnh tay chân miệng, các biến chứng về hô hấp, thần kinh, tim mạch như rối loạn tri giác, mê sảng, giật mình, chới với,… thường sẽ xuất hiện vào ngày thứ 2 -5 của giai đoạn này (ứng từ độ 2b trở lên).
Vì vậy ở trong giai đoạn này cần theo sát các triệu chứng của trẻ, nhất là các biểu hiện trở nặng như quấy khóc dai dẳng, sốt cao không hạ, giật mình chới với, đi lại loạng choạng, tiểu ít, khó thở,... Nếu có diễn tiến bất thường cần đi khám lại và nhập viện (nếu cần) để các bác sĩ có thể theo dõi sát, và kịp thời điều trị phối hợp với các phác đồ điều trị Y học hiện đại để kiểm soát biến chứng, ngăn ngừa bệnh trở nặng, tổn thương các cơ quan trọng yếu.
Vậy có thể dùng thuốc YHCT phòng bệnh được không?
Khi trẻ đi học trong lớp có tiếp xúc với bạn bị tay chân miệng, mà cơ địa trẻ sức đề kháng yếu hay mắc bệnh, hiện thời chưa thấy biểu hiện triệu chứng tay chân miệng các bậc phụ huynh có thể phòng ngừa cho trẻ bằng thuốc YHCT kèm theo với chế độ ăn uống hợp lý nâng cao sức đề kháng bệnh tật cho trẻ.
Bài thuốc YHCT chủ yếu tập trung vào sử dụng các loại dược liệu thuộc nhóm kiện Tỳ hóa thấp, tuyên Phế giải độc. Các vị thuốc thường được sử dụng gồm: Kim ngân hoa, Ý dĩ nhân, Cam thảo sống, Nhân trần bắc (Ngải lá kim), Đại thanh diệp.
Tuy nhiên cần chú ý một số vị thuốc thanh nhiệt giải độc mạnh, có vị đắng tính hàn không thích hợp để uống với số lượng lớn trong thời gian dài dễ khiến Tỳ Vị của trẻ hư nhược thêm. Vì vậy cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền trước khi sử dụng.
Phụ huynh có thể nấu cháo thực dưỡng gồm ý dĩ, đậu đỏ, đậu xanh, cam thảo sống cho trẻ ăn trong thời kỳ dịch tay chân miệng bùng phát cũng giúp kiện Tỳ trừ thấp nhờ đó phòng bệnh cho trẻ.
Đồng thời chế độ ăn cần ít ăn đồ chiên xào, cay nóng, không ăn quá no, nên ăn các thực phẩm tươi, dễ tiêu. Bên cạnh đó cần uống nhiều nước, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc những nơi đông người trong thời kỳ có dịch bệnh.