Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ sáu - 03/03/2023 02:59
Bệnh thần kinh do đái tháo đường là tổn thương dây thần kinh xảy ra do chỉ số glucose (đường huyết) tăng cao trong máu.
Bệnh thần kinh đái tháo đường thường được chia thành hai nhóm chính:
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên (ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở ngoại biên cơ thể như thần kinh ở tay, chân, và thần kinh sọ não)
- Bệnh lý thần kinh tự chủ (là thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ quan như dạ dày, ruột, tim mạch, hệ tiết niệu).
Bệnh thần kinh tự chủ do đái tháo đường (Diabetic autonomic neuropathy - DAN) là một biến chứng thần kinh phổ biến và là một dạng bệnh của suy nhược thần kinh. Bệnh có thể cùng tồn tại với các bệnh lý thần kinh ngoại biên và các biến chứng khác của đái tháo đường, nhưng cũng có thể xảy ra độc lập, thậm chí trước khi phát hiện các biến chứng khác.
Một loạt các biểu hiện ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan khác nhau (do hệ thần kinh tự chủ kiểm soát) có thể xảy ra, bao gồm hệ tim mạch, đường tiêu hóa, sinh dục tiết niệu, tuyến mồ hôi, nội tiết.... Một số nghiên cứu thấy có mối liên quan của bệnh thần kinh tự chủ do đái tháo đường với việc tăng nguy cơ tử vong do tim mạch (tăng nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim thầm lặng, thậm chí tử vong) và liên quan với nhiều triệu chứng suy yếu ở người bệnh.
Triệu chứng bệnh lý thần kinh tự chủ do đái tháo đường
Thay đổi tùy cơ quan bị tổn thương:
Ở mắt: Suy giảm chức năng vận động đồng tử, mất phản xạ với sự thích nghi ánh sáng, bóng tối. Ở hệ tiêu hóa:
Rối loạn nhu động thực quản: Buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng, cảm giác nghẹn, nuốt khó.
Dạ dày co thắt chậm lại nên người bệnh hay cảm thấy đầy bụng sau khi ăn. Liệt dạ dày nên được nghi ngờ ở những người kiểm soát glucose thất thường.
Táo bón, hoặc tiêu chảy, nhất là tiêu chảy về đêm, hoặc táo bón xen lẫn với tiêu chảy.
Hệ tim mạch:
Nhịp tim nhanh khi nghỉ.
Hạ áp tư thế đứng (khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đứng, người bệnh cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đôi khi ngất xỉu do huyết áp hạ thấp).
Suy giảm khả năng thực hiện bài tập thể dục (Exercise intolerance), xảy ra nếu nhịp tim của người bệnh vẫn giữ nguyên thay vì điều chỉnh theo mức độ hoạt động tăng.
Thiếu máu cơ tim thầm lặng
Hệ niệu, sinh dục: ứ đọng nước tiểu trong bàng quang lâu ngày dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu. Người bệnh cũng có thể đi tiểu nhiều lần, khó nhịn tiểu, bàng quang thần kinh... Rối loạn cương, xuất tinh ngược ở nam giới, khô âm đạo ở nữ giới.
Tuyến mồ hôi: Tăng hoặc giảm tiết mồ hôi, rối loạn điều chỉnh thân nhiệt, khô da, đổ mồ hôi vị giác (Gustatory sweating).
Chuyển hóa – nội tiết: Suy chức năng thần kinh tự chủ liên quan với hạ đường huyết hoặc hạ đường huyết không nhận biết.
Do tổn thương thần kinh tự chủ, người bệnh mất cảm giác báo động khi bị hạ glucose huyết như cảm thấy đói, đổ mồ hôi, lo sợ, tim đập nhanh… do đó không kịp điều trị (thí dụ đi kiếm thức ăn, uống nước đường) và có thể đi thẳng vào hôn mê.
Ai cần phải chú ý bệnh lý thần kinh tự chủ do đái tháo đường?
- Người bệnh đái tháo đường có tiền sử kiểm soát đường huyết kém.
- Người bệnh vừa mới phát hiện đái tháo đường.
Cần sàng lọc gì?
Cần chủ động kiểm tra chức năng hệ thần kinh tự chủ nhằm góp phần quản lý người bệnh tốt hơn theo những cách sau.
Quan sát lâm sàng: Dựa vào triệu chứng và dấu hiệu sinh tồn thông thường như nhịp tim (khi hít thở sâu, khi đứng), nghiệm pháp Valsalva (Valsalva maneuver), huyết áp tâm thu khi đứng, huyết áp tâm trương khi co cơ liên tục...
Tuy nhiên, đây không phải là cơ sở duy nhất để chẩn đoán rối loạn chức năng thần kinh tự chủ, việc sàng lọc các bất thường còn được thực hiện thêm qua các khảo sát cận lâm sàng như:
Đánh giá chức năng hoạt động tim mạch: Điện tâm đồ.
Đánh giá chỉ số đường huyết: Glucose huyết, HbA1c
Đánh giá chức năng dạ dày – thực quản: Nội soi dạ dày tá tràng, do áp lực dạ dày tá tràng, đo áp lực nhu động thực quản.
Đánh giá chức năng ruột: Đo áp lực hậu môn, trực tràng, nội soi đường tiêu hóa, xét nghiệm phân,...
Đánh giá chức năng hệ niệu dục: Siêu âm bụng, đo áp lực bàng quang, tổng phân tích nước tiểu, nuôi cấy vi trùng nước tiểu, xét nghiệm nội tiết tố...
Phối hợp Y học cổ truyền trong điều trị bệnh lý thần kinh tự chủ do đái tháo đường có hiệu quả không?
Các biểu hiện lâm sàng của rối loạn chức năng tự trị có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày (ví dụ hoạt động tập thể dục), tạo ra các triệu chứng đáng lo ngại (ngất, hôn mê).
Hiện tại không có loại thuốc nào điều trị khỏi bệnh thần kinh tự chủ do đái tháo đường, các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào kiểm soát đường huyết, điều chỉnh lối sống (chẳng hạn như chế độ ăn kiêng và tập thể dục) và kiểm soát triệu chứng tạm thời dựa vào một số nhóm thuốc.
Y học cổ truyền có thể tác động bằng các phương pháp dùng thuốc lẫn không dùng thuốc.
Tùy theo phân thể bệnh lý theo từng giai đoạn mà các bài thuốc Y học cổ truyền giúp làm giảm chỉ số đường huyết, HbA1c một cách hiệu quả, đồng thời lại tăng cường lưu thông khí huyết, điều chỉnh sự mất cân bằng âm dương ở giai đoạn biến chứng (chủ yếu do âm dương lưỡng hư, khí huyết ứ trệ) mà sinh bệnh. Ngoài ra, trên nghiên cứu lâm sàng cũng ghi nhận hiệu quả điều chỉnh các triệu chứng trong bệnh thần kinh tự chủ ở tại tim do đái tháo đường thông qua nước sắc của dược liệu (Quế chi, Cam thảo).
Châm cứu cũng được chứng minh có hiệu quả lâm sàng đối với các rối loạn liên quan đến các bệnh lý thần kinh tự chủ khác nhau. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng châm cứu có thể kiểm soát các chức năng của hệ thống thần kinh tự chủ bao gồm huyết áp, kích thước đồng tử, nhiệt độ da, hoạt động của dây thần kinh giao cảm, nhịp tim và/hoặc nhịp mạch, và sự thay đổi nhịp tim
Tác động của châm cứu không chỉ kích hoạt các vùng não riêng biệt trong các loại bệnh khác nhau gây ra bởi sự mất cân bằng giữa các hoạt động giao cảm và đối giao cảm, mà còn điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh thích ứng ở các vùng não liên quan để giảm bớt phản ứng tự chủ.