Chàm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên cuộc sống bệnh nhân và người nhà như: giảm tham gia hoạt động xã hội, học tập, làm việc sa sút do giảm khả năng tập trung và mất ngủ do tình trạng ngứa dai dẳng. Đặc biệt ở trẻ nhỏ tâm lý hay xấu hổ hoặc bị bắt nạt do tình trạng viêm da này có thể làm cho trẻ bị cô lập về mặt xã hội và dẫn đến trầm cảm.
Nghiên cứu tiến hành trên 169 người bệnh chàm mãn tính năm 2018 cho thấy:
- Những loại thực phẩm làm xấu đi tình trạng Viêm da dị ứng là: Sữa, gluten (lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen), đồ ăn vặt (kẹo, bánh ngọt, socola, khoai tây chiên), rượu, đường, cà chua, cam quýt và trứng, một số ít được báo cáo hơn là: thịt, nước ngọt, thức ăn cay, thực phẩm chế biến và hải sản.
- Những thực phẩm giúp cải thiện tình trạng Viêm da dị ứng là: Bổ sung vitamin D, Vitamin C (ớt chuông, cam, dâu tây, dứa), kẽm, Omega 3 có nhiều trong cá hồi và cá trích, thực phẩm giàu Flavonoid (táo, việt quất, cherry, bông cải xanh, rau bina, cải kale), cá.
Không có một chế độ ăn kiêng phù hợp với tất cả bệnh nhân chàm và nguyên tắc chung là tránh bất kỳ thực phẩm nào có thể làm xuất hiện hoặc làm nặng thêm triệu chứng bệnh.
Duy trì một chế độ ăn uống phù hợp với bệnh chàm là chìa khoá để kiểm soát bệnh bên cạnh việc dùng thuốc.
Trong y học cổ truyền, chàm được xếp vào chứng phong chẩn, do ăn uống không điều độ làm tổn thương Tỳ, Vị, hoặc do sự xâm nhập của phong, thấp, nhiệt tà ở bì phu, hoặc do thấp nhiệt uẩn kết lâu ngày dẫn đến huyết hư, huyết nhiệt mà sinh bệnh.
Điều trị chàm kết hợp YHHĐ và YHCT phối hợp phương pháp dùng thuốc ( thuốc uống trong và thuốc thoa ngoài bằng thảo dược) hoặc sử dụng phương pháp không dùng thuốc như châm cứu giúp giảm tình trạng ngứa đồng thời cải thiện yếu tố “cơ địa” từ đó giúp dự phòng tái phát tối ưu. Tuỳ thuộc vào tình trạng da của từng người bệnh mà Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp khác nhau.