Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Chủ nhật - 22/05/2022 21:27
Trĩ là một bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà công việc văn phòng lẫn chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ thường xuyên diễn ra.
Trường hợp anh N.H.H (1990), trú tại Quận Tân Bình – TPHCM đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 để khám và điều trị do đau rát vùng hậu môn, đi kêu có máu tươi, thường xuyên táo bón, khó đi tiêu. Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với nội soi đại trực tràng loại trừ các nguyên nhân thực thể khác, anh được Bác sĩ chẩn đoán trĩ nội độ II. Sau 4 tuần điều trị bằng thuốc thang phối hợp với phương pháp cấy chỉ và được hướng dẫn tập các động tác dưỡng sinh, duy trì thói quen đi tiêu đúng giờ, tình trạng đi tiêu ra máu đã ổn hoàn toàn, việc đi tiêu cũng dễ dàng hơn, búi trĩ không còn sa ra ngoài.
Bệnh trĩ là gì?
Ở trạng thái bình thường, các mô liên kết quanh vùng hậu môn có vai trò đẩy các chất thải ra bên ngoài. Bệnh trĩ là sự thay đổi những cấu trúc này chuyển sang trạng thái bệnh lý do các yếu tố cơ học làm giãn, lỏng lẻo hệ thống nâng đỡ gây sa búi trĩ và yếu tố mạch máu làm giãn mạch gây chảy máu.
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ?
Bệnh trĩ thường được biết đến do các nguyên nhân chủ yếu như: Táo bón thường xuyên, chế độ ăn uống không phù hợp, phụ nữ mang thai, đại tiện không đúng (nhịn đại tiện, rặn mạnh khi đại tiện), quan hệ tình dục qua đường hậu môn, tư thế làm việc không đúng (ngồi lâu, đứng nhiều, mang vác nặng…) người cao tuổi, thừa cần béo phì, các bệnh lý khác ở vùng hậu môn trực tràng.
Phân loại bệnh trĩ?
Y học hiện đại phân loại trĩ theo tổn thương giải phẫu học gồm: Trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Và phân thành 4 phân độ (theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ):
- Độ 1: Đại tiện ra máu tươi chiếm 80 - 90%, chỉ đôi khi có hiện tượng khó chịu, không thoải mái. Các búi trĩ nhô lên thấy cương tụ máu nhưng không sa khi rặn.
- Độ 2: Triệu chứng chính là đại tiện ra máu tươi, búi trĩ sa ra ngoài, khi đại tiện xong tự co lên. Búi trĩ sa khi rặn và tự co lên được.
- Độ 3: Xuất hiện các búi trĩ nội khá lớn, đôi khi không còn rõ ranh giới giữa các búi trĩ nội và ngoại như vậy trở thành một búi trĩ hỗn hợp. Các búi trĩ sa khi rặn không tự co lên được, nhưng có thể đẩy vào được.
- Độ 4: Các búi trĩ sa thường xuyên và không đẩy lên được.
Biến chứng do bệnh trĩ?
Người bệnh thường xuất hiện các biểu hiện đi tiêu ra máu tươi và sa trĩ... Có thể gặp phải những biến chứng như thiếu máu, trĩ sa nghẹt, tắc mạch, viêm loét nhiễm trùng… nếu không được điều trị kịp thời.
Y học cổ truyền điều trị bệnh trĩ như thế nào?
Theo Y học cổ truyền, bệnh trĩ hậu môn nằm trong chứng Hạ trĩ. Các sách cổ chia làm 5 loại trĩ: Mẫu Trĩ, Tẫn Trĩ, Trường Trĩ, Mạch Trĩ, Huyết Trĩ. Sách “Tế Sinh Phương” viết: “Đa số do ăn uống không điều độ, uống rượu quá mức, ăn nhiều thức ăn béo, ngồi lâu làm cho thấp tụ lại, mót đi tiêu mà không đi ngay, hoặc là Dương minh phủ không điều hòa, quan lạc bị bế tắc, phong nhiệt không lưu thông gây nên ngũ trĩ”.
Các nguyên nhân trên có thể làm khí huyết loạn hành, kinh lạc giao cắt dẫn đến huyết ứ, trọc khí hạ trú hậu môn gây nên trĩ.
Ngoài ra, người bệnh sau khi mắc một số bệnh làm rối loạn chức năng của các tạng phủ như can, tâm, tỳ, thận (can khắc tỳ, can tâm thận âm hư, tâm tỳ hư...) gây khí hư, huyết ứ làm trung khí hư hạ hãm sinh ra hạ trĩ.
Y học cổ truyền phận loại dựa vào các triệu chứng thành các thể lâm sàng:
- Thể Nhiệt độc.
- Thể Huyết ứ.
- Thể Thấp nhiệt.
- Thể khí huyết lưỡng hư.
Dựa vào các thể mà Bác sĩ sẽ lựa chọn phương thuốc cũng như các phương pháp điều trị không dùng thuốc (châm cứu, cấy chỉ, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, luyện tập dưỡng sinh,…) phù hợp trên từng người bệnh.
Phòng ngừa bệnh thế nào?
Người bệnh cần giữ chế độ ăn uống nhiều rau củ quả, chất xơ, tránh táo bón. Kiêng ăn các chất cay, nóng, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích,… Tránh ăn quá no hoặc quá đói. Uống nhiều nước, đảm bảo từ 2 – 2.5 lít/ngày.
Giữ chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc thường xuyên ở tư thế ngồi lâu, đứng lâu, vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn. Tập thói quen đại tiện đúng giờ.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 với các thế mạnh chuyên sâu về điều trị phối hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại cho nhiều bệnh lý Nội khoa. Đặc biệt về điều trị bệnh lý trĩ bằng các phương pháp như châm cứu, cấy chỉ, luyện tập dưỡng sinh, xoa bóp bấm huyệt,… kết hợp với các bài thuốc cổ phương gia giảm theo từng đối tượng người bệnh giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng, an toàn, giảm thiểu biến chứng do bệnh gây ra.
Tác giả bài viết: BS CKI. Võ Văn Long
Trích nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3