Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ sáu - 30/12/2022 20:56
Viêm thanh quản cấp ở người lớn thường không gây nguy hiểm và có khả năng hồi phục tốt, nhưng ở trẻ em phải theo dõi sát vì dễ gây khó thở thanh quản, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng.
Người bệnh V.T.N, 42 tuổi, TP.HCM đến khám tại phòng khám Ngũ quan Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 với tình trạng Khàn tiếng, đau rát vùng họng. Người bệnh xuất hiện khàn tiếng đột ngột và đã dùng thuốc 5 ngày (Augmentin 1gr 2 viên/ ngày, Medrol 16mg 01 viên/ ngày) nhưng tình trạng khàn tiếng ngày càng gia tăng, giảm đau rát vùng họng ít, khó thở nhẹ khi hít vào, ho nhiều hơn, đàm loãng trong lượng ít, thi thoảng sốt nhẹ 37,5oC, kèm theo đau vùng thượng vị, cảm giác mệt mỏi, buồn nôn sau uống thuốc tây nên đến khám và điều trị. Thăm khám tai mũi họng ghi nhận niêm mạc họng đỏ lan tỏa, amidan to nhẹ, không mủ, nhiều hạt lympho rải rác đều thành sau của họng, niêm mạc mũi hồng không chảy dịch, tai sạch. Thăm khám cơ quan khác như tim đều, phổi trong, bụng mềm ấn đau vùng thượng vị. Sau khi thăm khám, giải thích và tư vấn, người bệnh được chẩn đoán và điều trị thuốc thảo dược với pháp trị thanh nhiệt, lợi hầu khai âm 07 thang, kết hợp với hướng dẫn theo dõi triệu chứng, vấn đề ăn uống, chăm sóc vùng hầu họng. Sau 03 thang người bệnh hết đau rát họng, khàn tiếng giảm 60%, hết cảm giác khó thở nhẹ khi hít vào và hụt hơi khi nói chuyện, hết khạc đàm, giảm ho 40%. Sau 07 thang: hết hoàn toàn khàn tiếng, hết ho.
Theo Y học hiện đại viêm thanh quản cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc của thanh quản kéo dài dưới 3 tuần, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm virus, vi khuẩn, do hóa chất, tính chất công việc phải sử dụng giọng nói nhiều, các bệnh lý viêm mũi xoang, viêm họng, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá,… gây ra. Bệnh có biểu hiện khàn tiếng, ho khan hoặc có đờm nhày, khó thở...Bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên cũng gặp ở người lớn. Khám họng ghi nhận niêm mạc họng đỏ, phù nề, amidan có thể sưng, vùng thanh môn và tiền đình thanh quản đỏ, phù nề, dây thanh sung huyết, phù nề, khép không kín. Điều trị chủ yếu là kiêng nói, tránh tiếp xúc với lạnh, điều trị thuốc kháng sinh và corticoid liều lượng phù hợp với từng bệnh nhân, điều trị triệu chứng đi kèm khác, nâng cao sức đề kháng, nâng tổng trạng.
Theo Y học cổ truyền, viêm thanh quản cấp với biểu hiện chính là khàn tiếng, mất tiếng được mô tả trong chứng “Hầu âm”, nguyên nhân chủ yếu do ngoại tà phạm Phế, Phế nhiệt tắc trở, huyết ứ đàm ngưng làm cho thanh môn đóng mở bất lợi, hoặc có thể do ngũ tạng hư nhược, yết hầu thất dưỡng, thanh môn đóng mở bất lợi. Bệnh thường gặp ban đầu đa số là thực chứng, thuộc hàn chứng, nhiệt chứng hoặc Phế nhiệt tắc trở, bệnh lâu ngày hư chứng và thực chứng hỗn tạp như Phế Thận âm hư, Phế Tỳ khí hư hoặc huyết ứ đàm ngưng. Điều trị tùy vào biện chứng luận trị của từng bệnh cảnh như sơ phong tán hàn, sơ phong thanh nhiệt, thanh tả Phế nhiệt, tư âm giáng hỏa, bổ ích Phế Tỳ, hành khí hoạt huyết, lợi hầu khai âm. Có thể phối hợp châm cứu, xông thuốc để điều trị.
Viêm thanh quản cấp ở người lớn thường không gây nguy hiểm và có khả năng hồi phục tốt, nhưng ở trẻ em phải theo dõi sát vì dễ gây khó thở thanh quản, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng. Vì vậy, trong trường hợp triệu chứng khàn tiếng, đau rát họng không thuyên giảm hoặc kèm các triệu chứng khác tăng nặng, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị tích cực, tránh tự ý sử dụng thuốc và các phương pháp dân gian không rõ ràng.
Tác giả bài viết: ThS BS. Lê Ngô Minh Như
Trích nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3