Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ sáu - 23/09/2022 22:15
Việc kết hợp giữa YHHĐ và YHCT trong điều trị người bệnh có các rối loạn về khứu giác hậu COVID-19 có tiềm năng mang lại lợi ích cao. Người bệnh cần được can thiệp càng sớm càng tốt dưới sự thăm khám, điều trị và theo dõi của Bác sĩ chuyên khoa để đạt được kết quả điều trị tối ưu.
Trường hợp Chị N.T.N.T, 31 tuổi, đến khám tại Phòng khám Ngũ quan, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 với tình trạng giảm mùi và thường ngửi thấy mùi khét. Chị T cho biết mình bị nhiễm COVID-19 cách đây 5 tháng, do mất mùi nên phát hiện bị nhiễm bệnh. Sau khoảng 5 ngày nhiễm bệnh, chị T có lại khứu giác tuy nhiên chỉ đạt khoảng 20% so với ban đầu. Chị T có đọc các thông tin thì được biết đa phần mất mùi sẽ thuyên giảm nên chị yên tâm. Tuy nhiên sau nhiễm 1 tháng chị vẫn chỉ ngửi được 20% so với trước và xuất hiện tình trạng ngửi thấy mùi khét rõ rệt hơn. Chị có đi khám bệnh và được điều trị bằng cách tập ngửi mùi suốt 4 tháng tiếp theo nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm. Được biết Phòng khám Ngũ quan, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 có khám và điều trị các bệnh lý về Tai-Mũi-Họng-Mắt bằng YHHĐ kết hợp với YHCT nên chị đã đến khám bệnh.
Tại thời điểm khám bệnh ghi nhận chị T có tình trạng giảm và rối loạn khứu giác nặng hậu COVID-19. Chị Thủy nói rằng từ sau nhiễm COVID-19 trong người sợ lạnh, dễ bị cảm lạnh. Khám thấy trong mũi có ít nước mũi trong loãng, lưỡi nhợt, mạch trầm. Theo YHCT, Bác sĩ chẩn đoán chị T có tình trạng ách tắc kinh lạc và Phế khí hư tổn. Do nhà xa, đi lại khó khăn nên Bác sĩ đã chọn các liệu pháp điều trị cho chị T bao gồm: sử dụng thuốc thảo dược và cấy chỉ. Bài thuốc với các thảo dược giúp khai thông Tỵ khiếu kết hợp với các thảo dược giúp bồi bổ Phế khí nâng cao chính khí (sức đề kháng). Bài thuốc được sắc và đóng gói vào túi nhôm vô trùng có thể bảo quản lâu dài mà không cần đến chất bảo quản. Đồng thời sử dụng liệu pháp cấy chỉ vào các vị trí huyệt đạo với công dụng khai thông kinh lạc, khai Tỵ khiếu và bồi bổ tổng trạng tạo ra các tác dụng lâu dài sau 1 lần cấy chỉ, người bệnh không cần phải đến châm cứu hằng ngày. Song song chị T vẫn tiếp tục tập ngửi mùi.
Sau 1 tháng điều trị, chị T đến tái khám và ghi nhận tình trạng giảm mùi và rối loạn khứu giác đã giảm được hơn 70%. Bác sĩ tiếp tục các liệu pháp điều trị 1 tháng tiếp theo. Tình trạng ngửi mùi đã gần như quay về bình thường như trước khi bị nhiễm COVID-19.
Theo PGS TS BS. Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3), khi bị nhiễm COVID-19 có rất nhiều trường hợp bị mất hoặc giảm mùi trong đợt cấp tính. Đa phần tình trạng này tự thuyên giảm nhưng cũng có nhiều trường hợp mất hoặc giảm mùi kéo dài từ vài tuần đến vài tháng thậm chí là kéo dài lâu hơn nữa hoặc cũng có thể vĩnh viễn. Đặc biệt, ngoài việc mất hoặc giảm mùi, rất nhiều trường hợp có rối loạn mùi, người bệnh thường ngửi thấy mùi khét, mùi thối,...
Theo Y học hiện đại, cơ chế bệnh sinh của tình trạng giảm, mất mùi và rối loạn khứu giác cũng như phương pháp điều trị hiện nay vẫn chưa thật sự phát hiện được cơ chế rõ ràng. Điều trị chủ yếu là sử dụng các thuốc kháng viêm trong đợt cấp và tập ngửi mùi.
Theo Y học cổ truyền, tình trạng mất và giảm mùi hậu COVID-19 liên quan tạng Phế, thường do Phế âm hư hoặc Phế khí hư. Ngoài ra sự lưu thông tại chỗ bị tắc nghẽn cũng là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng này. Đối với tình trạng rối loạn mùi như ngửi thấy mùi thối, mùi khét cũng có thể kèm theo rối loạn chức năng của tạng Tâm. Tùy vào tính chất biểu hiện của bệnh và biểu hiện toàn thân mà Bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng bệnh lý đang gặp phải là gì để từ đó có phương pháp điều trị thích hợp nhất. BS. Trần Hoà An (Phòng khám Ngũ quan, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3) cho biết.
Tác giả bài viết: PGS TS BS. Nguyễn Thị Bay/BS. Trần Hoà An