Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ hai - 23/01/2023 22:03
Hoa mai tượng trưng cho sự may mắn, bình an, thịnh vượng cho một năm mới với nhiều điều hứa hẹn...
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, trong mỗi gia đình luôn chuẩn bị đầy đủ, tươm tất nhất có thể để cùng nhau đón một cái tết thật ấm cúng, vui vẻ bên những người thân yêu của mình, nào là trang hoàng nhà cửa, nào là trà bánh, mâm ngũ quả thờ cúng ông bà, nhưng đặc biệt là không thể thiếu cây mai vàng trong nhà của mỗi người dân miền Nam. Hoa mai tượng trưng cho sự may mắn, bình an, thịnh vượng cho một năm mới với nhiều điều hứa hẹn. Thế nhưng sau những ngày xuân qua đi, đa số mọi người thường ít chăm sóc mai như những ngày cận tết, để chúng tự rụng hoặc thậm chí là vứt bỏ đi mà ít ai biết được công dụng tuyệt vời mà loại hoa này mang lại đối với sức khỏe chúng ta.
Ở nước ta, loài mai phổ biến là mai vàng hay còn gọi là hoàng mai, có tên khoa học là Ochna integerima thuộc họ Ochnaceae. Trong hoa mai có nhiều tinh dầu và một số chất khác như meratin, calycanthine, caroten…. có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao…
Theo Dược học cổ truyền, hoa mai có vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, có công dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hóa đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, chán ăn, chóng mặt… Các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Bản thảo nguyên thủy, Bách thảo kính, Bản thảo tái tân, Thực vật nghi kỵ… đều đã ghi lại nhiều phương thuốc có dùng hoa mai với những kiến giải khá sâu sắc. Có thể dẫn ra một số ví dụ cụ thể như sau:
Trúng thử gây tâm phiền, đau dầu, chóng mặt: (1) Hoa mai 9g sắc uống hoặc phối hợp hoa mai với hoa biển đậu và lá sen tươi lượng vừa đủ, sắc uống. (2) Hoa mai 15g, hoa cúc trắng 15g, hoa hồng 15g, hãm uống thay trà.
Chướng bụng, đầy hơi: Hoa mai 10g, mộc hương 10g, hương phụ 15g, sắc uống.
Nấc: Hoa mai 5g, tai hồng (thị đế) 5 cái, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 100g. Đem gừng tươi và thị đế sắc kỹ lấy nước, bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo, khi chín thì cho hoa mai vào, đun sôi vài dạo là được, chia ăn vài lần trong ngày.
Nôn: Hoa mai 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Đem hoa mai hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là dùng được, chắt ra hòa thêm nước gừng tươi rồi uống, mỗi ngày dùng 2 thang.
Ho dai dẳng: (1) Hoa mai 9g hãm uống thay trà trong ngày. (2) Hoa mai 10g, khoản đông hoa 10g, gạo tẻ 60g, tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm một chút mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
Ngoài ra, trong ẩm thực cổ truyền, hoa mai còn được người xưa sử dụng như một loại thực phẩm để chế thành những món ăn có công dụng bổ dưỡng kết hợp với các loại thực phẩm khác như thịt lợn, thịt dê, hải sâm, trứng gà, cá chép, nấm hương… Như vậy, với vẻ đẹp tao nhã và hương thơm thanh khiết của mình, hoa mai không những có giá trị thẩm mỹ sâu sắc mà còn là một vị thuốc hay và một loại thực phẩm độc đáo.