Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ năm - 13/10/2022 21:27
Hội chứng khô mắt, hay còn gọi là bệnh viêm kết – giác mạc khô (Keratoconjunctivitis Sicca - KCS) được định nghĩa theo Hiệp hội bề mặt và màng phim nước mắt (TFOS) như sau: "Khô mắt là một bệnh đa yếu tố của bề mặt mắt, đặc trưng bởi sự mất cân bằng nội môi của màng phim nước mắt, và kèm theo các triệu chứng ở mắt, nơi mà màng phim nước mắt không ổn định và tăng áp lực thẩm thấu, viêm và tổn thương ở bề mặt mắt, và các bất thường về tế bào thần kinh cảm giác đóng vai trò căn nguyên”.
Màng phim nước mắt dày khoảng 2 đến 5 µm trên giác mạc và được cấu tạo bởi ba thành phần chính. Các thành phần này là lipid, dung dịch nước và mucin, thường được mô tả đơn giản là các lớp.
- Lớp ở bề ngoài nhất, lớp lipid, được sản xuất bởi các tuyến meibomian của mí mắt và có chức năng làm giảm sự bay hơi của nước mắt.
- Lớp nước giữa là thành phần dày nhất của màng phim nước mắt và được sản xuất bởi các tuyến lệ đạo, nằm trong mép viền mắt, và các tuyến lệ phụ (tuyến Krause và Wolfring) trong kết mạc. Lớp này giữ ẩm cho mắt, rửa trôi bụi, mảnh vỡ hay vật lạ khi bị lọt vào mắt.
- Lớp đáy, lớp ở trong cùng, bao gồm mucin, hoặc glycoprotein, và chủ yếu được tạo ra bởi các tế bào kết mạc. Chất nhầy tăng cường sự trải đều của màng phim nước mắt trên biểu mô giác mạc thông qua việc điều chỉnh sức căng bề mặt
Các nguyên nhân và yếu tố tiềm ẩn liên quan đến hội chứng khô mắt bao gồm:
- Thuốc
+ Đường dùng toàn thân như thuốc kháng histamine, thuốc hạ huyết áp, thuốc giải lo âu / benzodiazepine, thuốc lợi tiểu, hormone toàn thân, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), corticosteroid dùng đường toàn thân hoặc dạng hít, thuốc kháng cholinergic, isotretinoin (gây teo tuyến meibomian) và thuốc chống trầm cảm.
+ Thuốc bôi tại chỗ như thuốc nhỏ tăng nhãn áp hoặc độc tính bảo quản từ thuốc nhỏ mắt có chứa chất bảo quản.
- Các bệnh về da ở trên mí hoặc xung quanh mí mắt như bệnh trứng cá đỏ hoặc bệnh chàm
- Rối loạn chức năng tuyến meibomian là một bệnh đồng mắc phổ biến với sự dày lên, nổi ban đỏ của mí mắt và chất tiết không đủ hoặc bị thay đổi tính chất của các tuyến meibomian.
- Phẫu thuật nhãn khoa, bao gồm phẫu thuật khúc xạ, phẫu thuật đục thủy tinh thể, cấy ghép giác mạc và phẫu thuật tạo hình mí mắt.
- Bỏng do hóa chất hoặc nhiệt gây sẹo kết mạc.
- Dị ứng tại mắt.
- Sử dụng máy tính hoặc thiết bị điện tử quá nhiều vì điều này có thể dẫn đến giảm chớp mắt khi nhìn vào màn hình.
- Dư thừa quá mức hoặc thiếu vitamin, đặc biệt là thiếu vitamin A có thể dẫn đến thoái hóa giác mạc do thiếu dinh dưỡng.
- Giảm cảm giác giác mạc do đeo kính áp tròng trong thời gian dài, nhiễm vi rút herpes hoặc các nguyên nhân khác gây ra loạn dưỡng thần kinh giác mạc.
- Các bệnh hệ thống bao gồm hội chứng Sjogren và các rối loạn tự miễn dịch hoặc mô liên kết khác như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus, và bệnh tuyến giáp, bệnh đái tháo đường,...
- Các yếu tố môi trường như tiếp xúc với các chất gây kích ứng như khói hóa chất, khói thuốc lá, ô nhiễm hoặc độ ẩm thấp.
Hội chứng khô mắt thường được phân thành hai loại: ít sản xuất nước mắt và bay hơi nước mắt quá mức. Tuy nhiên, trên thực tế hai loại này không loại trừ lẫn nhau và nhiều bệnh nhân có sự kết hợp của cả hai cơ chế này trong bệnh cảnh.
Triệu chứng thường gặp trong hội chứng khô mắt
- Cảm giác nhói, bỏng rát, khô hoặc cảm giác có áp lực trong mắt.
- Cảm giác có cát, sạn hoặc dị vật.
- Hay chảy nước mắt, đây là một triệu chứng trái ngược. Tình trạng khô, đau gây phản xạ kích ứng tiết nhiều hơn để làm giảm tình trạng khô của bề mặt nhãn cầu. Mặc dù được bổ sung nước nhưng trong mắt không được bổ sung phần lipid hay chất nhầy nên mắt vẫn bị khô.
- Đau có thể được mô tả là cơn đau buốt và âm ỉ, khu trú ở một số phần của mắt, phía sau viền mắt hoặc thậm chí xung quanh ổ mắt.
- Đỏ mắt là một phàn nàn phổ biến và thường trở nên tồi tệ hơn do tác dụng phục hồi của chất co mạch có trong nhiều loại thuốc nhỏ mắt không kê đơn dùng để giảm đỏ mắt.
- Nhìn mờ, đặc biệt là nhìn mờ không liên tục, đây cũng là một phàn nàn phổ biến và cũng có thể được mô tả là ánh sáng chói hoặc quầng sáng như ánh đèn vào ban đêm.
- Cảm giác nặng mí mắt hoặc khó mở mắt khi ngủ dậy
- Đôi mắt mệt mỏi, nhanh mỏi mắt trong thời gian ngắn.
Các triệu chứng khá đa dạng, không nhất quán trong bệnh sử của những người bệnh khác nhau, vì vậy trên lâm sàng các bác sĩ sẽ sử dụng bảng câu hỏi đã được phát triển để sàng lọc các triệu chứng của bệnh khô mắt. Bảng câu hỏi như một công cụ sàng lọc cũng như theo dõi sự tiến triển và đáp ứng với các phương pháp điều trị. Một số bảng câu hỏi được dùng trong đánh giá các triệu chứng khô mắt như Ocular Surface Disease Index (OSDI), Dry Eye Questionnaire (DEQ-5) và Symptoms Analysis in Dry Eye (SANDE),...
Điều trị
Điều trị hội chứng khô mắt được thực hiện theo cách tiếp cận từng bước có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các phương pháp tiếp cận ban đầu bao gồm giáo dục về tình trạng, thay đổi môi trường (loại bỏ luồng không khí khô, quạt trực tiếp, giảm thời gian sử dụng màn hình điện tử, máy làm ẩm), xác định và loại bỏ các tác nhân gây bệnh tại chỗ và toàn thân.
Bước tiếp theo của các lựa chọn điều trị bao gồm bôi trơn mắt không chứa chất bảo quản, thuốc mỡ hoặc kính chống ẩm vào ban đêm, liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao, thuốc bôi kháng viêm (corticosteroid, cyclosporin, livesitegrast) và thậm chí thuốc kháng sinh đường uống (macrolide hoặc tetracycline).
Ngoài ra có thể sử dụng thêm nước mắt nhân tạo, thuốc kích thích bài tiết nước mắt đường uống hoặc tại chỗ, phẫu thuật Punctal (bịt lại phần đầu của tuyến lệ nhằm giữ nước mặt ở lại lâu hơn).
Y học cổ truyền điều trị “Chứng khô mắt”
Theo y học cổ truyền, mắt có mối quan hệ mật thiết với tạng phủ bên trong. Can khai khiếu ra mắt, nhưng mỗi bộ phận trong mắt theo thuyết Ngũ luân (Nhục luân – Huyết luân – Khí luân – Phong luân – Thủy luân) lại liên quan với ngũ tạng trong cơ thể. Linh khu viết: “Tinh khí ngũ tạng, lục phủ đều dồn lên mắt mà thành tinh, mắt là chỗ ở các tinh tụ lại, tinh của cốt là đồng tử, tinh của can là lòng đen, tinh của huyết là đường lạc, tinh của phế khí là tròng trắng, tinh của cơ nhục là mi mắt, tinh bọc lấy cân cốt, khí huyết cùng mạch lạc mà thành mục hệ...”
Chứng khô mắt chủ yếu liên quan tới ba tạng Phế, Can, Thận. Tạng Can vận chuyển chất nuôi dưỡng trong huyết dịch đến mắt; Thận chủ tân dịch, Phế chủ tuyên giáng thủy dịch, nước được đưa đến làm ẩm nhãn cầu.
Dưới đây là một số phương pháp Đông y để điều trị chứng khô mắt.
- Châm cứu: Châm cứu được thực hiện cách ngày một lần, kim được lưu lại từ 20 đến 25 phút, một liệu trình điều trị là 10 lần, cách khoảng nghỉ giữa hai đợt điều trị là 10 ngày, và điều trị tối thiểu là 3 liệu trình. Các huyệt được châm cứu gồm: Tứ bạch, Nghinh hương, Hợp cốc, Huyết hải, Dương lăng tuyền, Túc tam lý, Tam âm giao, Chiếu hải,....
- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiên xoa bóp vòng quanh hốc mắt, day ấn các huyệt Thái dương, Toán trúc, Tinh minh, Ngư yêu, Tứ bạch,... (mỗi huyệt day 10 lần theo chiều kim đồng hồ, 10 lần ngược chiều kim đồng hồ) để giảm khô mắt, và giảm căng thẳng cho mắt. Việc xoa bóp day bấm huyệt hàng ngày rất tốt cho những người thường xuyên phải sử dụng đôi mắt làm việc với cường độ cao.
- Thuốc uống: Tùy theo thể bệnh, nguyên nhân bệnh sinh mà người thầy thuốc sử dụng bài thuốc tương ứng với pháp trị. Ví dụ như Tang bạch bì thang gia giảm có thể trừ nhiệt tà lưu ở biểu, Bách hợp cố kim thang gia giảm là phương thuốc dưỡng âm thanh nhiệt, trị Phế âm bất túc, Lục vị địa hoàng hoàn hoặc Kỷ cúc địa hoàng hoàn là phương dùng trong thể bệnh Can Thận âm hư.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng các dạng trà thuốc thay cho nước uống hàng ngày như: trà câu kỷ cúc hoa, trà thảo quyết minh, trà mạch môn sài hồ cúc hoa,...
- Xông mắt: Ủ mắt bằng khăn ấm, hoặc xông mắt làm giảm tình trạng viêm và bong tróc ở mí mắt từ đó giảm tắc nghẽn các tuyến để không dẫn đến khô mắt.
Xông hơi mỗi mắt với các loại thảo dược mỗi ngày khoảng 15 phút, kéo dài trong khoảng một tháng. Sao các loại dược liệu như cúc hoa, tần bì, hoàng bá, bạc hà, tang diệp, hồng hoa sau đó cho vào lọ hoặc cốc, khi còn nóng đậy kín miệng lọ bằng một đầu ống giấy dày, hướng đầu còn lại vào mắt bị bệnh và tiến hành xông mắt.
Hội chứng khô mắt là một bệnh lý mạn tính, vì vậy để giữ gìn cho đôi mắt khỏe mạnh, duy trì thị lực tốt nhất cần chú ý thói quen sinh hoạt và làm việc, dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin nhằm cải thiện chứng khô mắt. Nếu khô mắt kéo dài có thể gây ra tổn thương giác mạc vì vậy khi thấy có cảm giác khô như có cát hay dị vật trong mắt, bị đau nhức mắt, nóng rát mắt và tiết nhiều nước mắt hơn bình thường thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tác giả bài viết: BS. Bùi Thị Yến Nhi
Trích nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3