Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ ba - 06/09/2022 05:04
Hội chứng ruột kích thích (tên tiếng Anh là Irritable bowel syndrome-IBS) là một rối loạn tiêu hoá chức năng đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đi đại tiện mà không tìm thấy tổn thương thực thể nào ở hệ tiêu hóa.
NGUYÊN NHÂN
Hội chứng ruột kích thích hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng hội chứng này có thể do nhiều yếu tố gây ra. Các yếu tố kích phát có thể bao gồm:
Quá mẫn nội tạng ở ruột.
Rối loạn vận động đường tiêu hóa.
Sau viêm hoặc nhiễm trùng ruột.
Sau phẫu thuật vùng bụng chậu.
Chế độ ăn.
Stress.
Di truyền.
BIỂU HIỆN HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể khác nhau theo từng người và thường giống với các bệnh khác. Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là:
Đau hoặc đau quặn bụng: Đau không có đặc điểm gì cụ thể, không có vị trí nhất định, có thể đau dọc khung đại tràng, đau nhiều hơn sau khi ăn hoặc đôi khi chưa ăn xong đã có cảm giác đau, khi ăn thức ăn lạ, thức ăn để lâu hoặc khi có những tress, giảm đau sau khi trung đại tiện hoặc đại tiện và thường biến mất vào ban đêm.
Cảm giác chướng bụng, đầy hơi.
Tiêu chảy hoặc táo bón – đôi khi có các đợt táo bón và tiêu chảy xen kẽ nhau.
Cảm giác đi cầu không hết.
TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN
Tiêu chuẩn Rome III (2005)
Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ít nhất ba ngày/tháng trong ba tháng, với khởi đầu trước đây ít nhất sáu tháng, liên quan với hai hoặc hơn các triệu chứng sau đây:
Cải thiện sau khi đại tiện
Khởi đầu liên quan với thay đổi tần số đại tiện
Khởi đầu liên quan với thay đổi dạng phân.
Tiêu chuẩn Rome IV (2016)
Hội chứng ruột kích thích là rối loạn ruột mạn tính, đặc trưng bởi đau bụng tái phát, xảy ra ít nhất 1 ngày mỗi tuần trong ba tháng gần đây, liên quan với hai hoặc hơn các triệu chứng sau đây:
Có liên quan đến đi đại tiện
Liên quan với tần số đại tiện
Liên quan đến thay đổi hình dạng phân
HẬU QUẢ
Tiêu chảy và táo bón, cả hai dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích, đều có thể làm bệnh trĩ nặng hơn nếu bạn đang bị trĩ.
Dẫn đến suy dinh dưỡng khi tránh dùng một số loại thực phẩm cần thiết thì cơ thể sẽ không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Làm giảm chất lượng sống của bạn có thể là biến chứng nghiêm trọng nhất. Ảnh hưởng này có thể làm cho bạn cảm thấy cuộc sống không được trọn vẹn, từ đó dẫn đến tình trạng chán nản hoặc trầm cảm.
ĐIỀU TRỊ KHỎI HOÀN TOÀN KHÔNG?
Vì các nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích không rõ ràng nên phương pháp điều trị sẽ tập trung làm giảm triệu chứng để bạn có một cuộc sống như bình thường.
Với Y học hiện đại:
Điều trị triệu chứng
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Với Y học cổ truyền:
Điều trị “Hội chứng ruột kích thích” là một thế mạnh của YHCT.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và biểu hiện lâm sàng. Tùy từng hội chứng bệnh trên từng cá nhân cụ thể mà YHCT sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.
Dùng thuốc: Sử dụng các vị thuốc sơ can kiện tỳ, lý khí chỉ thống, thanh nhiệt đại trường, nhuận táo thông tiện...
Không dùng thuốc: Châm cứu (Hào châm, Điện châm, Nhĩ châm, Cấy chỉ, Laser châm, Thủy châm), xoa bóp bấm huyệt, tập luyện dưỡng sinh.
DỰ PHÒNG THẾ NÀO?
Vì nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa rõ nguyên nhân thực thể, nên việc phòng bệnh là giảm bớt yếu tố nguy cơ.
Ăn vào thời gian cố định trong ngày và không bỏ bữa.
Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ như rau củ quả.
Hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm khó dung nạp lactose, thực phẩm cay.
Uống đủ nước.
Tránh các đồ uống có ga và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
Không ăn thức ăn để lâu hoặc điều kiện bảo quản không tốt.
Tập thể dục điều độ để nâng cao sức khỏe, thư giản thần kinh.
Tránh căng thẳng, lo lắng quá mức.
KHI NÀO CẦN GẶP BÁC SĨ?
Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể kiểm soát thành công các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích ở mức độ nhẹ bằng cách kiểm soát căng thẳng, ăn uống đúng giờ, tránh các chất kích thích, tập thể dục đều đặn, uống đủ nước và ngủ đủ giấc.
Nếu bạn đã có sự thay đổi chế độ ăn uống và lối sống mà các triệu chứng trên không cải thiện hoặc nặng nề hơn nên đến gặp chuyên gia y tế.
Tác giả bài viết: BS CKI. Võ Văn Long
Trích nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3