DANG KY KHAM BENH ZALO copy

Kiểm soát hen phế quản bằng Y học cổ truyền?

Thứ tư - 11/01/2023 03:17
Cơn hen thường xảy ra về đêm và lúc sáng sớm, đa số bệnh nhân tự hết hoặc thông qua điều trị nhưng nếu chẩn đoán và điều trị sai có thể nguy hại đến tính mạng.
Kiểm soát hen phế quản bằng Y học cổ truyền?
Hen phế quản là bệnh gì?       
 
Hen suyễn là một bệnh viêm đường hô hấp gây ra bởi một loạt kích thích dẫn đến co thắt phế quản hồi phục hoàn toàn hoặc một phần. Triệu chứng và dấu hiệu bao gồm khó thở, tức ngực, ho, thở khò khè. Việc chẩn đoán được dựa trên tiền sử, khám lâm sàng và đo chức năng hô hấp. Điều trị liên quan đến kiểm soát các yếu tố khởi phát và điều trị bằng thuốc, thường dùng nhất là thuốc cường beta-2 và corticosteroid dạng hít. Cơn hen thường xảy ra về đêm và lúc sáng sớm, đa số bệnh nhân tự hết hoặc thông qua điều trị nhưng nếu chẩn đoán và điều trị sai có thể nguy hại đến tính mạng.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 150 triệu người mắc bệnh hen phế quản, trong đó khoảng 180.000 người tử vong. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong có xu thế ngày càng tăng và trở thành một trong những bệnh mạn tính gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Căn nguyên của hen phế quản?

Sự phát triển hen suyễn là do nhiều tác động và phụ thuộc vào sự tương tác giữa các gen nhạy cảm và các yếu tố môi trường.

Nhân tố môi trường là nguyên nhân của hen có thể bao gồm những yếu tố sau:

- Tiếp xúc với dị nguyên
- Chế độ ăn
- Yếu tố chu sinh

Các bằng chứng cho thấy có sự liên quan của các chất gây dị ứng trong gia đình (ví dụ: bụi, gián, vật nuôi) và các chất gây dị ứng môi trường khác đối với sự phát triển bệnh ở trẻ em và người lớn. Hen suyễn cũng liên quan đến các yếu tố chu sinh, chẳng hạn như bà mẹ sinh con khi còn quá trẻ, dinh dưỡng kém của bà mẹ, trẻ sơ sinh non tháng, trẻ sơ sinh nhẹ cân và thiếu sữa mẹ.

Yếu tố khởi phát cơn hen?

Các tác nhân phổ biến gây ra cơn hen bao gồm:

- Các dị nguyên trong môi trường và lao động (rất nhiều)
- Không khí lạnh, khô
- Nhiễm trùng
- Tập thể dục
- Hít phải chất kích thích
- Cảm xúc
- Aspirin và các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID)
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Tiên lượng về hen phế quản?

Bệnh hen suyễn gặp ở nhiều trẻ em, nhưng khoảng một phần tư trường hợp, thở khò khè vẫn tồn tại trong giai đoạn trưởng thành hoặc tái phát trong những năm sau đó. Giới nữ, hút thuốc, tuổi dậy thì sớm, nhạy cảm với bọ ve trong nhà là những yếu tố nguy cơ cho hen kéo dài và tái phát.

Mặc dù một số đáng kể ca tử vong hàng năm là do bệnh hen, hầu hết các ca tử vong đều có thể phòng ngừa khi điều trị. Do đó, tiên lượng bệnh sẽ tốt nếu được tiếp cận với điều trị đầy đủ và tuân thủ.

Mục tiêu điều trị hen phế quản?

Mục tiêu điều trị là giảm thiểu sự suy giảm chức năng hô hấp và các nguy cơ, bao gồm ngăn ngừa các đợt cấp và giảm thiểu các triệu chứng mạn tính, bao gồm cả thức tỉnh về đêm; để giảm nhu cầu nhập viện hoặc cấp cứu; duy trì chức năng phổi và mức hoạt động cơ bản (bình thường) và để tránh tác dụng điều trị bất lợi.

Hen phế quản theo y học cổ truyền?

Các triệu chứng mô tả trong bệnh hen phế quản thuộc phạm trù háo suyễn, háo chứng, suyễn chứng, khái thấu.

Y học cổ truyền cho rằng bệnh háo suyễn có vị trí bệnh tại phế, cơ chế do phế khí lưu thông bị trở ngại, ngoại tà là yếu tố thuận lợi phát bệnh.
Các thể bệnh theo y học cổ truyền

- Thời kỳ phát bệnh: Phong hàn phạm phế, hàn đàm trở phế, dương hư hàn đàm, phong nhiệt phạm phế, âm hư táo nhiệt…
- Thời kỳ ổn định: Phế khí bất túc, khí âm lưỡng hư, tỳ hư, thận dương bất túc, thận âm hư tổn, thận âm dương lưỡng hư.

Vai trò của y học cổ truyền trong điều trị hen phế quản?

Điều trị cơn hen phế quản cấp tính chủ yếu dùng các thuốc y học hiện đại để nhanh chóng cắt cơn, giảm tình trạng khó thở cho người bệnh. Tuy nhiên các thuốc tân dược này thường có nhiều tác dụng không mong muốn như làm tăng và rối loạn nhịp tim, kích ứng đường tiêu hóa…. Vì vậy nên điều trị kết hợp dùng các thuốc y học cổ truyền theo pháp tuyên phế hóa đàm, giáng khí bình suyễn…để tăng cường hiệu quả điều trị, nhanh chóng giảm liều và hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc tân dược.
 
Thời kỳ bệnh ổn định, tốt nhất là dùng y học cổ truyền để tăng cường thể trạng, nâng cao sức đề kháng, làm giảm nhẹ và dự phòng các cơn hen tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Ngoài dung thuốc, y học cổ truyền còn phối hợp với các phương pháp không dùng thuốc như:

- Châm cứu: các huyệt Đại chùy, Phế du, Túc tam lý, Thận du, Tỳ du, Quan nguyên….
- Nhĩ châm sử dụng: Định suyễn, Phế, Tỳ, Thận, Nội tiết, Giao cảm, Dưới vỏ, Thần môn… Mỗi lần cài 4-6 huyệt, mỗi tuần cài 1 lần.
- Thủy châm.
- Cấy chỉ.
- Xoa bóp bấm huyệt.
- Luyện tập dưỡng sinh.
 



 

Tác giả bài viết: BS CKII. Nguyễn Thị Diễm Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

daumau 01
KHOA KHAM BENH 01
KHAM SUC KHOE 01
mau banner quang cao 01
mau banner quang cao
DON VI CAN LAM SANG 01
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây