Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ tư - 19/10/2022 22:37
Tình trạng loãng xương được dự báo có xu hướng gia tăng nhanh và đang dần trẻ hoá. Sẽ có khoảng 4.5 triệu người bị loãng xương vào khoảng năm 2030, trong đó nữ giới chiếm trên 70%.
Ngày phòng chống loãng xương thế giới hằng năm được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu của người dân về việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị loãng xương.
Theo ước tính, số người mắc bệnh loãng xương ở Việt Nam năm 2019 có khoảng 3.2 triệu người, trong đó có hơn 2.4 triệu phụ nữ mắc bệnh loãng xương, trên 190.000 trường hợp gãy xương do loãng xương, 29.000 trường hợp gãy xương hông và số lượng phụ nữ trên 50 tuổi bị gãy lún đốt sống chiếm khoảng 23%.
Các nguyên nhân chính của bệnh loãng xương bao gồm:
- Lối sống sinh hoạt không hợp lý, ít vận động.
- Thường xuyên mang vác các vật nặng, lao động vất vả.
- Có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi.
- Giới tính: nữ giới có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhiều hơn nam giới.
- Lượng canxi cho quá trình tạo xương lúc trẻ không được bổ sung đầy đủ, dẫn đến việc khi về già, cùng với sự lão hóa, quá trình tạo xương giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra nhanh, mạnh khiến cho mật độ xương giảm sút, làm cho xương giòn và yếu, giảm sức chịu lực và dễ gãy hơn.
Một số dấu hiệu sau giúp phát hiện loãng xương:
- Đau, thường là đau lưng.
- Mất chiều cao theo thời gian.
- Còng lưng.
Những yếu tố nguy cơ gây ra loãng xương:
- Giới tính: ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh thì nguy cơ loãng xương tăng cao hơn hẳn so với nam giới cùng độ tuổi do tổng khối lượng xương thấp hơn.
- Tuổi tác: độ tuổi càng cao, càng có nguy cơ loãng xương.
- Kích thước cơ thể: những phụ nữ gầy và nhỏ con có nguy cơ bị loãng xương cao hơn.
- Tiền sử gia đình có người từng bị loãng xương hoặc gãy xương hông.
- Mãn kinh trước 45 tuổi.
- Đã từng bị gãy xương.
- Có các bệnh đi kèm như: bệnh nội tiết, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận hoặc hội chứng Cushing.
- Chủng người da trắng hoặc người châu Á.
Một số yếu tố nguy cơ khác:
- Nội tiết tố giới tính: nồng độ estrogen thấp do kinh nguyệt không đều hoặc thời kỳ mãn kinh có thể gây ra bệnh loãng xương ở phụ nữ. Trong khi đó, nồng độ testosterone thấp có thể gây ra loãng xương ở nam giới.
- Chế độ ăn ít hoặc thiếu canxi và vitamin D.
- Chán ăn tâm thần: chứng rối loạn ăn uống này có thể dẫn đến loãng xương.
- Dùng một số loại thuốc như corticosteroid hoặc heparin trong thời gian dài.
- Mức độ hoạt động: thiếu tập thể dục hoặc nghỉ ngơi tại giường lâu dài có thể gây yếu xương.
- Hút thuốc: thuốc lá rất có hại cho xương, cũng như tim và phổi.
- Uống rượu: uống quá nhiều rượu có thể làm xương yếu đi và dễ gãy.
Hậu quả của loãng xương:
Loãng xương thường không có hoặc có những triệu chứng âm thầm nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng như rạn – gãy xương. Gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, xương chậu,… đây cũng là các biến chứng nặng nề nhất có thể gây ảnh hưởng làm giảm chất lượng sống, đau đớn, mất khả năng vận động, tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Ngoài ra, người bệnh loãng xương còn có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, hô hấp, viêm khớp,… là các nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên phải nhập viện điều trị.
Do đó, việc duy trì các thói quen tốt giúp phòng ngừa loãng xương và các biến chứng do loãng xương gây ra như:
- Kiểm soát cân nặng.
- Ăn các thực phẩm giàu canxi.
- Thường xuyên chú ý đến các dấu hiệu đau bất thường.
- Không giảm cân quá nhanh.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Bổ sung canxi ở tuổi mãn kinh.
- Không dùng đồ hộp và nước ngọt.
- Không lạm dụng rượu – bia – thuốc lá.
- Tắm nắng.
- Thường xuyên uống sữa.
Theo dõi tình trạng sức khoẻ sau 45 tuổi thường xuyên và tham vấn bởi các chuyên gia về loãng xương là việc làm cần thiết để duy trì một cơ thể dẻo dai, một khung xương chắc khoẻ và duy trì chất lượng sống tối ưu.
Tác giả bài viết: UMC3 Communication
Trích nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3