Viêm dạ dày là gì?
- Đây là tình trạng viêm của lớp niêm mạc dạ dày, có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau nếu không điều trị, bao gồm loét dạ dày và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, viêm dạ dày có thể phòng tránh và điều trị được.
- Các triệu chứng của viêm dạ dày có thể bao gồm : Đau hoặc khó chịu ở vùng thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, cảm giác chướng hơi, đầy bụng khó tiêu, ăn mất ngon, giảm cân không giải thích được.
Nguyên nhân của bệnh viêm dạ dày?
- Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP) : Là nguyên nhân hay gặp nhất của viêm loét dạ dày - tá tràng, phổ biến ở người Việt Nam (ước tính 70%) do dễ lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc ăn uống, lây qua thức ăn và nước uống.
- Lạm dụng thuốc kháng viêm, giảm đau như: aspirin, ibuprofen, steroid… làm phá vỡ hàng rào bảo vệ của niêm mạc dạ dày.
- Lạm dụng rượu: là một trong những nguyên nhân chính gây kích ứng niêm mạc dạ dày, tác động đến dịch vị, gây ra các vấn đề sức khỏe đường ruột và dẫn đến viêm dạ dày.
- Stress, căng thẳng kéo dài.
- Chế độ ăn gây viêm: Một số loại thực phẩm gây viêm , bao gồm thực phẩm có tính axit, cay và nóng, thực phẩm chế biến hoặc đóng gói sẵn, caffeine... Hoặc ăn uống không đúng giờ hay ăn quá no cũng có thể gây ra các triệu chứng của viêm dạ dày.
- Thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin D, vitamin C và kẽm cũng có thể gây viêm dạ dày.
- Nghiện thuốc lá
Nguyên tắc ăn uống của người bệnh viêm dạ dày như thế nào?
1. Nấu chín, ninh nhừ thức ăn, không nên dùng thực phẩm ăn sống.
2. Nhai kỹ, ăn chậm.
3. Không ăn quá no một lúc mà chia thành nhiều bữa (4-5 bữa), ăn nhiều bữa để thường xuyên có tác dụng trung hòa acid, mỗi bữa nên ăn nhẹ để khỏi gây căng dạ dày vì căng dạ dày dễ kích thích tiết nhiều acid.
4. Không nên ăn quá nhiều canh dùng với bữa cơm.
5. Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.
Người bệnh viêm dạ dày cần chú ý ăn uống như thế nào ngày Tết?
- Tết là dịp gia đình sum họp, người người vui vẻ đón xuân. Vì quan niệm cả năm vất vả mới có một ngày Tết, vậy nên, không thể thiếu những bữa ăn với nhiều rượu, bia, đi kèm các loại đồ ăn nhiều đạm, chất béo khó tiêu (bánh chưng, giò, chả...), thực phẩm chua cay (dưa hành, rau của quả muối…). Đồng thời thói quen sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, ăn uống thất thường, thức khuya, dậy muộn… sẽ làm hệ tiêu hóa bị xáo trộn. Tất cả những điều này góp phần thúc đẩy khởi phát các cơn đau dạ dày, đặc biệt với những người có tiền sử viêm loét dạ dày, hoặc các bệnh lý về dạ dày mãn tính thì sẽ cảm nhận tình trạng đau rõ rệt hơn.
- Người đau dạ dày nên hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia và thuốc lá, không uống rượu bia khi đói.
- Ăn uống điều độ, đúng giờ và thành bữa, không ăn quá no. Hạn chế các thức ăn được chế biến dưới dạng chiên, xào khó tiêu, nhiều gia vị…đặc biệt là dưa hành và các loại rau củ quả muối. Thêm rau và trái cây vào bữa ăn.
- Không nên uống các loại nước kích thích như trà đặc, cà phê, nước ngọt có ga… nên thay bằng các loại nước trái cây, trà thảo dược ( trà hoa cúc, trà gừng...)
- Chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng bụng.
- Duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, không thức khuya, không vui chơi quá độ để ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tác giả bài viết: BS CKI. Nguyễn Thị Diễm Hương
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn