DANG KY KHAM BENH ZALO copy

PHỐI HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT

Chủ nhật - 12/06/2022 21:59
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra và có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, bệnh nhân có thể diễn biến nặng, sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
PHỐI HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT
Tác nhân gây bệnh là do virus Dengue với 4 type là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Triệu chứng lâm sàng: Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt và xuất huyết (xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt, mảng…; xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi, chảy máu chân răng,..; xuất huyết nội tạng: nôn ra máu, đại tiện ra máu..), ngoài ra bệnh nhân thấy đau đầu, đau cơ, nhức hai hốc mắt….

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm (thường từ ngày thứ 3-7 của bệnh) và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

Phân độ: Bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ (theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2009)
- Sốt xuất huyết Dengue.
- Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
- Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Y học cổ truyền

Y học cổ truyền xếp bệnh Sốt xuất huyết vào nhóm Ôn bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt tà tác động vào Vệ, Khí, Dinh, Huyết. Nhiệt độc tấn công vào phần Vệ khí gây sốt cao, vào phần Dinh gây ban chẩn (xung huyết), vào phần Huyết gây xuất huyết. 

Nguyên tắc điều trị cơ bản của Y học cổ truyền là thanh nhiệt giải độc lương huyết, chỉ huyết. Thanh nhiệt giải độc nhằm loại trừ nguyên nhân (nhiệt độc), lương huyết chỉ huyết nhằm làm mát huyết, đưa huyết về trạng thái bình thường và để cầm máu. Ngoài ra, ở giai đoạn hồi phục chủ yếu là nâng cao thể trạng.

Qua thực tiễn lâm sàng cho thấy, thuốc y học cổ truyền có tác dụng điều trị Sốt xuất huyết Dengue ở mức độ Sốt xuất huyết Dengue (theo phân loại WHO - 2009) điều trị rất hiệu quả ngay từ giai đoạn sớm của bệnh Sốt xuất huyết Dengue, giúp hạn chế bệnh chuyển thành mức độ nặng, chóng bình phục sức khỏe, góp phần phòng chống dịch Sốt xuất huyết Dengue hiệu quả, giảm chi phí điều trị.

Còn ở mức độ nặng hơn (Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc Sốt xuất huyết Dengue nặng (theo phân loại WHO - 2009), trên cơ sở điều trị bằng y học hiện đại, khi kết hợp điều trị với y học cổ truyền sẽ có tác dụng giảm các biến chứng, hồi phục nhanh và tốt hơn so với điều trị đơn thuần bằng y học hiện đại.

Giai đoạn sốt ứng với giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần vệ, phần khí. 
- Phép điều trị là sơ biểu, thanh nhiệt, giải độc.
- Các vị thuốc hay thường được sử dụng là: Lá dâu, Kim ngân hoa, Cúc hoa, Bạc hà, Liên kiều, Kinh giới, Hoắc hương, Sắn dây, Bạch thược, Cam thảo....

Giai đoạn nguy hiểm ứng với giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần khí, dinh và huyết
Theo Tây y, giai đoạn này người bệnh có các biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ) nên vật vã, bứt rứt hoặc li bì, đầu chi lạnh, da lạnh ẩm, tiểu ít,... và các dấu hiệu xuất huyết dưới da, ở niêm mạc và thậm chí là ở cơ quan nội tạng cơ thể (biểu hiện nặng của bệnh). Còn theo Đông y, giai đoạn này nhiệt độc đã xâm phạm phần dinh, phần huyết.
- Pháp điều trị là thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết.
- Các vị thuốc hay thường được sử dụng là: Trắc bá diệp (sao đen), Cỏ nhọ nồi, Hà diệp sao đen (Lá sen), Hòe hoa, Sài đất, Bồ công anh, Cối xay, Hạ khô thảo, Rau má, Trúc diệp,...

Giai đoạn hồi phục: Thời kỳ này chủ yếu nghỉ ngơi. Để tăng nhanh hiệu quả và nâng cao thể trạng, phục hồi sức khỏe, người bệnh có thể dùng thêm các thuốc y học cổ truyền có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm. 
- Các bài thuốc thường sử dụng là: Sinh mạch tán, Ích Vị thang gia vị, Sâm linh bạch truật tán gia giảm,...
- Hay có thể nấu các dạng canh bồi bổ với các dược liệu như: Trúc diệp, Nhân sâm, Ý dĩ, Hoài sơn, Thục địa, Mạch nha, Thiên ma, Sinh Cam thảo. Cho nước nấu canh uống mỗi ngày sau khi bệnh.

Khi bị có dấu hiệu nghi mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Cách phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi,diệt bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
 

Tác giả bài viết: BS. Bùi Thị Yến Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

daumau 01
KHOA KHAM BENH 01
KHAM SUC KHOE 01
mau banner quang cao 01
mau banner quang cao
DON VI CAN LAM SANG 01
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây