Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ hai - 27/02/2023 23:06
Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là tình trạng tĩnh mạch chi dưới bao gồm cả hệ thống tĩnh mạch sâu nằm trong khối cơ và hệ thống tĩnh mạch nông nằm dưới da bị giãn hoặc mất chức năng. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng rối loạn về huyết động học là do máu ứ trệ trong lòng tĩnh mạch và trở về tim khó khăn.
- Suy tĩnh mạch mạn tính: tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc hệ tĩnh mạch sâu, có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không.
- Giãn tĩnh mạch: là biến đổi bất thường về giải phẫu, đặc trưng bởi sự giãn bệnh lý (>3mm) của một hoặc nhiều tĩnh mạch nông.
- Giãn tĩnh mạch mạng nhện, dạng lưới: Giãn các tĩnh mạch nhỏ rất nông trong da (<1mm) hoặc dưới da.
Chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính
Người bệnh thấy đau tức 1, 2 chân, cảm giác chuột rút. Nặng 2 chân sau khi nằm, đứng, ngồi lâu, mất hoặc giảm khi đi lại. Đau nhiều khi có viêm tắc tĩnh mạch kèm theo các triệu chứng trên giảm vào buổi sáng, tăng dần về chiều. Siêu âm doppler mạch 2 chi dưới: Xác định rối loạn huyết động học, tình trạng các van, mức độ giãn của tĩnh mạch và các cục thuyên tắc trong lòng mạch.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ:
- Yếu tố gia đình, di truyền, chủng tộc...
- Nữ > nam, mang thai…
- Đứng lâu, khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.
- Béo phì.
- Tiền sử phẫu thuật vùng tiểu khung trong sản khoa và niệu khoa, các thủ thuật như bó bột, bất động lâu trong gãy xương chi dưới.
- Tăng áp lực ổ bụng do rặn tiểu, gắng sức khi đi ngoài.
Tiến triển và biến chứng
Tiến triển
- Còn bù: Tức, nặng mỏi chi dưới khi đứng lâu. Phù nhẹ cẳng và bàn chân cuối ngày, nghỉ ngơi hết phù. Tĩnh mạch nông giãn ít.
- Gần mất bù: Triệu chứng của thời kỳ còn bù nặng lên. Khi đi lại đau nhiều ở cẳng chân. Cẳng chân và mu chân phù, tím, không mất đi khi nghỉ ngơi. Các tĩnh mạch nông giãn thường xuyên.
- Mất bù: Tê chân, ngứa da. Đau chân nhiều khi đi bộ. Phù, tím... không mất khi nghỉ ngơi. Xuất hiện rối loạn dinh dưỡng và biến chứng: Viêm da, xơ cứng da, loét...
Biến chứng
- Thiểu dưỡng chân giãn tĩnh mạch nông: viêm da, loét, nhiễm trùng, chảy máu tại ổ loét....
- Viêm nghẽn tĩnh mạch sâu có thể gây tắc động mạch.
Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới theo Y học cổ truyền
Được mô tả trong 2 thể bệnh
- Khí huyết ứ trệ kinh lạc: Đau, tê, buốt vận động thì giảm. Phù nhẹ chân khi đứng hay ngồi lâu. Lưỡi đỏ hoặc có điểm ứ huyết.
- Đàm thấp ứ trệ kinh lạc: Tê, nặng, mỏi chi dưới. Phù chân nhiều. Thể tạng mập bệu, thừa cân. Mạch hoạt. Lưỡi to, bè, dày.
Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới
Điều trị nội khoa: đối với những trường hợp suy tĩnh mạch chưa có biến chứng. Ngoài những thuốc có tác dụng làm bền thành mạch, kháng viêm giảm đau… có thể phối hợp y học cổ truyền trong điều trị làm tăng hiệu quả, an toàn, giảm nhanh các triệu chứng:
Dùng thuốc: tùy từng thể bệnh có pháp trị và bài thuốc tương ứng.
Điều trị không dùng thuốc:
- Điện châm các huyệt: Trật biên, Phong thị, n môn, Uỷ trung, Thừa Sơn, Phong long…
- Nhĩ châm các huyệt Thần môn, đùi, đầu gối…
- Cấy chỉ các a thị huyệt vùng chân, các huyệt tương tự điện châm…
- Xoa bóp bấm huyệt. Một liệu trình từ 15-30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh. Thời gian xoa bóp từ 20-30 phút/1 lần. Các kỹ thuật: xoa, xát, miết, day, bóp, nhào vùng chân.
- Điều trị ngoại khoa: bằng phương pháp chích xơ, laser hoặc phẫu thuật đối với những trường hợp suy tĩnh mạch có biến chứng nặng, điều trị nội khoa không hiệu quả.
Phòng ngừa
- Thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc: không ngồi một chỗ hoặc đứng quá lâu. Cần thay đổi tư thế, duỗi và co chân thường xuyên để máu có thể lưu thông.
- Uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít nước/ngày.
- Mang tất thun hỗ trợ.
- Kiểm soát cân nặng.
- Để tránh bệnh biến chứng cần điều trị sớm.