cover cs3 for web1

Thoái hóa khớp gối nên điều trị như thế nào?

Chủ nhật - 26/06/2022 23:06
Thoái hoá khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn, nghiêng về phá hủy.
Thoái hóa khớp gối nên điều trị như thế nào?
Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hoá và chấn thương biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là các thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hoá, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn. Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% các trường hợp thoái hóa khớp gối.

Biểu hiện lâm sàng là đau âm ỉ, tăng khi vận động, khi thay đổi tư thế, giảm đau về đêm và khi nghỉ ngơi. Đau diễn biến thành từng đợt, dài ngắn tuỳ trường hợp, hết đợt có thể hết đau, sau đó tái phát đợt khác hoặc có thể đau liên tục tăng dần. Các động tác của khớp bước lên hoặc xuống cầu thang, đang ngồi ghế đứng dậy, ngồi xổm, đi bộ lâu xuất hiện cơn đau ...

Nguyên nhân của bệnh là gì?

- Thoái hoá khớp nguyên phát: Là nguyên nhân chính, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi. Ngoài ra có thể có yếu tố di truyền, yếu tố nội tiết và chuyển hoá (mãn kinh, đái tháo đường...) có thể gia tăng tình trạng thoái hóa.

- Thoái hoá khớp thứ phát: Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân có thể do sau các chấn thương khiến trục khớp thay đổi (gãy xương khớp, can xương lệch...); Các bất thường trục khớp gối bẩm sinh: khớp gối quay ra ngoài; Khớp gối quay vào trong; Khớp gối quá duỗi hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp gối (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ, bệnh gút, chảy máu trong khớp - bệnh Hemophilie…)

Điều trị kết hợp Đông Tây y như thế nào?

- Thuốc giảm đau: Acetaminophen, 
- Thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAIDs) như Celecoxib, Meloxicam,...
- Các thuốc bảo vệ sụn khớp: Chondroitine, Glucosamine, Piascledine, Diacerein,…
- Điều trị phối hợp Y học cổ truyền: Thuốc thang, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, chườm thảo dược,...
- Châm cứu các huyệt như: Độc tỵ, tất nhãn, huyết hải, lương khâu, dương lăng tuyền,...

Phòng bệnh như thế nào?

- Duy trì cân nặng lý tưởng
- Tập thể dục thường xuyên, ở mức độ thích hợp: tập vận động khớp, đạp xe, bơi lội, aerobic,…
- Tránh các tác động lực lên khớp gối có tính chất lặp đi lặp lại liên tục (do thói quen, nghề nghiệp, thể thao,…)
- Tránh chấn thương khớp gối
- Nghỉ ngơi và điều trị đầy đủ mỗi khi bị đau ở khớp gối.

Một trường hợp cụ thể

Người bệnh nữ, 65 tuổi, nhập viện vì đau khớp gối hai bên kèm cứng khớp, đi lại khó khăn. Qua thăm khám ghi nhận khớp gối hai bên không sưng, không nóng đỏ, dấu lạo xạo khớp gối hai bên, giới hạn vận động khớp gối. X-quang khớp gối ghi nhận hẹp khe khớp, gai xương. Sau hai tuần điều trị phối hợp bài thuốc thang phù hợp, châm cứu – xoa bóp và vật lý trị liệu hai khớp gối giảm đau nhiều, đi lại khá hơn, co duỗi gối dễ dàng.

Việc kết hợp Đông Tây y trong điều trị đem lại kết quả rất khả quan, đặc biệt các bệnh mãn tính như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, đột quị giai đoạn hồi phục,...

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 các bệnh lý cơ xương khớp trong đó có thoái hóa khớp gối được phối hợp các phương pháp Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong điều trị. Ngoài việc sử dụng các thang thuốc cổ phương và các thuốc Tây y (khi cần thiết), các phương pháp châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, luyện tập dưỡng sinh,… và vật lý trị liệu được ứng dụng để đẩy nhanh quá trình điều trị mang lại hiệu quả khả quan nhanh chóng, duy thì thời gian hồi phục cho người bệnh. 



 

Tác giả bài viết: Bác sĩ Âu Văn Khê

Trích nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

daumau 01
KHOA KHAM BENH 01
KHAM SUC KHOE 01
mau banner quang cao 01
mau banner quang cao
DON VI CAN LAM SANG 01
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây