Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ hai - 20/06/2022 01:04
Ngón tay lò xo (Trigger finger) là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây hẹp bao gân.
Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện hạt xơ, làm di động của gân gấp qua vị trí hạt xơ bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo. Vì vậy bệnh có tên là ngón tay lò xo.
Nguyên nhân
- Một số nghề nghiệp có nhiều nguy cơ mắc bệnh: Nông dân, giáo viên, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công...
- Chấn thương.
- Hậu quả của một số bệnh: Viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, viêm khớp vảy nến, gút....
Biểu hiện của viêm gân gấp ngón tay (ngón tay lò xo)
Dựa vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ:
- Đau ngón tay tại vị trí bao gân bị viêm và tại hạt xơ, khó cử động ngón tay.
- Ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế gấp vào lòng bàn tay hoặc duỗi thẳng.
- Khám ngón tay có thể có sưng.
- Có thể sờ thấy hạt xơ trên gân gấp ngón tay ở vị trí khớp đốt bàn ngón tay. Hạt xơ di động khi gấp duỗi ngón tay.
Hậu quả gây nên tình trạng đau, hạn chế cử động ngón tay nơi có tổn thương.
Viêm gân gấp ngón tay (ngón tay lò xo) có điều trị khỏi không?
Tùy vào nguyên nhân mà việc điều trị có khỏi hoàn toàn hay không.
Với y học hiện đại:
- Điều trị bảo tồn: Nẹp ngón tay buổi tối, giữ ấm bàn tay – ngón tay, hạn chế vận động mạnh, dùng các thuốc thuốc giảm đau kháng viêm đường uống hoặc tiêm NSAIDs.
- Điều trị phẫu thuật: Khi điều trị bảo tồn thất bại, Cắt ròng rọc A1.
Với y học cổ truyền: Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và các biểu hiện lâm sàng. Tùy từng hội chứng bệnh trên từng cá nhân cụ thể mà YHCT sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.
- Dùng thuốc: Sử dụng các vị thuốc Tán hàn thấp, thư gân mạch, Hoạt huyết thông kinh lạc. Như bài Ý dĩ nhân thang, Tứ vật thang đào hồng.
- Không dùng thuốc: Châm cứu (Hào châm, Điện châm, Nhĩ châm, Cấy chỉ, Laser châm...), xoa bóp bấm huyệt và tập luyện dưỡng sinh...
Dự phòng thế nào:
Tránh các yếu tố nguy cơ: Tránh các vi chấn thương. Phát hiện và điều trị đúng các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp, gút, thoái hoá khớp, đái tháo đường, nhiễm khuẩn. Chỉnh các dị tật gây lệch trục của chi.
Thận trọng khi sử dụng thuốc nhóm Quinolon và phát hiện sớm khi có triệu chứng gợi ý.
Cần lưu ý đến tư thế khi làm việc:
- Giữ cho bàn tay trên cùng mặt phẳng với cẳng tay.
- Không nắm dụng cụ quá mạnh.
- Không gõ bàn phím quá mạnh.
- Đổi tay nếu có thể được.
- Nghỉ thư giãn mỗi 15-20 phút.
- Giữ tay ấm.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Người bệnh cần đến gặp bác sĩ nếu triệu chứng đau kéo dài không giảm sau khi nghỉ ngơi, tránh tình trạng tự ý sử dụng thuốc và các phương pháp không đúng gây nhiều biến chứng không mông muốn.
Khi có các triệu chứng trên hãy đến cơ sở y tế uy tín để được khám, tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 đã và đang áp dụng nhiều phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, cấy chỉ, Laser châm, siêu âm, vật lý trị liệu, xoa bóp bấm huyệt ... trong điều trị VIÊM GÂN GẤP NGÓN TAY (NGÓN TAY LÒ XO) mang lại hiệu quả cho nhiều trường hợp người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện. Kết hợp với việc sử dụng các bài thuốc cổ phương được gia giảm theo thể trạng từng người bệnh nâng cao hiệu quả cũng như duy trì kết quả điều trị lâu dài.
Quý người bệnh có thể liên hệ Phòng điều trị theo yêu cầu (VIP) – Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 để được thăm khám và điều trị không chờ đợi.
Tác giả bài viết: Bác sĩ Nguyễn Phối Hiền
Trích nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3