Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ sáu - 10/11/2023 02:37
Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ung thư thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.
Ung thư phổi giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, người bệnh sẽ gặp phải các vấn đề về hô hấp không đặc hiệu như: ho, khó thở hoặc đau ngực khi ung thư phổi đã tiến triển. Các triệu chứng khác phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u. Những người bệnh nghi ngờ mắc bệnh ung thư phổi thường trải qua một số các xét nghiệm hình ảnh để xác định vị trí và mức độ lan rộng của khối u. Khoảng 15% trường hợp là ung thư phổi tế bào nhỏ và 85% còn lại là ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Điều trị ung thư phổi hiện nay bao gồm các phương pháp: phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, chăm sóc giảm nhẹ tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh. Tỷ lệ sống sót cao hơn ở những người được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn và ở độ tuổi trẻ hơn.
Theo Y học cổ truyền, ung thư phổi thuộc phạm vi chứng Phế nham, do sự rối loạn chức năng tạng phủ, dẫn đến chính khí hư suy, thủy thấp tích tụ lâu ngày sinh đàm, khí cơ mất tuyên thông, dần dần uất kết thành khối tích ở Phế. Các nghiên cứu trên thế giới đã phát hiện ra rằng, các vị thuốc Y học cổ truyền có thể điều chỉnh sự tăng sinh, chết theo chương trình của tế bào ung thư, ức chế sự hình thành tân sinh mạch của khối u, tăng cường hệ thống miễn dịch, từ đó ức chế sự phát triển và di căn của khối u. Bên cạnh đó, người bệnh ung thư phổi sau khi điều trị bằng các phương pháp Y học hiện đại sẽ để lại nhiều tác dụng phụ như nóng trong người, miệng khô khát, đắng miệng, người mệt mỏi, mất ngủ, đau mạn tính, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng kết hợp điều trị hỗ trợ bằng Y học cổ truyền sau các phương pháp điều trị Y học hiện đại trên người bệnh ung thư phổi, sẽ giúp người bệnh thuyên giảm các tác dụng phụ trên, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao tổng trạng.
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 đã tiếp nhận trường hợp người bệnh L.T.H.M, nữ, 61 tuổi, được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn IB, đã phẫu thuật và hóa trị. Cô M. đến khám vì các vấn đề: đau cổ vai kèm tê tay, người nóng, miệng khô và đắng, ăn uống không ngon, mệt mỏi, mất ngủ (mỗi đêm chỉ ngủ được 1 đến 2 tiếng), kèm theo hay bị tiêu chảy. Cô M. được kết hợp điều trị thuốc thảo dược Y học cổ truyền kết hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc như điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt. Sau quá trình điều trị, Cô M. giảm đau cổ vai, hết đắng miệng, giảm khô và nóng trong người, ngủ khá hơn, mỗi đêm ngủ được khoảng 5 tiếng, ăn uống cảm thấy ngon miệng hơn, giảm tiêu chảy, Cô M. cảm thấy người khỏe hơn. Sau khi xuất viện, Cô M. tiếp tục được kê đơn thuốc Y học cổ truyền điều trị ngoại trú và tái khám chuyên khoa ung bướu theo định kỳ.
Người bệnh ung thư phổi sau khi phát hiện cần thăm khám và điều trị kịp thời bằng các phương pháp điều trị Y học hiện đại và kết hợp hỗ trợ điều trị Y học cổ truyền. Không nên tự ý sử dụng các loại bài thuốc dân gian, chưa được kiểm chứng qua các nghiên cứu khoa học, để tránh làm tình trạng bệnh nặng hơn và làm chậm trễ thời gian điều trị.