DANG KY KHAM BENH ZALO copy

Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG ĐIỀU TRỊ CƯỜNG GIÁP

Thứ ba - 03/01/2023 21:37
Cường giáp là chức năng tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết, dẫn tới tiết nhiều hormone tuyến giáp hơn nhu cầu cơ thể cần. Nếu cường giáp không được phát hiện, điều trị và kiểm soát tốt sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh . Cường giáp kéo dài gây suy kiệt, loãng xương, teo cơ nặng, bệnh cơ tim, suy tim và rối loạn tâm thần…
Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG ĐIỀU TRỊ CƯỜNG GIÁP
Nguyên nhân gây cường giáp là gì?
 
Các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cường tuyến giáp bao gồm:
 
- Bệnh Basedow (Bệnh Graves): chiếm hơn 70% số trường hợp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ có độ tuổi từ 20-50 tuổi.
- Các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức: các nhân tuyến giáp thường lành tính, chỉ có 1 tỷ lệ rất nhỏ chứa tế bào ung thư. Điều này thường xuất hiện ở những người lớn tuổi.
- Viêm tuyến giáp: đây là tình trạng tuyến giáp bị viêm làm phá hủy cấu trúc thông thường của các nang tuyến giáp, dẫn đến hormone tuyến giáp dự trữ bị rò rỉ ra ngoài tuyến giáp.
- Viêm tuyến giáp bán cấp: Thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 30-50. Bệnh thường xảy ra sau khi nhiễm siêu vi vài tuần lễ với sưng, đau vùng cổ và biểu hiện triệu chứng cường giáp.
- Viêm tuyến giáp sau sinh: loại viêm tuyến giáp này phát triển trong vòng 1 năm sau khi phụ nữ sinh con.
- Viêm tuyến giáp âm thầm: loại viêm tuyến giáp này phát triển âm thầm vì nó không gây đau, mặc dù tuyến giáp có thể to lên.
- Tăng tiêu thụ i-ốt: tuyến giáp sử dụng i-ốt để tạo ra hormone tuyến giáp. Ở một số người, tiêu thụ một lượng lớn i-ốt có thể khiến tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp.
 
Triệu chứng của cường giáp là gì?
 
BN cảm giác sợ nóng bức trong người, đổ mồ hôi, uống nhiều, khát, ăn nhiều, mau đói, sụt cân, lòng bàn tay ấm, ẩm ướt, mọng nước.
- Thường gặp tiêu chảy không kèm đau quặn, 5-10 lần/ngày.
- Hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh.
- Có thể thay đổi tính tình, dễ bị kích thích hay tức giận, lo lắng, thích hoạt động.
- Có thể có rối loạn tâm thần.
- Đau đầu, chóng mặt, sợ ánh sáng, khó ngủ hay bị mất ngủ.
- Mặt đỏ, toát mồ hôi.
- Run tay biên độ nhỏ.
- Tuyến giáp to mức độ khác nhau.
- Chói mắt, cộm như có bụi bay vào, đau nhức hố mắt, chảy nước mắt. Lồi mắt có thể kèm theo phù nề mi mắt, kết mạc, giác mạc, sung huyết, đau khi liếc. Nếu lồi mắt nặng tổn thương dây thị giác gây mù.
- Nữ: rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, teo tử cung, buồng trứng hoặc tuyến sữa, có thể sảy thai hoặc vô sinh.
- Nam: giảm ham muốn tình dục, vú to...
- Rối loạn chức năng tuyến thượng thận: bệnh nặng và kéo dài sẽ giảm tổng hợp, giải phóng hormone cortisol dẫn đến mệt mỏi, sạm da, hạ huyết áp.
 
Điều trị cường giáp như thế nào?
 
Cường giáp là danh từ bệnh học y học hiện đại (YHHĐ) và không có từ đồng nghĩa trong bệnh học y học cổ truyền (YHCT). Từ đồng nghĩa giữa YHHĐ và YHCT là các triệu chứng (ví dụ như: “ hồi hộp” với “tâm quý”, “mất ngủ”  với “thất miên” Như vậy, có thể tốm tắt các triệu chứng cơ năng thường gặp trong bệnh cường giáp gồm:
 
- Sụt cân: YHCT xếp vào chứng hư lao.
- Mất ngủ: YHCT xếp vào chứng thất miên.
- Hồi hộp: YHCT xếp vào chứng tâm quý.
- Nóng trong người: YHCT xếp vào chứng phát nhiệt.
- Khát, thèm ăn nhiều: YHCT xếp vào chứng tiêu khát.
- Đổ mồ hôi: YHCT xếp vào chứng đạo hãn.
 
Thuốc thang: tùy vào từng thể bệnh cụ thể như : can khí uất kết, tâm âm hư, can thận âm hư, vị nhiệt tích thịnh...mà bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc và gia giảm hợp lý. Trong đó, các bài thuốc thường được sử dụng và có hiệu quả điều trị tốt như: tiểu sài hồ thang, bổ tâm đơn gia giảm, lục vị gia giảm, ngọc nữ tiễn... Các bài thuốc có tác dụng sơ can giải uất, dưỡng tâm an thần, tư âm sinh tân, tư bổ can thận, thanh vị tả hỏa ...
 
Điều trị không dùng thuốc:

- Thể châm: thiên song, nhu hội, khí xá, phù đột, thiên đột, trung phủ, đản trung, hợp cốc, liệt khuyết.
- Nhĩ châm: nội tiết, dưới vỏ, tuyến giáp.
 
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
 
- Tránh những thực phẩm có chứa hàm lượng iod cao như: muối, rong biển.
- Tránh dùng sữa tươi nguyên kem do chứa nhiều chất béo, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa.
- Tránh đồ uống có cồn như: rượu, bia, cà phê.
- Nên dùng thực phẩm giàu đạm, vitamin D, omega 3 như: cá hồi, các loại nấm, dầu oliu, quả óc chó, các loại rau củ quả họ đậu…



 

Tác giả bài viết: BS CKI. Lâm Nguyễn Thùy An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

daumau 01
KHOA KHAM BENH 01
KHAM SUC KHOE 01
mau banner quang cao 01
mau banner quang cao
DON VI CAN LAM SANG 01
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây