HIỂM HOẠ KHÔN LƯỜNG KHI DÙNG THAN SƯỞI ẤM



BS. Phạm Ánh Ngân

Khoa Y học cổ truyền

Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3

Vào đông, khí hậu chuyển lạnh, ở một số nơi, người dân vẫn còn giữ thói quen sưởi ấm từ việc đốt nhiên liệu rắn như: than đá, gỗ,... Đặc biệt, một số gia đình còn giữ quan niệm hơ ấm cho bé mới sanh bằng lò than, hoặc xông cho người mẹ đang kỳ ở cữ.

Trong khói than chứa nhiều thành phần độc hại như: cacbon monoxit (CO), CO2, nitơ oxit (NOx) và một số chất khác như lưu huỳnh oxit (SOx), muội than, hydrocacbon chưa cháy hết (CnHm), fomandehit (HCHO),… Các chất này khi tỏa ra trong không khí sẽ gây ảnh hưởng trực trực tiếp tới sức khỏe con người. Nó có thể là tác nhân khởi phát cơn khó thở đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người bệnh hen suyễn, cũng là tác nhân gây ngạt rất nguy hiểm với hệ hô hấp non nớt của trẻ em. Tiếp xúc thường xuyên với khói than làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi.

Trong y văn ghi nhận một bệnh lý phổi gặp ở những phụ nữ vùng nông thôn khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, liên quan đến việc tiếp xúc lâu dài với khói than, đó là bệnh "Xơ phổi than phế quản" hay bệnh "Bụi phổi". Các mô sâu ở trong phổi dày lên, cứng hơn do mất tính đàn hồi và tạo sẹo, làm hạn chế chức năng hô hấp.

Khói than, bụi bồ hóng, cũng là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe người lớn tuổi, đặc biệt những người có bệnh lý tim mạch, bệnh nhân ung thư, thể trạng suy yếu. Phụ nữ mang thai nếu tiếp xúc với khói than lâu ngày có nguy cơ sẩy thai, dị tật bào thai.

Ngộ độc khí CO là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người ngạt khói. Vào mùa lạnh, việc đốt than để sưởi ấm tăng lên, số ca nhập viện vì ngộ độc khí CO cũng tăng theo. CO khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch của phổi vào máu, cạnh tranh với oxy, dẫn tới nhân Heme trong hồng cầu không gắn với oxy được nữa. Biểu hiện ngộ độc khí CO bao gồm: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi tri giác, co giật, hôn mê. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

Từ những tác hại của khói than nói trên, khuyến cáo người dân không sử dụng than đá để sưởi ấm. Không dùng để xông, hơ cho mẹ và bé nhỏ. Đối với gia đình còn sử dụng chất đốt là nhiên liệu rắn như than, củi,... vị trí đun nấu nên cách xa phòng ngủ, có ống thông khói và đặt ở nơi thoáng đãng, vệ sinh thường xuyên. Để làm ấm cơ thể vào mùa lạnh, chúng ta có thể thêm chút gia vị trong món ăn như gừng, tiêu, tỏi; sử dụng trà quế, trà gừng vừa giữ ấm cơ thể, vừa tăng sức đề kháng. Việc giữ thói quen tập luyện thể thao mỗi ngày cũng là một phương pháp giúp giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh.









Để cập nhật thông tin Y tế nhanh chóng và tin cậy, xin truy cập:

Fanpage:
https://www.facebook.com/benhviendaihocyduoccoso3/

Zalo Official Account:
https://zalo.me/bvdhyd3

Để được tư vấn và khám bệnh, vui lòng đăng ký tại Bệnh viện Đại Học Y Dược - Cơ sở 3
Địa chỉ: 221B Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Thời gian phát số khám bệnh từ thứ Hai đến thứ Sáu: 06h00 - 16h30, thứ Bảy: 06h00 - 11h30.

Xem lịch khám của bác sĩ tại Website:
https://bvdaihoccoso3.com.vn/
- Điện thoại: (028) 38420070 / 38444771