Sụp mi sau chấn thương là tình trạng thần kinh hoặc cơ nâng mi bị tổn thương, biểu hiện thường là sụp mi hoàn toàn, che kín toàn bộ lòng đen xuất hiện sau chấn thương mắt hay chấn thương sọ não, gây ảnh hưởng đến chức năng thị giác và thẩm mỹ của người bệnh. Sụp mi có thể xuất hiện đơn độc hay đi kèm các tổn thương nhãn cầu hoặc liệt các dây thần kinh vận nhãn khác gây ra lác, song thị.
Điều trị sụp mi được chỉ định dựa theo mức độ sụp mi, tuổi bệnh nhân, loại sụp mi, nguy cơ sụp mi gây giảm thị lực và khả năng vận động của cơ nâng mi. Trong đó, việc phục hồi vận động cho cơ nâng mi được hỗ trợ bằng các phương pháp châm cứu và xoa bóp day ấn huyệt mang lại hiệu quả tốt.
Điều trị như thế nào?
- Phẫu thuật là điều trị chủ yếu đối với nhóm sụp mi sau chấn thương gây tổn thương thần kinh III, hay cơ nâng mi.
- Y học cổ truyền có các phương pháp không dùng thuốc có thể tác động hỗ trợ lên nhóm bệnh lý này nhờ vào châm cứu các huyệt tại chỗ quanh mắt kết hợp với day ấn huyệt.
- Nghiên cứu hồi cứu trên dữ liệu thống kê từ 1954 đến 2016 của tác giả Fangyuan Zhi cùng cộng sự tại Thượng Hải, công bố năm 2018 cho thấy tác dụng của châm cứu lên 1 số bệnh nhãn khoa dựa trên các nghiên cứu lâm sàng. Tỉ lệ đạt hiệu quả tốt chiếm gần 90% trong số 176.469 người bệnh được điều trị. Trong số 47 bệnh về mắt được nêu trong bài báo cáo, nhóm bệnh về tổn thương cơ nâng mi được nhắc đến như là bệnh lý có thể mang lại hiệu quả tốt khi dùng châm cứu các huyệt nhãn khoa: Toán trúc, Tinh minh, Thái dương. Nghiên cứu cũng nhắc tới việc cần phối hợp liệu pháp day ấn xoa bóp tại chỗ để tăng hiệu quả điều trị.
- Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng trên 58 trường hợp sụp mi, nhằm so sánh hiệu quả của thể châm thông thường và châm cứu theo phương pháp Tongdu jiaoin (Thông đốc điều thần châm pháp) tại Bệnh viện Trung Y Hồ Nam (Trung Quốc) của tác giả Xue hui Shi cùng cộng sự công bố năm 2008 cho thấy kết quả là rất tốt trên cả hai nhóm châm huyệt thông thường: Toán trúc, Dương bạch và Ty trúc không. Và châm theo Tongdu Taojin: Bách hội, Phong trì và Ấn đường. Các nhóm này đều có kết quả hồi phục tốt hơn 40%.
Một trường hợp cụ thể tại Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3:
Người bệnh nam, 21 tuổi, đến khám bệnh vì sụp mi mắt P sau chấn thương sọ não, độ rộng khe mi lúc nhập viện < 1mm, đồng tử P dãn rộng khoảng 4 mm. Sau hơn 3 tuần điều trị bằng phương pháp hào châm, cứu ấm, xoa bóp day ấn huyệt và tập vật lý trị liệu, độ rộng khe mi khoảng 2 mm, đồng tử P dãn rộng khoảng 2mm.
Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3 kết hợp với các phương pháp điều trị như thể châm, lazer châm, nhĩ châm, cấy chỉ, cứu ấm, xoa bóp day ấn huyệt…nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh.
Người bệnh nên đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng bất thường về mi mắt để được kết hợp điều trị kịp thời, lựa chọn phương pháp phù hợp giúp quá trình hồi phục hiệu quả hơn.
BS CKI. Nguyễn Trần Như Thủy
Khoa Y học cổ truyền
Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3