“MASKNE” – cụm từ thường được nhắc đến gần đây, bên cạnh các từ xuất hiện trong đợt dịch COVID - 19 từ đầu năm nay như “Self – isolate: tự cách ly, “Lockdown: phong tỏa”. Đó là sự kết hợp của hai từ “MASK” - Khẩu trang và “ANCE” - mụn. Khi bạn nói chuyện và thở, khẩu trang sẽ chứa một lượng khí nóng ẩm cộng với thời tiết nóng là môi trường tốt cho sự phát triển của các loại vi khuẩn - nấm - và vi sinh vật trên da phát triển. Nhân viên y tế và lực lượng xung phong tuyến đầu phòng dịch là những người dễ bị “Maskne”.
Việc giữ vệ sinh da trước và sau khi đeo khẩu trang là rất quan trọng để tạo nên sự cân bằng cần thiết cho da. Chúng ta nên xây dựng thói quen chăm sóc da mỗi ngày. Đối với da dầu hoặc đang điều trị mụn thì chỉ cần một lớp mỏng kem dưỡng ẩm, với da nhạy cảm, bị khô hay có vùng bị chàm hóa, cần một lớp dưỡng ẩm dày hơn để đạt sự cân bằng. Sử dụng kem chống nắng là cần thiết, với loại kem có chứa thành phần kẽm hoặc titanium có thể giúp tạo nên rào chắn bảo vệ da bạn khỏi mụn. Nên sử dụng kem chống nắng ngay cả khi không ra ngoài trời vì các ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trong nhà cũng ảnh hưởng đến da.
Nếu bạn phải đeo khẩu trang trong thời gian dài và không thể rửa mặt thường xuyên, một lớp nước cân bằng da (toner) chứa alpha hydroxy acid có thể vừa làm sạch da vừa ngăn ngừa bụi bẩn. Với những loại sữa rửa mặt có chứa ketoconazole hoặc selenium sulfide giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm men, đặc biệt ở vị trí xung quanh mũi và miệng, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng.
Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng những sản phẩm giàu hoạt chất chỉ khi về buổi đêm. Như sản phẩm chứa retinol, cần giảm số lần dùng trong ngày lại nếu bạn vẫn phải mang khẩu trang và không có nhiều điều kiện cung cấp ẩm cho da.
Lưu ý phải tẩy trang cẩn thận và nếu có thể, giảm trang điểm khi bạn phải đeo khẩu trang trong khoảng thời gian dài. Môi trường ẩm, không thoáng khí dưới lớp khẩu trang cùng với lớp kem nền trang điểm làm cản trở sự “thở” của da, các lỗ chân lông sẽ bị che lấp nhiều hơn và mụn vì thế có nhiều cơ hội để phát triển.
Nếu da mặt nổi chấm đỏ, ngứa khi đeo khẩu trang, người bệnh nên đến khám chuyên gia vì có thể dị ứng với một số thành phần trong khẩu trang như gọng kim loại, sợi vải, dây cao su, phẩm nhuộm vải,...gây kích ứng da.
Nếu đã chăm sóc da - vệ sinh mỗi ngày và điều trị mụn tích cực mà vẫn bị chúng tấn công, chúng ta cần chú ý đến hai yếu tố nữa: áp lực (stress) và chế độ ăn. Một chế độ ăn giàu đường tạo thuận lợi cho mụn phát triển. Nên hạn chế bánh kẹo ngọt, thay vào đó là các loại nước ép từ trái và rau củ (cà chua, cần tây, táo, lê,...) sẽ cung cấp thêm dưỡng chất cho da.
Theo Y học cổ truyền, có những vị thuốc dân gian được sử dụng để làm đẹp da như:
Dùng ruột bí đao pha nước rửa mặt là phương thuốc quen thuộc giúp sáng da mà ông bà xưa thường dùng.
Hoa mận đem giã nát, hòa vào nước rửa mặt cũng là một phương quen thuộc của người xưa.
Thiên môn đông phơi khô giã nhỏ, trộn với mật ong thành viên, hằng ngày dùng thuốc đó hòa nước rửa mặt, giúp da trắng và căng mịn.
Sữa ong chúa, sữa bò hay sữa dê dùng để thoa ngoài cũng có tác dụng làm dịu da viêm do mụn, cung cấp dưỡng chất cho da.
BS. Phạm Ánh Ngân
Khoa Y học cổ truyền
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3