Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3https://bvdaihoccoso3.com.vn/coso3/uploads/logo-site.png
Thứ tư - 04/08/2021 22:00
Chúng ta biết rằng đường lây truyền của virus COVID-19 thông qua đường hô hấp như giọt bắn, hạt khí dung, không khí; khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, hoặc tiếp xúc qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh. Vì vậy việc tạo lập một số thói quen sinh hoạt sẽ giúp giảm lây lan mầm bệnh trong môi trường sống.
Các hành động nói to, ca hát, ho và nhất là hắt hơi sẽ làm lan truyền các giọt bắn lơ lửng trong môi trường không khí. Vì vậy việc che chắn vùng mặt là rất quan trọng. Một chiếc khẩu trang vừa vặn, khít với khuôn mặt, giúp cố định tốt hạn chế những động tác điều chỉnh hay một tấm chắn giọt bắn sẽ hạn chế được phần nào nguy cơ hít phải các giọt bắn chứa virus.
Vậy nếu nhà đông người (5 - 7 người) có cần đeo khẩu trang trong nhà không? Nếu gia đình bạn đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị giãn cách, không ai ra ngoài đi làm việc hay tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang 24/7. Chỉ khi trong gia đình bạn vẫn có người phải đi làm, tiếp xúc với môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ, hay có một số dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh thì họ phải đeo khẩu trang khi giao tiếp với người thân trong nhà.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khẩu trang chỉ là một phần trong các nguyên tắc an toàn khi giao tiếp trong “mùa dịch”, chúng ta luôn phải kết hợp với các biện pháp an toàn khác (giữ khoảng cách, rửa tay, vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc). Hãy nhớ rằng vai trò chính của khẩu trang là ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Theo WHO khoảng thời gian virus tồn tại trên các bề mặt phụ thuộc vào nhiều biến số: loại chất liệu bề mặt, nhiệt độ (4 - 20 độ C), độ ẩm,… Trung bình mầm bệnh tồn tại ở trạng thái lây nhiễm trên các bề mặt trong một vài giờ đến một vài ngày (đa phần tối đa khoảng 5 ngày). Thời gian tồn tại trên một số bề mặt: nhôm 2 - 8 giờ, găng tay trong 8 giờ, gỗ 4 - 5 ngày, giấy 3 - 5 ngày, kính 4 ngày, nhựa plastic và kim loại trong khoảng 5 ngày,…
Theo CDC làm sạch các bề mặt bị bẩn, sau đó khử trùng các bề mặt này là một biện pháp thực hành tốt nhất để phòng ngừa COVID-19 và các bệnh hô hấp khác do virus gây ra trong cộng đồng. Việc làm sạch và khử trùng là không giống nhau:
Làm sạch có nghĩa là loại bỏ mầm bệnh, bụi bẩn, tạp chất ra khỏi bề mặt. Nó không giết chết mầm bệnh nhưng làm giảm số lượng của chúng trên bề mặt. Làm sạch các bề mặt có thể nhìn thấy bẩn bằng chất tẩy rửa gia dụng có chứa xà phòng hoặc chất tẩy rửa. Nên làm sạch thường xuyên hơn khi bạn nghi ngờ gia đình có người nhiễm bệnh.
Khử trùng là sử dụng các hóa chất do cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) đăng ký để tiêu diệt mầm bệnh trên bề mặt. Việc này được thực hiện sau khi làm sạch và nó có thể làm giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh hơn nữa. Sản phầm khử trùng được EPA chấp thuận như Lysol hoặc Clorox. Hoặc một cách đơn giản hơn chúng ta có thể thực hiện khử trùng bề mặt có thể với Natri hypoclorid 0,1% hoặc Ethanol 62 - 71% trong vòng 1 phút. Mục đích của việc khử trùng bề mặt tại nhà là CẦN THIẾT KHI trong nhà bạn có người bị bệnh hoặc người nào đó dương tính với COVID-19 đã ở trong nhà bạn trong vòng 24 giờ qua.
Như vậy khi nào chúng ta thực hiện và làm như thế nào mới tốt?
Ưu tiên làm sạch và khử trùng (bằng khăn lau hoặc cồn có nồng độ ít nhất từ 60% - 70 %) các bề mặt thường xuyên chạm vào như điện thoại, máy tính bảng, màn hình cảm ứng, bàn phím, tay nắm cửa, công tắc đèn, điều khiển từ xa, mặt bàn, mặt ghế, nút bấm cầu thang, các tay cầm của vòi nước, vòi bồn cầu,…
Đối với các bề mặt mềm (thảm, màn, chăn ga, quần áo): Xà phòng và nước ấm có tác dụng rất tốt trong việc làm mất tính ổn định màng của virus (phá hủy màng lipid chứa virus). Nên sử dụng nước ấm và bột giặt thông thường là đủ, có thể sử dụng một số chất tẩy rửa chuyên dụng cho các bề mặt này. Chú ý khi giặt không giũ quần áo bẩn (vì có thể làm lây lan mầm bệnh trong không khí); nên dùng nước có độ ấm tối đa, thích hợp với loại vải và phải làm khô hoàn toàn sau giặt (bằng các hình thức phơi nắng, sấy).
Đối với các thiết bị điện tử sử dụng hàng ngày nên sử dụng một tấm che có thể lau được để dán lên bề mặt các thiết bị điện tử dễ dàng. Sử dụng khăn lau hoặc thuốc dạng xịt có chứa 70% cồn để khử trùng, sau đó lau khô bề mặt hoàn toàn.
Đảm bảo thông gió trong khi sử dụng bất kỳ chất khử trùng nào bằng cách giữ cho cửa ra vào, cửa sổ mở, dùng quạt để cải thiện luồng không khí, KHÔNG NÊN đóng kín cửa và bật máy lạnh quá lâu trong ngày.
Mang găng tay khi làm sạch và khử trùng. Sau khi thao tác xong hãy rửa tay ngay lập tức (sau tháo găng) với xà phòng và nước ít nhất trong 20 giây. Nếu hút bụi trong khu vực có người bệnh hoặc người dương tính COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, phải đeo khẩu trang khi thưc hiện. Đeo găng tay và khẩu trang khi giặt đồ cho người bị bệnh, làm sạch khay đựng quần áo và giỏ đựng, rửa tay ngay sau khi xử lý quần áo bẩn.
Nếu ai đó bị nhiễm virus, phải mất vài ngày để họ cảm nhận thấy mình bị nhiễm bệnh hoặc có triệu chứng ốm, thậm chí có khi họ không có triệu chứng. Và trong khoảng thời gian đó vô tình lây nhiễm virus cho những người mà họ đã tiếp xúc gần.
Nếu bạn nằm trong vùng nguy cơ cao và rất cao nên ở nhà càng nhiều càng tốt, tránh ra khỏi nhà, giao tiếp với hàng xóm, đi lại tới những vùng có người bệnh. Hoặc nếu bắt buộc phải ra ngoài, phải tiếp xúc như đi chợ cho gia đình, gặp shipper nhận hàng,… thì phải thực hiện các nguyên tắc (khoảng cách – khẩu trang – rửa tay) để hạn chế tối thiểu nguy cơ và đảm bảo an toàn tương đối cho bạn và gia đình.
Bàn tay là nơi có nhiều khả năng tiếp xúc với các bề mặt có mầm bệnh và sau đó nguy cơ cao bạn đưa tay chạm vào mặt, mũi, miệng - đây là đường lây truyền đầy tiềm năng của nhiều loại virus, vi khuẩn. Không nhất thiết phải kỳ cọ quá nhiều lần trong ngày toàn bộ cơ thể, thay vì đó hãy rửa tay ngay ít nhất 20 giây với xà phòng và nước sau khi nhận hàng hoặc ngay sau khi đi chợ về, trước khi ăn bất cứ thứ gì, sau khi đi vệ sinh hay khi thấy tay bẩn. Khi trở về từ các hoạt động bên ngoài bạn nên thay quần áo ra để giặt, rửa tay và có thể tắm với nước và xà phòng.
Theo CDC, khả năng virus tồn tại trên bề mặt thực phẩm và bao bì thực phẩm là rất thấp. Quá trình nấu chín với nhiệt độ cao cũng góp phần bất hoạt virus, vì vậy không nên “tắm cồn” cho thực phầm sau khi mua về.
TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU MUỐN CÓ CƠ HỘI ĐỂ CÓ MỘT CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG HƠN, ĐƯỢC MỞ LOẠI CÁC CƠ SỞ KINH DOANH, HÌNH THỨC DỊCH VỤ, VÀ ĐƯA CON CÁI TỚI TRƯỜNG MỘT CÁCH AN TOÀN. Ý THỨC VÀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CHÚNG TA THỰC HIỆN HÔM NAY SẼ QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA VÀO NHỮNG THÁNG KẾ TIẾP.