Đột quỵ hay tai biến mạch máu não (TBMMN) là một bệnh lý tim mạch và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là một hội chứng lâm sàng bao gồm "các dấu hiệu rối loạn chức năng của não (khu trú hoặc toàn thể) phát triển nhanh, kéo dài từ 24 giờ trở lên hoặc dẫn đến tử vong, mà không xác định nguyên nhân nào khác ngoài căn nguyên mạch máu". Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra khuyết tật trầm trọng ở người lớn trên thế giới. Trên toàn cầu, chỉ có 15-30% người bệnh sống sót sau đột quỵ độc lập về chức năngvà khoảng 40-50% độc lập một phần.Sự hồi phục sau đột quỵ phụ thuộc vào can thiệp y học, hồi phục tự nhiên, Phục hồi chức năng và các dịch vụ xã hội. Bởi vì quá trình phục hồi của mỗi người bệnh là khác nhau, tất cả người bệnh cần được chăm sóc phục hồi phức tạp và theo từng trường hợp cụ thể.
Đột quỵ không chỉ là một tình trạng cấp tính mà còn gây ra các khiếm khuyết, giới hạn hoạt động và hạn chế sự tham gia kéo dài. Để xử lý tốt nhất nhiều loại rối loạn về thể chất, nhận thức và cảm xúc, các người bệnh đột quỵ cần chăm sóc Phục hồi chức năng kết hợp liên tục bắt đầu tại bệnh viện ở giai đoạn cấp và chủ động theo dõi và hỗ trợ người bệnh khi họ chuyển qua các giai đoạn Phục hồi chức năng bán cấp và mạn tính.
Quá trình hồi phục bao gồm bốn giai đoạn, ở các giai đoạn sẽ có các vấn đề khác nhau về sức khỏe và mục tiêu chăm sóc khác nhau cho người bệnh.
Đột quỵ gây ra nhiều thay đổi trên sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên mức độ và phạm vi ảnh hưởng của đột quỵ là không giống nhau ở mỗi trường hợp tùy thuộc vào mức độ tổn thương, khả năng hồi phục, giai đoạn bệnh, điều trị y tế được thụ hưởng… Dưới đây là liệt kê các vấn đề thường gặp đối với nhóm bệnh nhân đột quỵ nói chung. Đối với mỗi người bệnh cụ thể cần được thăm khám và đánh giá chi tiết. Các vấn đề người bệnh đột quỵ có thể gặp phải:
1. Khó nuốt: Khó nuốt làm tăng nguy cơ các biến chứng như viêm phổi do hít phải (viêm phổi hít), mất nước và suy dinh dưỡng. Các biến chứng thường kết hợp với tình trạng chảy nước dãi quá mức, cũng thường gặp trong đột quỵ. Khó nuốt cũng dẫn đến các hậu quả xấu như tử vong, nhiễm trùng hô hấp và khuyết tật.2. Thay đổi trong trương lực cơ:
Giảm trương lực cơ: giai đoạn đầu của đột quỵ, trương lực cơ giảm ở một bên cơ thể, có thể ở chi trên, chi dưới, thân mình và đầu/cổ. Hậu quả của giảm trương lực cơ có thể là nguy cơ chấn thương cao và mất vận động chức năng.
Tăng trương lực cơ (Co cứng): thường gặp ở giai đoạn mạn của bệnh; co cứng được định nghĩa là tăng hoạt tính của phản xạ kéo căng ở các cơ xương không tự ý, liên tục hoặc không liên tục. Co cứng có liên quan đến tổn thương thần kinh trung ương. Có những quan điểm trái ngược nhau về việc liệu co cứng trong đột quỵ là khiếm khuyết nguyên phát hay là thứ phát. Co cứng là một trong những nguyên nhân cơ bản của giảm khả năng di chuyển, co rút mô mềm, đau (đặc biệt là ở vai) và tình trạng tăng hoạt cơ quá mức.
3. Rối loạn cảm giác
Các thay đổi về cảm giác có thể xảy ra ở 85% người bệnh đột quỵ. Khiếm khuyết cảm giác có thể dẫn đến giảm vận động chủ động và làm tăng nguy cơ tổn thương do chấn thương (té ngã, bỏng…).
4. Khó khăn trong giao tiếp
Mất ngôn ngữ (aphasia) ảnh hưởng đến khả năng nói và/hoặc viết và/hoặc hiểu ngôn ngữ nói và viết trong khi các khả năng nhận thức khác tương đối còn nguyên vẹn. Mất ngôn ngữ là một tình trạng kéo dài làm thay đổi cuộc sống, ảnh hưởng đến cả cá nhân và những người khác xung quanh về kiểu giao tiếp, lối sống, bản sắc …. Mất ngôn ngữ có thể cùng tồn tại với các khiếm khuyết nhận thức khác.Loạn vận ngôn (Dysarthria) có thể ảnh hưởng lớn đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Loạn vận ngôn là một khiếm khuyết về lời nói do vận động với mức độ nặng nhẹ khác nhau ảnh hưởng đến sự rõ ràng của lời nói, chất lượng /âm lượng giọng nói và khả năng hiểu được nói chung.
5. Ảnh hưởng chức năng chi trên
Trong đột quỵ, chi trên có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn chi dưới.
6. Giảm cơ lực
Đột quỵ gây yếu cơ, gia tăng cơ lực tạo thuận vận động và giúp lấy lại chức năng, các bài tập cơ lực có thể giúp cải thiện tâm lý.
7. Các vấn đề về dáng đi, thăng bằng, di chuyển và đi lại:
Đi thường là ưu tiên hàng đầu của người bệnh đột quỵ.
8. Co rút
Co rút là sự rút ngắn các mô mềm làm giảm tầm vận động khớp do các khiếm khuyết (ví dụ như yếu cơ hoặc co cứng) và đặt tư thế xấu kéo dài. Co rút có thể dẫn đến các thay đổi trong cấu trúc xương. Thường gặp là mất vận động xoay ngoài vai, duỗi khuỷu, quay ngửa cẳng tay, duỗi cổ tay và ngón tay và dạng ngón cái, gấp mu cổ chân và xoay trong khớp háng. Những người bệnh bị yếu liệt cơ nặng đặc biệt dễ có nguy cơ hình thành co rút bởi vì bất kỳ khớp hoặc cơ nào không được di chuyển hoặc kéo dài đều đặn đều có nguy cơ bị các biến chứng mô mềm, cuối cùng sẽ hạn chế vận động và có thể gây đau.
9. Bán trật khớp vai
Bán trật khớp vai thường phối hợp với đau vai và giảm chức năng chi trên. Có thể là do trương lực cơ giảm hoặc tăng
Các can thiệp gồm : hướng dẫn cho bệnh nhân/người chăm sóc về cách cầm nắm di chuyển và đặt tư thế đúng cho tay bị tổn thương; Kích thích điện (cho cơ trên gai và cơ delta); Các dụng cụ nâng đỡ vai. Với những người bệnh đã bị bán trật khớp vai, can thiệp có thể bao gồm một dụng cụ nâng đỡ vai và các kỹ thuật cầm nắm để ngăn ngừa bán trật thêm.
10. Đau
Người bệnh đột quỵ rất dễ bị đau. Đau thường xảy ra ở vai liệt và do tình trạng liệt (giảm trương lực cơ), co cứng, bất động và cầm nắm chăm sóc không đúng cách. Đau vai góp phần làm tăng co cứng, mất hồi phục chi trên, mất ngủ, trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống, cũng như kéo dài thời gian nằm viện. Các bệnh lý kèm theo liên quan đến tuổi tác do các thay đổi khớp (ví dụ như thoái hoá khớp) có thể làm tăng thêm đau đớn khó chịu, đặc biệt khi cầm nắm di chuyểnvà đặt tư thế. Đau ở người bệnh đột quỵ có thể là đau trung ương sau đột quỵ (CPSP, Central Post-Stroke Pain) xảy ra ở khoảng 2-8% người bệnh đột quỵ và là một cảm giác rát bỏng, nhói, hoặc châm chích nông và khó chịu, thường nặng hơn khi sờ chạm, bởi nước hoặc vận động.
11. Sưng phù chi
Người bệnh ở tư thế thẳng đứng người (đứng hoặc ngồi) với tay hoặc chân rủ xuống hoặc bất động do yếu cơ có nguy cơ xuất hiện phù nề bàn tay và bàn chân.
12. Mất sức bền tim phổi
Sức bền tim phổi suy giảm nghiêm trọng do tình trạng bất động ở giai đoạn sớm sau đột quỵ.
13. Mệt mỏi sau đột quỵ
Mệt mỏi ở đây được định nghĩa là sự mệt mỏi bất thường (hoặc bệnh lý) đặc trưng bởi cảm giác mệt mỏi không liên quan đến mức độ gắng sức trước đó và thường không cải thiện khi nghỉ ngơi. Nguyên nhân của mệt mỏi sau đột quỵ chưa được rõ nhưng tình trạng này thường gặp và kéo dài sau đột quỵ với tỷ lệ hiện mắc ước tính lên tới 70%.Mệt mỏi có liên quan đáng kể với hạn chế trong thực hiện các sinh hoạt hàng ngày nhưng chủ yếu là do liên quan đến trầm cảm.
14. Thay đổi về nhận thức
Người bệnh đột quỵ có thể bị suy giảm nhận thức tổng quát trầm trọng. Những thay đổi về nhận thức sau đột quỵ có thể là tổng quát (ví dụ quá trình xử lý thông tin bị chậm) hoặc có thể ở các lĩnh vực cụ thể (ví dụ như định hướng, chú ý, trí nhớ, thị giác không gian, suy luận, hiểu biết kém về các khó khăn của họ, ngôn ngữ, lập kế hoạch và tổ chức). Cần lưu ý là khiếm khuyết nhận thức này có trước hay sau khi bị đột quỵ.
15. Trầm cảm
Trầm cảm là hết sức phổ biến ảnh hưởng đến 1/3 người bệnh sống sót sau đột quỵ. Trầm cảm có liên quan đến chậm cải thiện chức năng và thời gian nằm viện kéo dài. Trầm cảm thường gặp ở giai đoạn cấp tính, trung hạn và dài hạn của đột quỵ, có thể thường tự khỏi trong vòng vài tháng sau khi xuất hiện hoặc kéo dài ở những người bệnh khác dù được can thiệp.
16. Thay đổi hành vi
Các thay đổi về hành vi và nhân cách (ví dụ như dễ cáu giận, hiếu chiến, cố chấp, mất sức sống/lãnh đạm, dễ thay đổi cảm xúc, thiếu kiềm chế, bốc đồng và mất hiểu biết về bệnh tật) thường xảy ra sau đột quỵ và có thể gây trở ngại đáng kể đối với sự tham gia và tái hòa nhập cộng đồng sẽ gây khó khăn cho gia đình, bạn bè và người chăm sóc, góp phần đáng kể vào gánh nặng và căng thẳng của người chăm sóc.
17. Huyết khối tĩnh mạch sâu + thuyên tắc mạch phổi
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và biến chứng thuyên tắc phổi là những nguy cơ quan trọng trong vài tuần đầu sau đột quỵ trong đó thuyên tắc phổi chiếm 5% số ca tử vong. Các yếu tố nguy cơ bao gồm giảm vận động, độ trầm trọng của đột quỵ, tuổi, mất nước…
18. Loét do đè ép
Tất cả những người bệnh đột quỵ đều có nguy cơ hình thành loét do đè ép do các yếu tố: độ nặng của đột quỵ, giảm vận động, đái tháo đường, tiểu tiện không tự chủ và tình trạng dinh dưỡng. Loét do đè ép có thể làm chậm quá trình phục hồi, và tuỳ theo phần cơ thể bị ảnh hưởng, làm trì hoãn hoặc làm ngừng các biện pháp phục hồi chức năng. Vết loét cũng có thể bị nhiễm trùngcàng làm trì hoãn và làm chậm quá trình phục hồi hơn.
19. Nhiễm trùng
Sốt trên người bệnh đột quỵ có thể do nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiểu.
Viêm phổi là nguyên nhân gây sốt phổ biến nhất trong vòng 48 giờ đầu tiên của đột quỵ cấp tính và là một trong những biến chứng hô hấp cấp tính thường gặp nhất. Viêm phổi do vi khuẩn là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở người bệnh đột quỵ giai đoạn cấp và giảm các phản xạ hành tuỷ, ngủ gà, ức chế miễn dịch, khó nuốt và hậu quả là hít vào được xem là nhưng yếu tố góp phần chính cho tỷ lệ cao viêm phổi do vi khuẩn sau đột quỵ.
20. Nguy cơ té ngã
Té ngã là một vấn đề thường gặp của người bệnh sau đột quỵ. Vì một số trường hợp ngã có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề, cần thực hiện các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ té ngã.
21. Tiểu tiện không tự chủ
Tình trạng không kiểm soát được tiểu tiện sau đột quỵ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và người chăm sóc. Rối loạn chức năng của bàng quang và/hoặc đường ruột có thể là do sự kết hợp của các khiếm khuyết liên quan đến đột quỵ như là yếu cơ, khiếm khuyết về nhận thức hoặc nhận cảm. Cần lượng giá và xử lý nguyên nhân của tình trạng không tự chủ trong tiểu tiện.
Tiểu không tự chủ: người bệnh đột quỵ có nghi ngờ rối loạn kiểm soát đi tiểu cần phải được lượng giá. Nếu cần thì phải đặt thông tiểu.
Đại tiện không tự chủ: những người bị táo bón hoặc không kiểm soát được đại tiện, cần thực hiện lượng giá toàn diện (bao gồm cả khám trực tràng) và xử lý táo bón, tắc phân hay không kiểm soát đại tiện phù hợp. Với những người có rối loạn chức năng đường ruột, nên tập luyện lại thói quen đi tiêu với loại thức ăn và thời gian ăn thích hợp và khai thác phản xạ dạ dày-ruột. Nếu không thể kiểm soát được đi tiêu, nên sử dụng bỉm để giúp người bệnh tự chủ mà không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ.
22. Vấn đề về thị giác
Có nhiều vấn đề về thị giác liên quan đến đột quỵ, bao gồm khiếm khuyết thị trường, rối loạn vận động của mắt và không chú ý thị giác không gian. Thị lực kém ảnh hưởng xấu đến việc phục hồi chức năng của người cao tuổi và ở người bệnh đột quỵ. Giảm thị lực do tuổi tác nếu không được điều chỉnh sẽ gây ra những khó khăn trong các sinh hoạt hàng ngày, di chuyển và lái xe. Mất thị trường cũng có thể ảnh hưởng khả năng tham gia điều trị phục hồi chức năng, sống ở nhà, thực hiện các hoạt động như di chuyển, lái xe an toàn và có thể làm nặng thêm trầm cảm, lo lắng, cách ly xã hội và làm giảm chất lượng cuộc sống sau đột quỵ.
23. Khó khăn trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày:
Giới hạn về thể chất và tinh thần của người bệnh đột quỵ gây cho họ nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Cần khuyến khích sự độc lập và để giảm gánh nặng cho gia đình/người chăm sóc, độc lập trong sinh hoạt cũng là cách để giảm trầm cảm.
Ảnh hưởng của đột quỵ hay Tai biến mạch máu não lên sức khỏe và cuộc sống trên người bệnh là thật sự có ít hay nhiều, ảnh hưởng của đột quỵ lên mỗi người bệnh là khác nhau. Người bệnh cần được thăm khám kỹ và lượng giá, từ đó có kế hoạch khắc phục từng bước các vấn đề, các hệ quả, các ảnh hưởng hầu mang lại sức khỏe thể chất, tinh thần cải thiện & hồi phục tốt nhất có thể và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ
Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày
Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3
Nguồn tin: Truyền thông Cơ sở 3
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn