DANG KY KHAM BENH ZALO copy

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CỔ

Thứ sáu - 18/12/2020 19:59
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là sự thoát khỏi vị trí bình thường của nhân nhầy đĩa đệm cột sống cổ gây nên bệnh lý chèn ép các rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ
THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CỔ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là sự thoát khỏi vị trí bình thường của nhân nhầy đĩa đệm cột sống cổ gây nên bệnh lý chèn ép các rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ. Biểu hiện lâm sàng thành từng đợt, tùy từng vị trí và giai đoạn của bệnh mà có các triệu chứng lâm sàng riêng lẻ hoặc phối hợp thành hội chứng khác nhau như: Hội chứng cột sống cổ, hội chứng rễ cổ, hội chứng tủy cổ, hội chứng rễ - tủy cổ và hội chứng rối loạn thần kinh thực vật.

Nguyên nhân bệnh là gì?
  • Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chủ yếu do thoái hóa cột sống cổ và chấn thương, trong đó thoái hóa cột sống cổ đóng vai trò chính.
  • Các yếu tố liên quan đến thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gồm: Tuổi thường từ 35 – 59, nam nhiều hơn nữ, nghề nghiệp, thoái hóa cột sống cổ, vị trí thoát vị đĩa đệm C5-C6 chiếm tỉ lệ cao nhất.
Chẩn đoán như thế nào?

Người bệnh có thể có biểu hiện một trong các hội chứng:
  • Hội chứng cột sống cổ: Đau khu tru vùng cổ gáy, lan lên chẩm hoặc xuống vai, đau rát, đau nóng, hoặc đau sâu trong cơ cổ gáy, đau tăng khi vận động, giảm đau khi nằm nghỉ, co cứng các cơ cạnh cột sống cổ, hạn chế vận động cột sống cổ.
  • Hội chứng rễ cổ: Đau vùng gáy lan xuống liên bả vai, xuống vai, cánh tay, cẳng tay và ngón tay (lan theo phân bố cảm giác rễ thần kinh cổ bị tổn thương); đau tăng khi đứng, đi, ngồi lâu; đau tăng khi ho, hắt hơi, khi vận động cột sống cổ, giảm đau khi nằm nghỉ. Dị cảm vùng da do rễ thần kinh bị tổn thương chi phối như cảm giác tê bì, kiến bò, đau cháy, tê bì đầu ngón tay, bại một số cơ chi trên, giảm hoặc mất phản xạ gân xương do rễ thần kinh chi phối như phẩn xạ gân cơ nhị đầu, phản xạ trâm quay, teo cơ chi trên.
  • Hội chứng tủy cổ: Đi bộ khó khăn, đứng trụ một chân bị ngã, mất khéo léo bàn tay, các triệu chứng chi trên có xu hướng ở một bên, ở chi dưới có xu hướng ở cả hai bên, tê bì ngọn chi trên, dị cảm kiểu đau cháy, cảm giác đau thân mình và tứ chi, tăng phản xạ gân xương ở tứ chi hoặc giảm phản xạ gân xương ở hai chi trên kèm tăng phản xạ gân xương ở hai chi dưới, đái dầm cách hồi hoặc mót đái không thể nhịn được, teo cơ chi trên chiếm khoảng 14,28% trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có hội chứng tủy cổ.
  • Hội chứng rễ - tủy cổ: Gồm hội chứng cột sống cổ và các triệu chứng rễ, các triệu chứng tủy nhưng hội chứng tủy thường rõ hơn triệu chứng rễ. Rối loạn vận động và phản xạ rõ hơn rối loạn cảm giác. Trong rối loạn cảm giác thì kiểu dị cảm đau cháy là thường gặp nhất ở hội chứng rễ - tủy cổ, rồi đến nhóm có hội chứng tủy cổ, sau cùng là hội chứng rễ cổ.
  • Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật: Chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, mờ mắt từng cơn, đâu phần sau hốc mắt, đỏ mắt đột ngột, cơn hạ huyết áp, vã mồ hôi và tăng nhu động ruột, cơn đau ngực (thường gặp trong thoát vị đĩa đệm C6-C7), nuốt khó do thoát vị đĩa đệm ra trước chèn ép thực quản...
Chẩn đoán lâm sàng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gồm: Có hội chứng cột sống cổ. Có một trong ba hội chứng sau: hội chứng rễ cổ, hội chứng tủy cổ, hội chứng rễ - tủy cổ. Đau có tính chất cơ học: đau tăng khi vận dộng cột sống cổ, khi đứng, khi đi, ngồi lâu và đau giảm khi nằm nghỉ.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ: Giúp chẩn đoán xác định, là phương pháp cận lâm sàng hàng đầu để đánh giá cột sống, tủy sống, rễ thần kinh, đĩa đệm, dịch não tủy, dây chằng, tổ chức mỡ và mạch máu. Đặc biệt trong chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, nhất là ở các bệnh nhân có biểu hiện thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đang cân nhắc điều trị phẫu thuật.

Điều trị như thế nào?
  • Bất động cột sống cổ: Nằm nghỉ ngơi tại giường và đeo đai cổ khi ngồi, khi đi lại 5 - 7 ngày trong giai đoạn cấp tính, đau nhiều.
  • Tránh ngửa, nghiêng hoặc xoay đầu quá mức sang bên tổn thương, nằm có kê gối vùng cổ gáy trong trường hợp mất ưỡn sinh lý cột sống cổ.
  • Đeo đai cổ: thời gian đeo không quá lâu để tránh phụ thuộc vào đai cổ giảm trương lực cơ cổ.
  • Dùng thuốc: thuốc giảm đau, kháng viêm steroid và không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc tác động vào cơ chế bệnh sinh của thoái hóa cột sống như glucosamin sulfate...
  • Các phương pháp phong bế: ngoài màng cứng cột sống cổ, các điểm xuất phát điểm đau, cơ bậc thang trước.
  • Vật lý trị liêu: bó parafin, khay nhiệt điện, tia hồng ngoại, túi chườm nước nóng, chườm nóng bằng muối rang, lá lốt, lá ngãi cứu rang, dòng điện xung,...
  • Điều trị tia laser.
  • Xoa bóp bấm huyệt: giai đoạn cấp tính sau 5-7 ngày bất động có thể xoa bóp nhẹ nhàng bằng tay hoặc dụng cụ xoa bóp.
  • Kéo giãn cột sống cổ.
Một trường hợp cụ thể:
Người bệnh nữ, 25 tuổi, nhập viện vì bị đau cổ gáy lan xuống đến các ngón tay phải kèm tê, đau nhiều khi ngồi, giảm đau khi nằm, thỉnh thoảng chóng mặt nhiều, thỉnh thoảng tê 02 chân khi ở tư thế ngồi. Ấn đau dọc 02 bên cột sống cổ từ C3-C7, giới hạn vận động cột sống cổ, dấu bấm chuông bên phải (+), Spurling bên phải (+). Qua MRI cột sống cổ có lồi nhẹ lan tỏa đĩa đệm tầng C5/C6, ép nhẹ mặt trước bao màng cứng. Người bệnh được điều trị thuốc tân dược, thuốc thang, châm cứu, xoa bóp, kéo giãn cột sống. Sau 01 tuần điều trị người bệnh giảm đau cổ gáy lan tay phải 50%, bớt tê tay phải 50%. Sau 12 ngày điều trị, người bệnh giảm đau cổ gáy lan tay phải 70%, hết tê tay phải.
BS. Âu Văn Khê
Khoa Y học cổ truyền
Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

daumau 01
KHOA KHAM BENH 01
KHAM SUC KHOE 01
mau banner quang cao 01
mau banner quang cao
DON VI CAN LAM SANG 01
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây