DANG KY KHAM BENH ZALO copy

VIÊM QUANH KHỚP VAI

Thứ sáu - 18/12/2020 19:57
Viêm quanh khớp vai (VQKV) (còn gọi là viêm chu vai) là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai: Gân, túi thanh dịch, bao khớp.
VIÊM QUANH KHỚP VAI
Viêm quanh khớp vai (VQKV) (còn gọi là viêm chu vai) là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai: Gân, túi thanh dịch, bao khớp. Không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…

Nguyên nhân VQKV: Thoái hóa gân, viêm gân chóp xoay, có thể có hoặc không có lắng đọng calci, có thể rách, đứt gân chóp xoay không hoàn toàn hoặc hoàn toàn. Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai. Viêm bao hoạt dịch và viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay.

Cần phân biệt VQKV với một số bệnh lý khác: Đau vai do các nguyên nhân khác như đau thắt ngực, tổn thương đỉnh phổi, đau rễ cột sống cổ … Bệnh lý xương: Hoại tử vô mạch đầu trên xương cánh tay. Bệnh lý khớp: Viêm khớp mủ, viêm khớp do lao, viêm do tinh thể như gút hoặc calci hóa sụn khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp…

Triệu chứng VQKV: Gồm đau đớn nghiêm trọng và giảm biên độ vận động hoặc không thể vận động vai, dù là tự vận động hoặc có sự giúp đỡ của người khác.

Bệnh diễn tiến theo ba giai đoạn:
  • Giai đoạn 1: Đóng băng
Trong giai đoạn “đóng băng”, bạn sẽ ngày càng cảm thấy đau hơn. Vai bắt đầu nhức và rất đau khi với chạm. Bạn sẽ đau nhiều vào buổi tối và khi nằm nghiêng bên vai bệnh. Khi cơn đau trở nên tệ hơn, vai của bạn giảm độ vận động.
  • Giai đoạn 2: Đông cứng
Các triệu chứng đau có thể thực sự cải thiện trong giai đoạn này, nhưng tình trạng cứng vai vẫn còn. Các cơ vai có thể bắt đầu teo nhẹ vì không được vận động.
  • Giai đoạn 3: Tan băng
Chuyển động vai dần cải thiện trong giai đoạn “tan băng”.

VQKV được điều trị như thế nào?

Điều trị VQKV bao gồm điều trị đợt cấp và điều trị duy trì. Cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

Dùng thuốc: Với Y học hiện đại, có thể dùng các loại thuốc kháng viêm giảm đau thông thường có tác dụng điều trị hiệu quả tức thời nhưng hạn chế là không dùng được lâu dài, có gây một số tác dụng phụ trên đường tiêu hoá. Hoặc tiêm corticoid tại chỗ áp dụng cho thể viêm khớp vai đơn thuần, biện pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn tốt.

Với Y học cổ truyền, tùy theo từng thể bệnh mà có các pháp trị khác nhau. Thường dùng các vi thuốc khu phong, tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu ứ như: Khương hoạt, Phòng phong, Quế chi, Trần bì, Sinh khương, Đào nhân, Hồng hoa, Nghệ vàng …

Châm cứu và các phương pháp điều trị khác: cấy chỉ, laser châm, nhĩ châm, thuỷ châm, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động khớp vai, vật lý trị liệu (hồng ngoại, túi chườm thảo dược)… phối hợp cùng thuốc thang làm tăng hiệu quả điều trị bệnh. Và tuỳ theo tình hình bệnh, cũng như hoàn cảnh người bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và an toàn, hiệu quả, chi phí hợp lý.

VQKV được dự phòng như thế nào?
  • Tránh lao động quá mức, tránh các động tác dạng quá mức hay nâng tay lên cao quá vai.
  • Tránh các chấn thương ở vùng khớp vai.
  • Phát hiện và điều trị sớm các trường hợp đau vai đơn thuần và đau vai cấp.
KHI BỊ VIÊM QUANH KỚP VAI, ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ PHẢI TÌM RA ĐƯỢC NGUYÊN NHÂN, TỪ ĐÓ ĐƯA RA LIỆU TRÌNH ĐIỀU TRỊ PHÙ HỢP, VÌ VẬY NGƯỜI BỆNH CẦN ĐƯỢC THĂM KHÁM CẨN THẬN TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ.
BS. Bùi Huy Cận
Đơn vị Điều trị ban ngày
Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

daumau 01
KHOA KHAM BENH 01
KHAM SUC KHOE 01
mau banner quang cao 01
mau banner quang cao
DON VI CAN LAM SANG 01
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây