Cúm mùa và phương pháp điều trị bằng thuốc Y học cổ truyền

Thông tin y tế sức khỏe - 26/03/2025

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, thường gặp vào các thời điểm giao mùa. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp và có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở nhóm nguy cơ cao. Ở Việt Nam, bệnh cúm mùa thường xuất hiện quanh năm nhưng có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa, đặc biệt là tháng 3 – 4 và tháng 9 – 12. Vào các tháng này, thời tiết ẩm, lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan.

Triệu chứng của bệnh cúm mùa:

– Sốt cao đột ngột (38 – 40°C)

– Ho, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi

– Đau nhức cơ, mệt mỏi, đau đầu

– Ớn lạnh, đổ mồ hôi

– Một số trường hợp có thể gây viêm phổi, viêm phế quản, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền.

Cúm mùa lây truyền qua giọt bắn khi ho, hắc hơi hoặc tiếp xúc gián tiếp như sờ tay vào bề mặt nhiễm virus rồi chạm lên mắt, mũi, miệng.

Để phòng tránh bệnh cúm mùa chúng ta cần:

– Tiêm vaccine cúm hàng năm.

– Giữ vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi ra ngoài.

– Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để tăng cường đề kháng.

– Vệ sinh nhà cửa, không gian sống thoáng mát.

Trong YHCT, có rất nhiều phương pháp phòng ngừa và điều trị cúm mùa thường biết đến như xông giải cảm, bấm huyệt, sử dụng các vị thuốc để giải cảm/tăng cường hệ miễn dịch. Nhân sâm là một trong các vị thuốc được biết đến với công dụng tăng cường chính khí (hệ miễn dịch) để chống lại tác nhân gây bệnh rất tốt. Nhân sâm có hơn 30 loại ginsenosid, phổ biến gồm:

– Rg1, Rb1, Rg3: Tăng cường trí nhớ, chống viêm

– Rh1, Rh2: Hỗ trợ chống ung thư, bảo vệ tế bào

– Re, Rd: Giúp phục hồi sức khỏe, bảo vệ gan

Ngoài ra, nhân sâm có thành phần đặc trưng là các polysaccharid giúp tăng cường miễn dịch, phục hồi cơ thể nhanh sau ốm. Các nghiên cứu còn cho thấy nhân sâm kích thích sản sinh tế bào miễn dịch (NK cells, lympho T) giúp cơ thể chống lại virus cúm.

Chúng ta có thể sử dụng riêng biệt một vị thuốc nhân sâm hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như cam thảo, mật ong để giảm triệu chứng ho, đau họng hoặc như can khương (gừng) để giải cảm lạnh, giữ ấm cơ thể. Để phục vụ tốt cho người bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 có 2 sản phẩm Nhân sâm ích khí thang (thành phần chính là nhân sâm) và Sâm thảo can khương thang (có phối hợp nhân sâm với cam thảo chích mật và can khương) được sắc sẵn, đóng gói túi nhôm thuận tiện cho người sử dụng. Liều lượng được gia giảm phù hợp với bài thuốc y học cổ truyền giúp tăng cường chính khí, bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, để an toàn khi sử dụng, hạn chế tác dụng phụ không mong muốn cần được bác sỹ khám và tư vấn trước khi dùng.

Dược sĩ Ngô Thị Ngọc Trưng

Phó Trưởng Đơn vị Dược

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3

————————-

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3

221B Hoàng Văn Thụ – Phường 8 – Quận Phú Nhuận – TPHCM

Thời gian hoạt động:

– Thứ 2 đến Thứ 6 sáng từ 7h00 – 11h30, chiều từ 13h00 – 16h30.

– Thứ 7 từ 7h00 – 11h30, chiều Thứ 7 và ngày Chủ Nhật nghỉ.

Điện thoại: 02838.444.771 – 02838.420.070