Điều trị dày sừng da do nấm bằng Y học cổ truyền

Da liễu - 08/06/2024

Nấm bàn chân hay (Tinea Pedis) thường biểu hiện bằng vảy ngứa và vết loét giữa các ngón chân. Một số bệnh nhân có thể gặp các vùng tăng sừng với ban đỏ ở mặt trong, mặt bên và lòng bàn chân. Đôi khi NB có thể xuất hiện các tổn thương bóng nước gây đau đồng thời phát triển bệnh nấm thân, bệnh nấm móng và bệnh nấm da.

Nấm bàn chân không được điều trị có thể dẫn đến viêm mô tế bào, viêm da mủ và viêm tủy xương, đặc biệt ở những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch, tiểu đường hoặc bệnh mạch máu ngoại biên.

Nguyên nhân & các yếu tố thuận lợi

Trichophyton rubrum (T. rubrum) chiếm 70% các trường hợp nấm bàn chân, chúng có khả năng xâm nhập vào các mô bị sừng hóa như da, tóc và móng. Nhóm nấm này có thể gây nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trên da, tuy nhiên, chúng thường ảnh hưởng nhất đến bàn chân, vùng bẹn, nách, da đầu và móng tay.

Các yếu tố thuận lợi:

  • Môi trường nóng ẩm
  • Sử dụng giày dép chật trong thời gian dài
  • Đổ quá nhiều mồ hôi
  • Tiếp xúc kéo dài với nước

Điều trị YHHĐ

    Các thuốc kháng nấm bôi tại chỗ có thể mang lại kết quả hiệu quả đối với bệnh nấm bàn chân sau 1 tuần. Kết hợp các chất tiêu sừng như axit salicylic, có thể có lợi ở những bệnh nhân bị tăng sừng. Những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị tại chỗ cần điều trị kháng nấm toàn thân. Các lựa chọn điều trị toàn thân được chấp nhận bao gồm: Terbinafine, Itraconazol, Fluconazol, Griseofulvin. Mặc dù hiếm gặp nhưng tác dụng phụ trên đường tiêu hóa có thể xảy ra khi dùng fluconazol. Itraconazol có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và phù ngoại biên. Fluconazol và Itraconazol có tỷ lệ nhiễm độc gan thấp hơn đáng kể so với ketoconazol. Terbinafine cũng có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa và trong một số trường hợp hiếm gặp là viêm gan.

    Khoảng 80% bệnh nhân bị bệnh nấm da cấp tính đáp ứng tốt với điều trị kháng nấm tại chỗ. Tuy nhiên, 20% còn lại tiến triển thành bệnh nấm da mãn tính, kháng lại điều trị bằng thuốc chống nấm.

    Ca lâm sàng

    NB nữ 39 tuổi với cơ địa đổ nhiều mồ hôi tay chân từ nhỏ đến khám Phòng khám Da – Thẩm mỹ Y học cổ truyền với lý do lòng bàn chân dày sừng kèm ngứa nhiều vào buổi tối và lúc sáng sớm hơn 2 năm nay, NB điều trị bằng thuốc bôi kháng nấm tại chỗ và thuốc kháng nấm toàn thân nhưng không đỡ. Tình trạng dày sừng da làm NB giảm cảm giác lòng bàn chân, tự ti về mặt thẩm mỹ, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của NB.

    Trước điều trị

    Khám: da dày sừng, nhiều vết cào gãi+ kèm theo vết nứt kẽ ngón, các nếp da nổi rõ, bong vẩy ít. Rìa đỏ lan đến rìa bàn chân cả mặt trong mặt ngoài và các ngón. Khám YHCT: NB thường xuyên thức khuya, có cảm giác nóng bứt rứt trong người, thích uống nước mát, da dễ nổi mụn và dễ để lại thâm, NB được chẩn đoán thể Huyết ứ huyết nhiệt và sử dụng thuốc thảo dược đường uống kết hợp ngâm chân bằng công thức thảo dược, kết quả sau 1,5 tháng tình trạng da hết ngứa, giảm dày sừng, và bắt đầu cảm giác được lòng bàn chân.

    Sau 6 tuần điều trị

    Việc lựa chọn các thuốc thảo dược đường uống và đường ngâm được dựa trên thể bệnh YHCT của từng NB, do đó NB không nên tự ý mua các loại thuốc thảo dược không rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ để ngâm, bôi. Khi có bất kì dấu hiệu nào bất thường về da NB nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.

    Tác giả: Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Quý