Điều trị Hen phế quản theo Y học cổ truyền
Hen phế quản (dân gian còn gọi là hen suyễn), là bệnh lý đường hô hấp được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí, làm tăng tình trạng co thắt, phù nề, tăng tiết đờm,… gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở.
Người bệnh sẽ có những biểu hiện như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, chủ yếu xảy ra vào thời điểm ban đêm và sáng sớm. Tùy vào mức độ kích thích các tiểu phế quản và tùy vào cơ địa của từng người bệnh mà cơn hen phế quản biểu hiện ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bệnh hen phế quản thường không thể chữa khỏi, những triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bởi sự tuân thủ điều trị của người bệnh.
Theo Y học cổ truyền (YHCT) hen phế quản với các chứng háo suyễn, háo chứng, suyễn chứng, khái thấu, thường gọi chung là chứng hen suyễn hoặc chứng háo suyễn, mà có những biểu hiện sau:
– Chứng hen chủ chứng: khó thở, khi thở có tiếng cò cưa (rít, khò khè), khi có cơn khó thở đến không nằm được, phải ngồi để thở.
– Suyễn: tuy hô hấp gấp gáp nhưng trong họng không có tiếng khò khè.
Nguyên nhân thường gặp nhất là các tác nhân dị ứng như:
– Dị nguyên đường hô hấp: thường là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá, các con bọ sống trong chăn nệm,… Hoặc bụi khói công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn,…
– Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (tôm, cua, cá, sò,… ), trứng, thịt gà, đậu phộng.
– Thuốc: aspirin, penicillin,…
– Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan,… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
Ngoài ra còn có các tác nhân không dị ứng: Di truyền khi trong gia đình có người bị hen phế quản, yếu tố tâm lý hay lo âu, căng thẳng hoặc có sang chấn tâm lý,…rối loạn tình dục.
Nguyên nhân theo YHCT
– Do cơ địa: di truyền từ bố mẹ bị hen suyễn, hoặc cơ địa dễ mắc bệnh ngoại cảm→chức năng phân bố tân dịch của phế mất điều hòa→đàm ẩm kết tụ lưu phục bên trong cảm nhiễm thêm ngoại tà sinh ra háo suyễn (thường gặp ở tuổi nhi đồng).
– Ngoại tà xâm phạm: phong hàn (mùa đông xuân), phong nhiệt (mùa hè thu), hoặc hít phải phấn hoa, khói bụi, dị vật…→ảnh hưởng sự tuyên phát phế khí, tân dịch ngưng tụ, đàm trọc nội uẩn mà sinh bệnh.
– Ăn uống thất điều, không hợp vệ sinh: hay ăn thức ăn sống lạnh làm hàn ẩm nội sinh cảm nhiễm phong tà sinh chứng hen hàn. Hoặc ăn quá nhiều đồ béo ngọt, chất cay nóng, chất kích thích tổn thương tỳ vị→đàm trọc nội sinh, ủng trệ ở phế→háo suyễn.
– Xung nhâm thất điều: xung nhâm mất điều hòa, huyết hư khí nghịch làm cho phế không được nhu dưỡng, hoặc phụ nữ mang thai→đường vận hành khí huyết ứ trệ, thăng giáng thất thường→thai khí thượng nghịch→phế khí không lưu lợi sinh ra háo suyễn.
– Lao động quá sức hoặc cơ thể suy nhược sau khi mắc bệnh: nguyên khí hư, thêm đàm ẩm ngưng đọng làm thận không nạp được khí sinh ra hư suyễn.
– Bệnh lâu ngày làm tổn thương Phế – Tỳ – Thận sinh ra: phế âm hư, phế khí hư, tỳ khí hư, tỳ dương hư, thận âm hư và thận dương hư.
Chẩn đoán
– Các triệu chứng lâm sàng: người bệnh thường đến khám vì các triệu chứng của một cơn hen phế quản cấp.
– Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ căn cứ vào lý do vào viện của người bệnh cùng các triệu chứng khai thác được, từ đó định hướng chẩn đoán và tiến hành khám lâm sàng để chẩn đoán bệnh và loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm đường hô hấp,…
– Đo chức năng hô hấp: Người bệnh sẽ được làm Hô hấp ký, đo lưu lượng đỉnh trước và sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản. Nếu chức năng phổi cải thiện sau khi dùng thuốc giãn phế quản thì người bệnh có khả năng cao bị hen phế quản.
– Chẩn đoán hình ảnh: X-Quang ngực hay CT Scan có thể cho những hình ảnh bất thường trong bệnh hen phế quản.
– Một số xét nghiệm khác: Xét nghiệm Methacholin, xét nghiệm NO, xét nghiệm bạch cầu ưa acid trong đàm,… có thể hữu ích trong một số trường hợp
Điều trị
Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấp.
Y học hiện đại thường dùng các thuốc kiểm soát hen phế quản đường hít và uống thuộc nhóm Corticosteroid và các nhóm thuốc khác.
YHCT tùy theo thể bệnh hàn nhiệt hư thực mà có thể dùng các bài thuốc Xạ can ma hoàng thang, Định suyễn thang, Tiểu thanh long thang, Tả bạch tán, Lục quân tử thang… để trừ đàm định suyễn tuyên phế, tư âm, bổ thận. Ngoài ra việc phối hợp với các phương pháp không dùng thuốc đối với bệnh lý này rất quan trọng như cấy chỉ, cứu ấm, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, luyện tập dưỡng sinh.
Với Cấy chỉ là phương pháp châm cứu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, được tiến hành bằng cách dùng chỉ catgut kết hợp với dụng cụ kim châm để đưa chỉ vùi vào trong huyệt để phòng và chữa bệnh.
Theo y học hiện đại, dưới sự tác động vào huyệt của chỉ khâu phẫu thuật tự tiêu đã kích thích cơ thể thay đổi đáp ứng miễn dịch, tăng sinh các chất nội sinh có tác dụng giảm đau chống viêm như beta endorphin, adenosin… kích thích cân bằng nội tiết, điều hòa thần kinh thực vật, cân bằng trương lực cơ, cân bằng huyết áp, điều chỉnh cơ chế chuyển hóa, an thần…
Còn theo y học cổ truyền cấy chỉ cũng là một hình thức tác động vào huyệt vị, thông qua đó có tác dụng điều hòa âm dương, khí huyết, hành khí thông kinh, khai uất trệ, chỉ thống. Đối với hen phế quản, bác sĩ sẽ lựa chọn các huyệt nhằm bổ khí, tuyên phế, định suyễn, trừ đàm nhằm từ từ giảm tần suất cơn hen còn giúp nâng cao chính khí cho bệnh nhân.
Phòng ngừa
– Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa,…. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
– Người bệnh dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.
– Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
– Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.
Lối sống
– Tập thể dục đều đặn, vừa phải.
– Ăn uống hợp lý, bổ sung trái cây và rau xanh.
– Phòng tránh các yếu tố dễ gây khởi phát cơn hen như: tránh tiếp xúc khói bụi, thường xuyên vệ sinh nhà ở sạch sẽ,…
Sự lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể tùy thuộc vào tuổi, triệu chứng, yếu tố khởi phát và các yếu tố kiểm soát bệnh. Người bệnh cần được theo dõi và tái khám để bác sĩ có thể đánh giá mức độ kiểm soát tình trạng hen. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp về kế hoạch điều trị trong thời gian tiếp theo. Việc kiểm soát hen tốt sẽ giúp người bệnh giảm cơn hen phế quản cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tác giả: Bác sĩ Chuyên khoa I – Lê Thị Thúy Hằng