Điều trị hội chứng Raynaud kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại

Mạch máu - 01/06/2024

Hội chứng Raynaud là hiện tượng co thắt của các động mạch làm giảm dòng máu nuôi mô cơ quan. Thường biểu hiện ở các ngón tay, và ít xảy ra ở các ngón chân. Hiếm khi xảy ra ở mũi, tai, hoặc môi. Hiện tượng này khiến vùng bị ảnh hưởng chuyển sang màu trắng bệch và sau đó là màu xanh tím, thường kèm theo cảm giác tê bì và đau. Khi được tưới máu trở lại, các vùng này chuyển sang màu đỏ và nóng rát. Hội chứng Raynaud thường kéo dài vài phút, nhưng đôi khi có thể kéo dài đến vài giờ, được kích hoạt bởi lạnh hay cảm xúc căng thẳng.

Theo y học cổ truyền các triệu chứng thuộc phạm trù chứng ma mộc, quyết nghịch. Y học cổ truyền cho rằng đầu ngón tay chân là nơi tiếp nối của 12 kinh mạch; khi cơ thể có sẵn khí hư, huyết hư, dương suy thì hàn tà xâm nhập vào đầu ngón tay, ngón chân dẫn đến tình trạng hai khí âm và dương giao thông không thuận lợi, khí huyết vận hành không thông; kết hợp với hàn ngưng, huyết ứ nên không thể ôn dưỡng tay chân gây nên các biểu hiện như đầu ngón tay chân tím tái hoặc trắng bệch, khô.

Nguyên nhân và cơ chế của bệnh Raynaud theo y học hiện đại

Hội chứng Raynaud nguyên phát phổ biến hơn (> 80% số trường hợp) so với thứ phát; nó xảy ra mà không có triệu chứng hoặc dấu hiệu của các rối loạn khác.

Hội chứng Raynaud thứ phát đi kèm với các rối loạn và tình trạng khác nhau, hầu hết là các rối loạn mô liên kết (Viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, xơ cứng bì hệ thống…). Nicotine thường góp phần vào hội chứng Raynaud thứ cấp nhưng dễ bị bỏ qua. Do sử dụng thuốc như: thuốc điều trị đau nửa đầu, interferon alpha, chẹn beta giao cảm, cyclosporine, thuốc tránh thai,..Nghề nghiệp phải tiếp xúc với rung động quá mức từ máy móc, thường gặp ở nam giới. Phơi nhiễm với polyvinyl clorua, chấn thương lạnh do công việc…

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền

Bện phát sinh do cơ thể vốn đã hư nhược, lại bị ngoại tà xâm phạm nên bản chất bệnh thuộc “bản hư, tiêu thực”. Bản hư chủ yếu là khí hư, huyết hư, dương hư; tiêu thực chủ yếu do hàn ngưng kết hợp với khí trệ, huyết ứ gây nên; hàn tà và tinh thần kích động là những yếu tố thuận lợi để phát bệnh. Vị trí bệnh xảy ra chủ yếu ở mạch lạc đầu chi nhưng lại liên quan mật thiết với các tạng tâm, can, tỳ, thận.

Điều trị theo y học hiện đại

Điều trị chủ yếu là dùng thuốc ức chế tiết đoạn thần kinh giao cảm và thuốc giãn mạch để cải thiện tuần hoàn ngoại vị nhưng hiệu quả điều trị không cao.

Điều trị theo y học cổ truyền

Điều trị không dùng thuốc

Thể châm:

  • Chi trên: Ngoại quan, Hợp cốc, Thần môn, Đại lăng, Bát tà
  • Chi dưới: Tam âm giao, Giải khê, Thái xung, Huyền chung, Túc tam lý, Chiếu hải, Bát phong.

Nhĩ châm: chọn các huyệt: điểm ngón tay, ngón chân, giao cảm, tuyến thượng thận

Thuỷ châm: chọn 2-4 huyệt trong các huyệt sau: Khúc trì, Thủ tam lý, Ngoại quan, Hợp cốc, Dương lăng tuyền, Tam âm giao, Huyền chung.

Điều trị dùng thuốc

Tỳ thận dương hư

  • Lâm sàng: người bệnh thích ấm, sợ lạnh, gặp lạnh da đầu chi trắng bệch hoặc xanh tím, đầu chi lạnh, cảm giác tê bì đầu chi kèm cảm giác đau tức; nếu được ủ ấm thì các triệu chứng trên giảm. Không có cảm giác khát nước, người mệt mỏi, đau lưng mỏi gối, giữa các đợt phát bệnh da đầu chi màu sắc bình thường nhưng đầu chi vẫn lạnh. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế hoặc trầm trì.
  • Pháp trị: ích khí ôn kinh, hoà vị thông lạc
  • Bài thuốc: Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang gia giảm

Dương hư hàn ngưng

  • Lâm sàng: thường phát bệnh khi thời tiết lạnh, sợ lạnh, đầu chi lạnh, đau. Sắc da ngón tay, chân trắng bệch hoặc hồng nhợt. Môi, móng chân tay xanh. Sắc mặt nhợt, tinh thần uỷ mị. Mùa đông các triệu chứng tăng lên rõ rệt, được ủ âm thì giảm. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm trì hoặc trầm tế.
  • Pháp trị: ôn dương tán hàn, hoạt huyết thông lạc
  • Bài thuốc: Đương quy tứ nghịch thang gia giảm

Khí trệ huyết ứ

  • Lâm sàng: thường gặp ở người tính tình hay nóng nảy, dễ cáu giận, bệnh thường khởi phát khi tinh thần căng thẳng; biểu hiện ngón tay, ngón chân xanh tím liên tục, lạnh, đau tức hoặc đau như kim châm; nếu nặng thì ngón tay chân sưng nề, tê bì; thường kèm theo ngực sườn đau tức; chất lưỡi xanh tím, có ban ứ huyết. Mạch huyền hoặc tế sáp
  • Pháp trị: lý khí hoạt huyết, hoá ứ thông lạc
  • Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang gia giảm

Khí hư huyết ứ

  • Lâm sàng: bệnh tái phát liên tục, da đầu chi trắng bệch, chi lạnh, bong vẩy hoặc dày sừng, sắc da ánh tím, thậm chí có hoại tử đầu chi; người mệt mỏi, sức yếu, thở yếu, ngại nói, đau đầu, hồi hộp, đánh trống ngực, sắc mặt trắng bệch hoặc vàng tối. Chất lưỡi ánh tím, mạch tế sáp vô lực.
  • Pháp trị: ích khí hoạt huyết, ôn kinh thông mạch.
  • Bài thuốc: Bổ dương hoàn ngũ thang gia giảm.

Ứ nhiệt trở lạc

  • Lâm sàng: thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh với biểu hiện ngón tay và ngón chân đỏ, sưng nề, cảm giác nóng rát, đau đớn; đồng thời phát sinh lở loét, hoại tử, đau tăng về đêm; đi tiểu nước tiểu sẫm màu, đại tiện phân táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác.
  • Pháp trị: thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết thông lạc.
  • Bài thuốc: Tế sinh gải độc thang gia giảm

Điều trị bệnh theo y học hiện đại chủ yếu dùng các thuốc giãn mạch máu ngoại vi để tăng cường tuần hoàn nuôi dưỡng nhưng tác dụng hạn chế và có nhiều tác dụng không mong muốn như: hạ huyết áp, giảm phản ứng của các cơ quan tim, não, thận…Những năm gần đây có nhiều nghiên ứu dùng thuốc y học cổ truyền và châm cứu đã đem lại kết quả khả quan. Ứng dụng y học cổ truyền kết hợp thuốc y học hiện đại có thể bổ sung cho nhau, phát huy được ưu thế của mỗi phương pháp nên có nhiều triển vọng tốt, cần được tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng.

Tác giả: Bác sĩ Chuyên khoa II – Nguyễn Thị Diễm Hương