Điều trị Hội chứng Tennis Elbow bằng vật lý trị liệu
Hội chứng Tennis elbow hay còn gọi là hội chứng đau vùng khuỷu tay, là một tình trạng có thể xảy ra do hoạt động quá mức của các cơ và gân ở khuỷu tay.
Nó thường xảy ra sau khi sử dụng quá mức hoặc lặp đi lặp lại các hoạt động của cơ cánh tay, gần khớp khuỷu tay làm xuất hiện những vết rách trong gân. Những người chơi tennis, golf, quần vợt, dùng máy tính nhiều giờ hoặc các công việc vận động tay nhiều có thể gặp hội chứng này.
????Một số nguyên nhân cụ thể có thể gây ra hội chứng Tennis elbow là:
– Khởi động không kỹ trước khi luyện tập hoặc chơi thể thao, đặc biệt là quần vợt, cử tạ, đấu kiếm, bơi lội, golf…
– Kích thước tay cầm của cây vợt quá to hoặc quá nhỏ, lưới vợt quá căng hay banh quá nặng do ướt nước, kỹ thuật chưa đúng khi chơi tennis…
– Sử dụng cơ quá mức, dùng lực nâng vật, thường xuyên mở rộng cổ tay và bàn tay…
– Có công việc hoặc sở thích yêu cầu các chuyển động lặp đi lặp lại của cánh tay hoặc nắm chặt, chẳng hạn như thợ sửa ống nước, thợ mộc, họa sĩ, người dùng máy tính, đầu bếp, thợ đan len…
– Tuổi tác: Người từ 30 – 50 tuổi có nguy cơ mắc hội chứng Tennis elbow cao hơn so với những đối tượng khác.
– Hút thuốc lá: Việc hút thuốc lá trong thời gian dài khiến cho gân và cơ bắp yếu dần và dễ bị tổn thương, tăng nguy cơ mắc hội chứng Tennis elbow.
????Các triệu chứng thường gặp:
– Đau ở khu vực bên ngoài của khuỷu tay: Đây là triệu chứng chính của bệnh và thường là đau nhức ở mặt ngoài của cánh tay gần khuỷu tay.
– Đau khi cử động cổ tay, đặc biệt là khi uốn cổ tay về phía sau hoặc làm các động tác như cầm vật nặng, xoay cổ tay.
– Đau khi bấm vào điểm cụ thể: Có thể có một điểm đau nhất định khi bấm vào vùng gần phần gân nối với xương của khuỷu tay.
– Sự cứng cổ tay và cơ bắp: Cổ tay có thể bị cứng và cơ bắp xung quanh vùng bị tổn thương có thể bị co cứng.
– Yếu cơ: Một số người có thể cảm thấy cơ bắp mỏi yếu hơn bình thường, đặc biệt khi thực hiện các hoạt động cần sức mạnh từ cổ tay.
– Khó khăn trong các hoạt động hàng ngày: Đau có thể làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như việc vận động, cầm nắm đồ vật.
????Điều trị hội chứng Tennis elbow:
– Nghỉ ngơi: Ngừng hoặc giảm thiểu các hoạt động gây đau để cho cơ bắp có thời gian phục hồi.
– Điều chỉnh hoạt động: Điều chỉnh cách thực hiện các hoạt động thường ngày như cầm vật dụng, vận động để giảm stress lên cơ bắp.
– Thiết bị hỗ trợ: Sử dụng dây đeo hoặc băng cố định để giữ cơ và gân ở vị trí bình thường.
– Thuốc giảm đau và kháng viêm: Sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc thuốc kháng viêm như ibuprofen để giảm đau và viêm.
– Vật lý trị liệu: Điều trị bằng cách sử dụng sóng siêu âm, điện xung, massage hoặc các kỹ thuật giãn cơ để giảm đau và kích thích phục hồi.
– Tập luyện: Sau khi giảm đau, bắt đầu các bài tập tăng cường cơ bắp và nâng cao khả năng chịu đựng của cơ bắp và gân.
– Cần thiết thì phẫu thuật: Trong trường hợp nghiêm trọng, khi các biện pháp trên không hiệu quả, có thể cần phẫu thuật để sửa chữa các tổn thương.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3, ngoài các phương pháp điều trị phục hồi như trên, người bệnh còn được phối hợp điều trị bằng các bài thuốc cổ phương gia giảm phù hợp theo tình trạng và các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, bó thuốc, xoa bóp bấm huyệt,… Các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền đã được chứng minh an toàn, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và duy trì kết quả điều trị trong thời gian lâu dài.
Việc điều trị tennis elbow cần phải được tùy chỉnh dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng và phản ứng của cơ thể với các phương pháp điều trị khác nhau. Việc hợp tác chặt chẽ với bác sĩ hoặc chuyên gia về cơ xương khớp là điều cần thiết để đảm bảo sự phục hồi hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát.
????Phòng ngừa Hội chứng Tennis elbow:
– Để phòng tránh chấn thương Tennis elbow, với người chơi tennis, nên điều chỉnh vợt phù hợp với kích thước tay cầm và không nên để vợt quá căng hay banh quá nặng.
– Cần khởi động, làm nóng, giãn cơ thật kỹ trước khi chơi.
– Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, nên thường xuyên tập luyện các bài tập kéo giãn các nhóm cơ vùng khuỷu.
Tác giả: CN PHCN. Tiết Ngọc Linh Chi
Đơn vị Điều trị ban ngày