Điều trị viêm da tiết bã tái phát nhiều lần bằng Y học cổ truyền
Da liễu -
28/02/2025
Người bệnh (NB) Nam 58 tuổi làm việc trong môi trường pha chế hóa chất với nhiệt độ cao (dao động từ 160-200 độ C) đến khám tại Phòng khám Da – Thẩm mỹ với lý do do da khô bong vảy kèm ngứa rát nhiều hơn 4 tuần nay. NB đã được sử dụng thuốc kháng nấm bôi tại chỗ và uống kháng nấm, sau đó NB sử dụng corticoid bôi tại chỗ nhưng không đỡ, da vẫn đỏ, bong tróc và ngứa nhiều hơn. Khám: Sang thương dạng vảy trắng mỏng trên nền hồng ban vùng mặt tập trung vùng đầu trong lông mày, má, rãnh mũi má.

Khám Y học cổ truyền: NB thường xuyên ăn đồ ngọt, cảm giác hay đầy trướng bụng, miệng khô khát thích uống nước mát, tiểu vàng sậm cầu phân lỏng, rêu vàng dày, NB được chẩn đoán thể Tỳ vị thấp nhiệt và được sử dụng thuốc thảo dược để thanh nhiệt trừ thấp ở Tỳ Vị kết hợp thuốc bôi, sau 1 tuần thì tình trạng da cải thiện, giảm đầy trướng bụng, giảm khô khát. NB được tiếp tục sử dụng thuốc thang thảo dược thêm 2 tuần kèm hướng dẫn thay đổi chế độ ăn và môi trường làm việc để dự phòng tái phát.
Viêm da tiết bã hay còn gọi là viêm da dầu (Serrboheic dermatitis – SD) là một tình trạng da phổ biến, đặc trưng bởi việc da trở nên đỏ, bong tróc, và có vảy, kèm theo hiện tượng tiết dầu quá mức. Tình trạng này thường xảy ra ở các khu vực da có nhiều tuyến bã nhờn như: mặt, da đầu, ngực, lưng và vùng quanh mũi.
Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người trưởng thành, nhưng nó đặc biệt phổ biến ở người lớn và thường bắt đầu từ độ tuổi dậy thì. Mặt khác, viêm da tiết bã ở người lớn đặc trưng bởi mô hình bệnh tái phát và thuyên giảm và được xếp thứ ba sau viêm da dị ứng và viêm da tiếp xúc. Đây không phải là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng lại có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân chính xác của viêm da tiết bã vẫn chưa được xác định rõ, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này như:
– Giới: Nam.
– Tăng hoạt động tuyến bã nhờn: khi tuyến bã nhờn sản xuất quá nhiều dầu, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây ra tình trạng viêm.
– Nấm Malassezia: là một loại nấm men có mặt tự nhiên trên da, Malassezia được cho là tác nhân chính gây viêm da tiết bã.
– Suy giảm miễn dịch: U lympho, ghép thận, HIV-AIDS..
– Bệnh lý thần kinh, tâm thần: Parkinson, Alzheimer, Trầm cảm….
– Sử dụng một số thuốc điều trị: Đối kháng Dopamine, thuốc ức chế miễn dịch, Liti..
– Độ ẩm và nhiệt độ môi trường thấp.
– Căng thẳng: Căng thẳng và lo âu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm da tiết bã, vì căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và quá trình tiết bã nhờn.
– Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt: Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo, đồ ngọt hoặc thiếu chất xơ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Lưu ý: Sự khởi phát đột ngột của viêm da tiết bã nghiêm trọng là một dấu hiệu cảnh báo về sự hiện diện của HIV-AIDS, với việc phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm HIV-AIDS cải thiện đáng kể kết quả lâu dài.
Điều trị viêm da tiết bã thay đổi tùy theo độ tuổi của bệnh nhân và sự phân bố cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Một số nhóm chuyên gia cho rằng nên áp dụng thuốc chống nấm tại chỗ làm phương pháp điều trị đầu tay và corticosteroid tại chỗ và chất ức chế calcineurin nên được sử dụng cho các triệu chứng đáng kể và để kiểm soát các đợt bùng phát từ trung bình đến nặng….
Thuốc kháng nấm đường uống được sử dụng ở thể trung bình- nặng khi không đáp ứng với đường bôi. Ở những người nhiễm HIV-AIDS, điều trị bằng thuốc kháng vi-rút thường cải thiện viêm da tiết bã. Viêm da tiết bã có thể kiểm soát được nhưng không thể chữa khỏi. Các liệu pháp trong tương lai cho viêm da tiết bã có thể nhằm mục tiêu cải thiện chức năng hàng rào bảo vệ da hoặc phục hồi thành phần lipid bề mặt da.
Viêm da tiết bã cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như: Vảy nến, viêm da tiếp xúc, lupus…vì vậy khi có bất kì dấu hiệu nào về da NB nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Quý
Phòng khám Da -Thẩm mỹ YHCT
————————-
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3
221B Hoàng Văn Thụ – Phường 8 – Quận Phú Nhuận – TPHCM
Thời gian hoạt động:
– Thứ 2 đến Thứ 6 sáng từ 7h00 – 11h30, chiều từ 13h00 – 16h30.
– Thứ 7 từ 7h00 – 11h30, chiều Thứ 7 và ngày Chủ Nhật nghỉ.
Điện thoại: 02838.444.771 – 02838.420.070