Điều trị viêm miệng áp tơ tái phát theo Y học cổ truyền
Người bệnh N.C.T 36 tuổi, TP.HCM đến khám tại phòng khám Ngũ quan Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 do tình trạng xuất hiện các vết loét miệng có kích thước 2-3mm trong khoang miệng, má, môi, vết loét đau nhức khi ăn uống. Bệnh diễn tiến 7 – 14 ngày một lần, tăng khi ăn thức phẩm có tiêu, ớt hoặc thức ăn khô cứng. Ngoài ra người bệnh đi kèm chảy dịch mũi trong, cảm giác nóng trong người đặc biệt là 2 lòng bàn tay, 2 chân lạnh, người gầy, da khô, đi cầu phân nhầy nhớt nóng rát.
Sau quá trình thăm khám, xem xét các kết quả cận lâm sàng đã tư vấn, giải thích và người bệnh được cho sử dụng bài thuốc thang sắc uống trong với pháp trị thanh tâm tả hỏa. Khi nhiệt hỏa ở tạng phủ được thanh tả, cân bằng âm dương cơ thể thì vết loét sẽ thoái lui và hạn chế tái phát nhiều lần. Ngoài ra, người bệnh còn được hướng dẫn các vấn đề về dinh dưỡng, bổ sung vitamin từ thực phẩm, vệ sinh răng miệng, hướng dẫn các nhóm hóa chất/ thuốc dễ gây viêm loét miệng,…
Theo Bác sĩ Lê Ngô Minh Như (Phòng khám Ngũ Quan, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3): Loét miệng (Recurrent Aphthous Stomatitis) là tình trạng xuất hiện một hoặc một vài vết loét hình tròn hoặc bầu dục kích thước từ 1 – 10mm ở trong miệng gây đau khi ăn, nuốt hoặc nói. Là bệnh khá phổ biến, chiếm khoảng 20% dân số, tần suất xuất hiện giảm dần theo tuổi, nữ thường gặp hơn nam, thường xuyên tái phát.
Nguyên nhân, cơ chế cho đến nay vẫn chưa rõ ràng và ghi nhận một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng mắc loét miệng: Stress, căng thẳng, mất cân bằng nội tiết tố và miễn dịch cơ thể, hút thuốc lá, sử dụng các thực phẩm béo ngọt, cay nóng, tiếp xúc với một số thuốc/ hóa chất (kháng sinh, kháng viêm, thuốc gây nghiện), mắc một số bệnh lý toàn thân, thiếu hụt vitamin,… Cần phải thăm khám, đánh giá xác định.
Trong một số trường hợp, tình trạng loét miệng nếu không được can thiệp bệnh sẽ tái phát nhiều lần, ảnh hưởng nặng đến tình trạng ăn uống, nhai nuốt, thậm chí chăm sóc vết loét không tốt có thể dẫn đến bội nhiễm. Hiện nay, có sự kết hợp Đông – Tây y giúp bệnh nhân được điều trị bao quát hơn và sử dụng các phương pháp từ thảo dược thiên nhiên hạn chế tác dụng phụ khi điều trị lâu dài, hạn chế tái phát.
Theo YHCT, Loét miệng được xếp vào chứng khẩu mi, khẩu sương, khẩu dương, khẩu cam, khẩu thiệt sinh sương. Nguyên nhân được biết đến do ăn nhiều đồ ăn béo ngọt, cay nóng, rượu bia nhiều gây ra tích nhiệt, lâu ngày hóa hỏa tổn hại Tâm, Tỳ hoặc thấp nhiệt đình đọng tích tụ Tỳ hoặc do ăn uống thiếu thốn, thể chất hư yếu mà sinh bệnh.
Y học cổ truyền là những phương pháp kết hợp thuốc thảo dược bôi ngoài và uống trong điều trị Loét miệng, trên cơ sở điều chỉnh nhiệt – hỏa – hư – thực, tái lặp sự cần bằng trong cơ thể. Tùy vào tình trạng bệnh, từng bệnh nhân cụ thể mà lựa chọn các vị thuốc, bài thuốc, phương pháp điều trị y học cổ truyền phù hợp nhất.
Sau khi đã được điều trị bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền khác, người bệnh cần phải luôn kết hợp thay đổi và tuân thủ các biện pháp sau:
- Nên có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chú ý bổ sung vitamin từ rau xanh và trái cây.
- Uống đủ > 2 lít nước/ ngày.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách theo khuyến cáo của Bác sĩ Nha khoa.
- Hạn chế tiếp xúc hóa chất dễ gây viêm loét miệng.
- Tránh stress – căng thẳng quá mức, kéo dài.
- Bỏ thuốc lá.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý đang mắc phải.
Tác giả: Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Ngô Minh Như