Điều trị viêm quanh khớp vai bằng xoa bóp bấm huyệt – Vật lý trị liệu

Chuyên mục bệnh học - 11/03/2025

Viêm quanh khớp vai (hay còn gọi là viêm chu vai) là một tình trạng viêm ảnh hưởng đến các mô mềm quanh khớp vai, bao gồm gân, dây chằng, bao khớp, cơ và các mô liên kết. Đây là một bệnh lý phổ biến gây đau đớn và hạn chế vận động của khớp vai, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.

Cấu tạo của khớp vai và viêm quanh khớp vai

Khớp vai là một trong những khớp di động nhất trong cơ thể, giúp chúng ta thực hiện các động tác như giơ tay, xoay vai. Khớp này bao gồm các bộ phận sau:

– Xương bả vai

– Xương cánh tay

– Khớp cùng xương đòn

Tình trạng viêm quanh khớp vai xảy ra khi các mô mềm quanh khớp (bao gồm gân, dây chằng, bao khớp) bị viêm, tổn thương hoặc quá tải. Điều này có thể dẫn đến đau nhức, cứng khớp và hạn chế cử động vai.

Các nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

– Chấn thương: Va đập mạnh, té ngã hoặc các chấn thương thể thao có thể làm tổn thương gân và dây chằng quanh khớp vai.

– Lao động nặng: Những người thường xuyên phải làm việc nặng, mang vác hoặc vận động vai quá mức dễ gặp phải tình trạng viêm này.

– Tuổi tác: Quá trình lão hóa làm cho các mô mềm quanh khớp vai dần yếu đi và dễ bị tổn thương.

– Ít vận động: Những người ít vận động vai, đặc biệt là dân văn phòng, dễ bị co cứng cơ và viêm quanh khớp.

– Bệnh lý toàn thân: Bệnh xương khớp có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm quanh khớp vai.

Triệu chứng của viêm quanh khớp vai

Các triệu chứng thường diễn ra theo từng giai đoạn:

Giai đoạn khởi phát:

– Đau nhẹ ở vai, tăng dần khi vận động, đặc biệt khi giơ tay lên cao hoặc ra sau lưng.

– Cơn đau có thể lan xuống cánh tay.

Giai đoạn toàn phát:

– Đau nhức dữ dội, đặc biệt về đêm.

– Vận động vai bị hạn chế, khó giơ tay lên, đưa tay ra sau lưng hoặc sang ngang.

– Có thể sờ thấy điểm đau tại gân cơ quanh khớp vai.

Giai đoạn hồi phục:

– Nếu điều trị đúng cách, cơn đau giảm dần, vai cử động dễ dàng hơn.

– Nếu không điều trị, có thể dẫn đến đông cứng khớp vai (hội chứng “vai đông cứng”)

Cách điều trị viêm quanh khớp vai

Việc điều trị viêm quanh khớp vai phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và có thể bao gồm các phương pháp sau:

​Xoa bóp và bấm huyệt:

– Xoa bóp vùng vai giúp giảm căng cơ và cải thiện tuần hoàn máu.

– Bấm huyệt vào các huyệt như Kiên tỉnh, Kiên ngung, Thiên tông có thể giúp giảm đau và cải thiện tình trạng viêm.

Vật lý trị liệu:

– Chườm nóng hoặc lạnh để giảm viêm và giảm đau.

– Bài tập phục hồi chức năng giúp tăng cường cơ vai và cải thiện phạm vi vận động của khớp vai.

– Chống viêm tại chỗ bằng hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm để giảm đau, giãn cơ, chống viêm và giảm xơ dính.

– Điện xung để thư dãn cơ, giảm đau.

​Vận động trị liệu

– Kéo giãn và di động khớp nhằm làm tăng tầm vận động khớp.

– Tập chủ động với các dụng cụ: các bài tập với gậy, dây, thang tường, ròng rọc nhằm tăng tầm vận động khớp và tập mạnh các nhóm cơ vùng vai.

– Bài tập Codman đong đưa khớp vai: Bài tập này giúp bệnh nhân giảm đau vai rất tốt, đồng thời làm cải thiện tình trạng giới hạn tầm vận động khớp vai.

Nếu bạn hoặc người thân đang có các triệu chứng tương tự, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để các Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng và chỉ định điều trị kịp thời. Tránh tình trạng bệnh lâu ngày, gây đau nhiều và cứng khớp, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày và thời gian điều trị phải kéo dài hơn.

KTV PHCN. Lê Thị Minh Thịnh

Đơn vị Điều trị ban ngày

————————————–

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3

221B Hoàng Văn Thụ – Phường 8 – Quận Phú Nhuận – TPHCM

Thời gian hoạt động:

– Thứ 2 đến Thứ 6 sáng từ 7h00 – 11h30, chiều từ 13h00 – 16h30.

– Thứ 7 từ 7h00 – 11h30, chiều Thứ 7 và ngày Chủ Nhật nghỉ.

Điện thoại: 02838.444.771 – 02838.420.070