Đông bệnh hạ trị: Phương pháp phòng bệnh trong Y học cổ truyền

Chuyên mục bệnh học - 04/04/2025

Trong cuốn “Hoàng đế nội kinh”, một cuốn y thư kinh điển của y học cổ truyền phương Đông, đã đề cập các nguyên lý cơ bản của sức khỏe như: Người xưa hiểu đạo lý sống theo âm dương, điều hòa vận hành tự nhiên, ăn uống điều độ, sinh hoạt có quy luật, không lao lực bừa bãi, nên sống khỏe mạnh đến trăm tuổi.

Từ đó, bàn về nhiều phép dưỡng sinh khác nhau, thuận theo sự vận hành của trời đất và đời sống của con người. Trong các phép dưỡng sinh đó, có nhắc đến phép “Đông bệnh hạ trị” phù hợp với khí hậu đang vào mùa nóng như hiện nay.

“Đông bệnh hạ trị” (冬病夏治) có nghĩa là trị bệnh mùa đông vào mùa hè. Đây là một phép phòng bệnh, khi lợi dụng tính dương của mùa hè để củng cố dương khí, nhằm điều trị những bệnh mạn tính thường phát vào mùa đông. Các bệnh thường dễ gặp vào mùa đông thường liên quan đến dương hư, khí hư như:

– Bệnh đường hô hấp mạn tính: Hen suyễn, viêm phế quản mạn, viêm mũi dị ứng.

– Bệnh phong thấp, đau xương khớp do hàn thấp.

– Bệnh dạ dày do hàn khí như đau bụng do lạnh, tiêu chảy mãn tính.

– Bệnh suy giảm miễn dịch, cơ thể yếu do dương khí hư.

Vì vậy, phép dưỡng sinh phòng bệnh chủ yếu giúp ôn dương, kiện tỳ, ích khí. Đông y có phương pháp dán thuốc trên huyệt vào các ngày nóng nhất trong năm, để củng cố dương khí, được gọi là “Tam phục liệu pháp”.

Năm 2025 có 4 ngày tam phục, dự kiến rơi vào khoảng 15 tháng 7 đến 23 tháng 8 dương lịch. “Tam Phục Dán” có nguồn gốc từ bài thuốc cổ “Thiên Cứu” thời nhà Minh – Trung Quốc. Thành phần chính của bài thuốc là bạch giới tử, kết hợp với can khương.

Các huyệt thường được dán thuốc gồm:

– Bách hội (Du 20) – Trị hư chứng, nâng cao chính khí

– Phế du (BL13) – Tăng cường công năng phế khí

– Tỳ du (BL20) – Kiện tỳ, ích khí

– Thận du (BL23) – Bổ thận, tráng dương

Đối với phương pháp dùng thuốc, các bài thuốc như Bổ phế ích khí thang, Tứ quân tử thang, Hương sa lục quân thang, Bát vị hoàn, thường được sử dụng cho những người có khí hư, dương hư, thường mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc các bệnh lý xương khớp khởi phát vào mùa lạnh.

Các phép tập luyện dưỡng sinh cũng được khuyến khích duy trì để giúp điều hòa khí huyết, nâng cao dương khí trong cơ thể.

Khám chữa bệnh, phòng bệnh bằng các phương pháp Y học cổ truyền từ xưa đến nay luôn được ưa chuộng bởi phần lớn bộ phận người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh tật thiếu minh chứng khoa học, gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc. Người bệnh khi có nhu cầu điều trị – phòng bệnh bằng Y học cổ truyền nên đến các cơ sở y tế uy tín hoặc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3 để được chẩn đoán đúng, điều trị đúng và phòng ngừa bệnh tật một cách an toàn nhất.

Bác sĩ Phạm Ánh Ngân

Lịch khám Sáng thứ 6 hàng tuần

————————-

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3

221B Hoàng Văn Thụ – Phường 8 – Quận Phú Nhuận – TPHCM

Thời gian hoạt động:

– Thứ 2 đến Thứ 6 sáng từ 7h00 – 11h30, chiều từ 13h00 – 16h30.

– Thứ 7 từ 7h00 – 11h30, chiều Thứ 7 và ngày Chủ Nhật nghỉ.

Điện thoại: 02838.444.771 – 02838.420.070