Đột ngột méo mặt (Liệt mặt) sau cơn đau sau tai – Người bệnh phục hồi sau điều trị Y học cổ truyền

Chuyên mục bệnh học - 23/03/2025
Vào thời điểm chuyển mùa hằng năm, khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, là thời điểm Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3 tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị liệt mặt ngoại biên.
Trong số các trường hợp tiếp nhận điều trị, trường hợp của cô N.T.M.L, 75 tuổi, là một ví dụ điển hình và đặc biệt. Cô L. cho biết mình xuất hiện cảm giác đau nhức dữ dội trong tai phải, kèm theo cảm giác nóng rát lan tỏa toàn bộ vùng mặt bên phải. Mắt phải không thể nhắm kín, khóe miệng bên phải chảy nước và đau nhức nhiều ở tai phải.
Ban đầu, cô được chẩn đoán là bị liệt mặt ngoại biên do viêm tai giữa và được chỉ định điều trị tại nhà trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng không cải thiện khiến cô ngày càng lo lắng, nên đã quyết định đến thăm khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3.
Tại đây, sau khi được Bác sĩ thăm khám và đánh giá lại, cô được chẩn đoán mắc Zona thần kinh, có biến chứng liệt mặt ngoại biên và đau dây thần kinh số V bên phải. Kết quả đánh giá theo thang điểm House-Brackmann cho thấy cô L. bị liệt hoàn toàn nửa mặt phải, tương ứng mức độ nặng nhất – độ 6. Điện cơ (EMG) cũng ghi nhận tổn thương sợi trục dây thần kinh sọ số VII bên phải, ở mức độ nặng.
Cô được điều trị tích cực tại bệnh viện. Sau hai tuần, các cơn đau được kiểm soát hoàn toàn; đến tuần thứ ba, chức năng cơ mặt cải thiện khoảng 50%; và sau hai tháng, cô đã phục hồi hoàn toàn chức năng vận động vùng mặt.
Nguyên nhân và cơ chế gây liệt mặt ngoại biên do Zona thần kinh
Liệt mặt ngoại biên là tình trạng tổn thương thần kinh mặt, dẫn đến yếu hoặc liệt các cơ mặt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cử động, cảm giác và thẩm mỹ khuôn mặt. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây liệt mặt ngoại biên là nhiễm zona thần kinh (herpes zoster), bệnh lý do virus varicella-zoster (VZV) gây ra. Sau khi mắc thủy đậu, virus này có thể “ẩn nấp” trong các hạch thần kinh và tái hoạt động khi cơ thể suy yếu miễn dịch, gây ra zona.
Liệt mặt ngoại biên thứ phát do nhiễm zona thần kinh xảy ra khi virus tấn công các dây thần kinh mặt. Các triệu chứng của bệnh bao gồm mất hoặc giảm cử động cơ mặt, giảm cảm giác ở 2/3 trước lưỡi, chảy nước mắt, và có thể gây đau dữ dội tại vùng da bị tổn thương. Kết quả Điện cơ (EMG) cho thấy tổn thương nghiêm trọng sợi trục của dây thần kinh mặt, làm giảm khả năng phục hồi các chức năng của cơ mặt. Điều này chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của tổn thương thần kinh và ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của bệnh nhân.
Vai trò của Y học cổ truyền trong điều trị liệt mặt ngoại biên
Trong giai đoạn đầu điều trị (tuần đầu tiên), bệnh nhân thường được điều trị kết hợp với các thuốc Tây y như thuốc kháng viêm, kháng virus nhằm giảm tải lượng virus và hỗ trợ tái tạo cấu trúc thần kinh. Đồng thời, các phương pháp điều trị Y học cổ truyền (YHCT) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng phục hồi và giảm thiểu biến chứng cho bệnh nhân, đặc biệt trong việc hỗ trợ thần kinh hồi phục.
Hào châm, Cấy chỉ, Thủy châm
Hào châm là phương pháp châm cứu phổ biến trong YHCT để điều trị liệt mặt ngoại biên. Châm cứu giúp kích thích tuần hoàn máu, cải thiện lưu thông khí huyết, đồng thời phục hồi chức năng thần kinh. Đối với liệt mặt do zona thần kinh, các huyệt như Hợp cốc, Đại chuỳ, Khúc trì, Phong trì, Dương bạch, Thái dương, Lâm khấp, Nghinh hương, Quyền liêu, Địa Thương, Giáp xa được sử dụng để kích thích cơ mặt và giảm đau.
Nghiên cứu mới đây tại Hàn Quốc chỉ ra rằng phương pháp cấy chỉ tại các huyệt trên có hiệu quả phục hồi vận động cơ mặt và giảm đau, thậm chí cao hơn cả hào châm truyền thống. Phương pháp cấy chỉ giúp kéo dài hiệu quả điều trị từ 2-3 tuần chỉ sau một lần thực hiện, rất thuận tiện cho những bệnh nhân không thể thực hiện châm cứu thường xuyên.
Thủy châm là phương pháp kết hợp giữa YHCT và dược động học, sử dụng thuốc tiêm vào các huyệt đạo liên quan đến bệnh, nhằm tối đa hóa hiệu quả điều trị. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong việc phục hồi tổn thương của thần kinh ngoại biên và đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu.
Xoa bóp và bấm huyệt
Xoa bóp và bấm huyệt là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong YHCT, giúp giảm căng thẳng, giảm đau và kích thích tuần hoàn máu. Đối với bệnh nhân bị liệt mặt do zona thần kinh, xoa bóp có thể tác động trực tiếp lên các cơ mặt bị liệt, giúp cải thiện sự linh hoạt và chức năng của các cơ. Bấm huyệt có tác dụng kích thích các huyệt đạo, tăng cường quá trình tái tạo các sợi thần kinh.
Bên cạnh đó, phương pháp xoa bóp nhẹ nhàng tại các huyệt đạo trên mặt cũng giúp giảm đau và làm tăng sự vận động của các cơ mặt, hỗ trợ quá trình phục hồi.
Thuốc Y học cổ truyền và thảo dược
Các bài thuốc Y học cổ truyền kinh điển như “Khương hoạt thắng thấp thang”, “Nhân sâm bại độc ẩm”, “Cát căn cầm liên thang”, cùng với các vị thuốc như Nhân sâm, Thục địa, Đương quy được sử dụng để cải thiện khí huyết, giảm viêm và phục hồi chức năng thần kinh. Những thảo dược này giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, giảm đau, và hỗ trợ tái tạo các cấu trúc thần kinh.
Ngoài ra, thuốc Y học cổ truyền còn giúp ổn định hệ miễn dịch, điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân nhiễm zona thần kinh, vì nó giúp cơ thể ngăn ngừa sự tái phát của virus.
Liệu pháp nhiệt
Liệu pháp nhiệt, bao gồm cứu, xông hơi, hoặc sử dụng túi chườm nóng, có tác dụng giãn mạch, kích thích tuần hoàn máu, giảm viêm và hỗ trợ quá trình phục hồi của thần kinh. Tuy nhiên, ở một số tình trạng người bệnh, việc sử dụng liệu pháp nhiệt cần phải hết sức thận trọng, vì nó có thể làm tình trạng của bệnh nhân trở nên nặng hơn.
Liệt mặt ngoại biên thứ phát do zona thần kinh là một tình trạng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Y học cổ truyền với các phương pháp như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và thuốc bắc đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ điều trị và phục hồi chức năng thần kinh. Việc kết hợp YHCT và Tây y mang lại kết quả điều trị toàn diện, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và giảm thiểu các biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, hiệu quả của YHCT còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh và thời gian bắt đầu điều trị. Nếu được can thiệp kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể phục hồi chức năng cơ mặt trong thời gian ngắn.
Thạc sĩ – Bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh
Phó Trưởng khoa Châm cứu – Dưỡng sinh
————————-
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3
221B Hoàng Văn Thụ – Phường 8 – Quận Phú Nhuận – TPHCM
Thời gian hoạt động:
– Thứ 2 đến Thứ 6 sáng từ 7h00 – 11h30, chiều từ 13h00 – 16h30.
– Thứ 7 từ 7h00 – 11h30, chiều Thứ 7 và ngày Chủ Nhật nghỉ.
Điện thoại: 02838.444.771 – 02838.420.070